Thứ Tư, 15/05/2024, 11:03

Vụ bê bối kế toán gây rúng động giới tài chính Thái Lan

Xem thêm

Chỉ mới 1 năm trước, Stark Corp trông có vẻ là một doanh nghiệp thành công tại Thái Lan, với sự hậu thuẫn của một doanh nhân giàu có và sở hữu mức vốn hóa gần 2 tỷ USD. Trước đó, hãng sản xuất cáp điện này cũng đang trên đà tăng trưởng thần tốc bằng hoạt động thâu tóm và mong muốn mở rộng ra khỏi khu vực châu Á.

Nhưng nay mọi thứ trông thật khác. Stark giờ trở thành một trong những nguy cơ tài chính lớn nhất ở Thái Lan, với bê bối gian lận kế toán và không thanh toán đúng hạn với khoản nợ 39 tỷ Bath (1.1 tỷ USD). Hoảng hồn vì tin sốc, nhà đầu tư đồng loạt tháo chạy và giá cổ phiếu Stark rớt 99% xuống gần 0.

Khi niềm tin bốc hơi, các nhà quản lý quỹ đã quyết định bán tháo các trái phiếu do Stark phát hành. Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan cũng giục các cơ quan chức trách hành động để khôi phục niềm tin trên thị trường.

Bê bối của Stark gây rúng động thị trường và thôi thúc các cơ quan tăng cường kiểm soát các rủi ro tài chính tiềm ẩn. Vụ việc này diễn ra khi giới đầu tư đang lo ngại về tình trạng bế tắc chính trị sau cuộc bầu cử trong tháng trước.

Chỉ số chuẩn của Thái Lan đã giảm 10% từ đầu năm 2023 và hiện đang dao động ở mức thấp nhất kể từ năm 2021. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 3 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán Thái Lan.

“Vụ việc của Stark chắc chắn ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư và giờ họ trở nên thận trọng hơn với các quyết định đầu tư. Họ cũng hoài nghi về việc quản trị ở các công ty”, Niwes Hemvachiravarakorn, nhà sáng lập của Câu lạc bộ Nhà đầu tư giá trị Thái Lan, cho biết.

“Stark được kiểm toán bởi một trong những công ty hàng đầu thế giới trong ngành, nhưng các kiểm toán viên cũng không thể phát hiện ra bất thường cho tới khi vụ việc xảy ra”.

Tăng trưởng thần tốc bằng thâu tóm sáp nhập

Ra đời từ năm 1990, Stark tiền thân là một công ty xuất bản và phân phối truyện tranh có tên là Siam Inter Multimedia Pcl. Sau đó, doanh nhân Vonnarat Tangkaravakoon – thuộc một trong những gia đình giàu có nhất Thái Lan – đã thâu tóm quyền kiểm soát công ty và đổi tên sang Stark vào năm 2019.

Tính tới tháng 10/2022, Vonnarat là cổ đông lớn nhất của Stark với 45% cổ phần, theo Bloomberg.

Vonnarat đã biến doanh nghiệp xuất bản thành một nhà sản xuất dây điện và linh kiện bằng cách thâu tóm lại nhà sản xuất cáp Phelps Dodge International (Thailand) Ltd.

Doanh nhân Vonnarat Tangkaravakoon.

Vị doanh nhân 51 tuổi này hiện đang là con trai lớn của Prachak Tangkaravakoon – nhà sáng lập của hãng sản xuất sơn lớn nhất Thái Lan.

Vonnarat là Giám đốc điều hành của TOA từ năm 1998 và chỉ mới từ chức trong tháng trước, nhưng hiện vẫn nắm 9% cổ phần tại TOA, theo website. Tuy vậy, TOA phủ nhận mọi mối quan hệ với Stark về vấn đề đầu tư hay quản lý.

Dưới thời Vonnarat, Stark tiếp tục tăng trưởng thần tốc bằng các thương vụ thâu tóm và sáp nhập, bao gồm việc mua lại các doanh nghiệp sản phẩm công nghiệp tại Việt Nam.

Hồi tháng 5 năm ngoái, Stark công bố một thỏa thuận trị giá 560 triệu euro để mua lại Leoni Business Group Automotive Cable Solutions, nhà sản xuất giải pháp cáp ô tô của Đức. Đây là bước mở rộng lớn đầu tiên của công ty bên ngoài châu Á.

Lãnh đạo từ chức, hoãn công bố báo cáo tài chính

Tín hiệu rắc rối bắt đầu xuất hiện từ tháng 12/2022, khi Stark thông báo sẽ rút khỏi thương vụ Leoni. Dù đã huy động được 5.58 tỷ Baht từ các nhà đầu tư bao gồm hai ngân hàng Credit Suisse và HSBC để tài trợ cho thỏa thuận thâu tóm Leoni, nhưng Stark cho biết muốn sử dụng số tiền này cho các mục đích khác.

Leoni AG và Leoni Bordnetz-Systeme GmbH, các chủ sở hữu của Leoni, đã yêu cầu Stark bồi thường 608 triệu Euro vì không thực hiện thỏa thuận.

Và hồi tháng 2/2023, Giám đốc điều hành của công ty cũng đột ngột từ chức vì lý do cá nhân. Cùng tháng đó, Stark cho biết sẽ không kịp công bố báo cáo tài chính đúng hạn (ngày 1/3/2023), vì một số thông tin cần được kiểm toán.

Cổ phiếu sau đó bị đình chỉ giao dịch, Chủ tịch Chanin Yensudchai và các thành viên HĐQT cũng lần lượt từ chức.

Bê bối kế toán

Đến cuối tháng 5/2023, Stark lại trì hoãn công bố báo cáo tài chính và khiến tâm lý hoài nghi dâng cao. Các nhà đầu tư của hai lô trái phiếu mà Stark phát hành (với giá trị tổng cộng 2.24 tỷ Baht) đã yêu cầu công ty thanh toán ngay cả gốc lẫn lãi.

Cổ phiếu của Stark đã giảm giá 92% trong ngày 1/6, ngày giao dịch đầu tiên sau hơn hai tháng bị đình chỉ. Vụ việc này còn châm ngòi cho tình trạng vỡ nợ chéo với các khoản nợ và trái phiếu khác của Stark.

Mãi đến ngày 16/6, các nhà đầu tư mới biết được mức độ nghiêm trọng của các vấn đề ở Stark. Đó là ngày công ty công bố báo cáo tài chính, cho thấy công ty lỗ ròng 6.61 tỷ Baht vào năm 2022, đồng thời điều chỉnh lại kết quả kinh doanh 2021 với mức lỗ 5.97 tỷ Baht, thay vì lãi 2.78 tỷ Baht như báo cáo ban đầu.

Stark cho biết đã xác định được “nhiều lỗi” trong các báo cáo tài chính trước đó, đồng thời tiết lộ chi tiết về cuộc kiểm toán đặc biệt do PricewaterhouseCoopers thực hiện.

Các kiểm toán viên phát hiện tới 202 “giao dịch bán hàng bất thường” trị giá 8 tỷ Baht vào năm 2022 và 3.59 tỷ Baht vào năm 2021. Chúng bao gồm giả mạo tên người trả tiền và các khoản thanh toán đại diện cho khách hàng đến từ tài khoản của các cựu lãnh đạo của Stark.

Trong ngày 20/6, những người nắm giữ 3 lô trái phiếu khác của Stark (dự kiến đáo hạn trong năm 2024-2025 và trị giá tổng cộng 6.95 tỷ Baht) cũng yêu cầu thanh toán ngay lập tức, làm tăng thêm khó khăn tài chính cho Stark.

Họ yêu cầu công ty trả gốc và lãi trước ngày 20/7. Adisorn Songkhla, công ty trực thuộc Stark, cũng đã vỡ nợ đối với 3 lô trái phiếu trị giá 127 triệu Baht vào ngày 1/6.

Giá cổ phiếu Stark đã giảm mạnh xuống gần bằng 0, khiến vốn hóa của công ty chỉ còn khoảng 11 triệu USD so với mức cao nhất của năm ngoái là hơn 1.7 tỷ USD. Tuần trước, Stark thừa nhận lo ngại về “khả năng hoạt động liên tục của Công ty”.

Tính đến ngày 31/12/2022, Stark nợ khoảng 39 tỷ Baht, phần lớn là trái phiếu, các khoản vay và tín dụng thương mại, và vốn chủ sở hữu âm 4.4 tỷ Baht.

Hồi đầu tháng 6/2023, công ty cảnh báo về khả năng vỡ nợ đối với các lô trái phiếu trị giá tổng cộng 9 tỷ Baht (260 triệu USD).

Somjin Sornpaisarn, Chủ tịch của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Thái Lan, cho biết Stark là một trường hợp tách biệt vì rắc rối đến từ việc quản trị kém.

Dù vậy, đây vẫn là vụ vỡ nợ lớn nhất kể từ đợt tái cấu trúc nợ của hãng hàng không Thai Airways trong năm 2020. Vụ việc này làm dấy lên lo ngại về thị trường trái phiếu của Thái Lan, nhất là các trái phiếu rủi ro cao. Nhà đầu tư giờ ngoảnh mặt với các trái phiếu rủi ro cao do lo ngại về khả năng trả nợ của các công ty.

Trong khi đó, giới chức Thái Lan đang tìm cách khôi phục niềm tin trên thị trường. Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Thái Lan đã yêu cầu Stark thực hiện đợt kiểm toán đặc biệt.

Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET) dự định siết chặt các quy định niêm yết cửa sau (backdoor listings) để tránh xảy ra trường hợp tương tự với Stark. Trước đó, Stark niêm yết gián tiếp thông qua Siam Inter Multimedia.

Theo Vũ Hạo/vietstock.vn/Bloomberg

 

 

Bài viết mới