Xây dựng cơ sở dữ liệu vùng trồng và ứng dụng công nghệ blockchain trong quản lý, truy xuất nguồn gốc là bước đột phá nhằm bảo vệ, nâng cao chất lượng bền vững thương hiệu tỏi Lý Sơn, mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu.
Ông Võ Trí Thời – Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) – khẳng định: “Ứng dụng sẽ cung cấp những nội dung số liệu thu thập về vùng canh tác, chế biến, hàng hóa sẽ là vô giá đối với các nghiên cứu khoa học và phát triển những giải pháp, cải tiến mới trong tương lai.
Qua đó, chuỗi giá trị tỏi Lý Sơn hàng hóa của tỉnh ngày càng thu hút đầu tư phát triển”.
Để món quà xứ đảo thiên đường giữ nguyên giá trị
Đến đảo thiên đường Lý Sơn, nơi có những cảnh đẹp hoang sơ kỳ vĩ, món quà nào được nhiều người ưa chuộng hơn đặc sản “vàng trắng” tỏi Lý Sơn.
Ngày nay, tỏi Lý Sơn không chỉ có những củ tỏi khô, tỏi chùm… mà còn được chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau như: Tỏi ngâm dấm táo mật ong, cao tỏi, tỏi đen, rượu tỏi.
Tỏi Lý Sơn được trồng từ tháng 9 và thu hoạch vào tháng 2. Người nông dân thu hoạch từng luống tỏi tươi. Sau đó, người mua tỏi tươi làm khô chế biến ra nhiều sản phẩm khác.
Giữa các công đoạn đó, tỏi qua tay người vận chuyển, thương lái trước khi phân phối vào siêu thị, xuất khẩu. Người tiêu dùng thông thái muốn biết nhật ký sản xuất chân thật của người nông dân và sẵn sàng chi trả cho những thông tin giá trị này.
Các sản phẩm tỏi Lý Sơn sáng tạo cần được bảo vệ như tỏi đen, tỏi ngâm.
“Chúng tôi muốn biết với thời gian trồng như vậy, tỏi có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay không? Tôi muốn biết quy trình rõ ràng để hiểu sản phẩm mình mua có an toàn, đủ tiêu chuẩn và đúng là tỏi Lý Sơn”, chị Nguyễn Diệu Thông (du khách đến từ TP Huế) bày tỏ.
Ông Ngô Hoài Phương – Giám đốc Công ty TNHH Volcano – giới thiệu sản phẩm “Tháp Ông Địa” được sáng tạo và tết từ chính tay người dân trên đảo Lý Sơn.
Tỏi tết tháp 100% chính gốc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý bởi Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và quản lý bởi huyện Lý Sơn. Volcano là một trong số những thương hiệu chính hãng được phép của huyện Lý Sơn in logo chỉ dẫn địa lý trên bao bì, tem, nhãn.
“Khi những sản phẩm sáng tạo tỏi Lý Sơn phát triển, nâng cao giá trị kinh tế cũng chính là những sản phẩm dễ làm nhái, giả hơn”, ông Phương cho hay.
Thấu hiểu được điều này, Volcano trở thành một trong những đơn vị tiên phong trong việc đăng ký ứng dụng công nghệ Blockchain để truy xuất nguồn gốc xuất xứ.
“Trên thực tế, hộ sản xuất, kinh doanh và chế biến hành tỏi Lý Sơn gặp nhiều khó khăn nhất định trong công tác quản lý, phát triển sản phẩm mang thương hiệu tỏi Lý Sơn.
Đặc biệt là vấn đề kiểm soát nhãn hiệu, nhận diện phân biệt tỏi Lý Sơn với các loại tỏi khác gắn với truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng tin tưởng”, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết.
Nhãn hiệu tỏi Lý Sơn Olvis của Volcano do chính nông dân Lý Sơn trồng, thu hoạch, có xưởng sản xuất tại đảo và cho khách tham quan tại xưởng đầy đủ giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và chứng nhận OCOP.
Thế nhưng, những câu hỏi như chị Thông trước đây công ty cũng nhiều lần phải giải thích cho từng khách hàng.
Ông Phạm Văn Công – Công ty Cổ phần DoRi – người đã dành cả thanh xuân của mình cho cây tỏi, lập nên nhãn hiệu “Vua tỏi Lý Sơn” không thôi băn khoăn:
“Từ ba năm trở lại đây, người ta công khai mang giống tỏi từ nơi khác về đảo trồng và nói đó là tỏi Lý Sơn. Đây là vấn đề có nhiều nguy cơ đe dọa tới nguồn giống quý của tỏi Lý Sơn dẫn tới đánh mất thương hiệu”.
Ông Phạm Văn Công với các sản phẩm từ tỏi Lý Sơn.
Theo “Vua tỏi Lý Sơn”, trong sản xuất nông nghiệp, giống là một phần rất quan trọng để xác định chất lượng của sản phẩm. Nếu tỏi Lý Sơn không có giải pháp bảo vệ ngay từ khâu sản xuất đầu tiên thì việc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý không còn ý nghĩa.
Nhiều năm qua, huyện Lý Sơn và người dân loay hoay với các biện pháp bảo vệ thương hiệu: Gắn tem, logo nhãn mác, quét mã QR nhưng chưa giải quyết được triệt để vấn đề “vàng thau” thật giả lẫn lộn.
Tại huyện đảo, nhiều hộ nông dân sản xuất tỏi phải tự tìm cách bảo vệ mình bằng cách kết nối với đại lý ở các địa phương, đưa sản phẩm tới tận tay người tiêu dùng mà không qua thương lái.
“Tỏi Lý Sơn vẫn gặp phải sự cạnh tranh không lành mạnh đến từ nhiều sản phẩm có hình thức khá tương đồng trong và ngoài nước”, ông Võ Trí Thời – Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn – nói.
Kỳ vọng mới cho tỏi Lý Sơn phát triển bền vững
Đầu năm 2021, huyện Lý Sơn lập dự án với các hoạt động nghiên cứu và xây dựng cơ sở dữ liệu vùng tỏi Lý Sơn. Chú trọng thông tin canh tác và quản lý, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc, chất lượng, quảng bá chuỗi tỏi Lý Sơn hàng hóa.
Nhiều giải pháp công nghệ thông tin hiện đại được đề xuất như: Blockchain, IoT, tem thông minh, chip định danh chống giả mạo một cách tối ưu nhất được đưa ra nhằm bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn.
Rất khó phân biệt các loại tỏi từ nơi khác chở về Lý Sơn nếu không có công nghệ.
Ứng dụng sẽ quản lý nguồn giống tỏi Lý Sơn đầu vào từ vùng địa lý canh tác, thông tin doanh nghiệp, mô hình, quy mô, tiêu chuẩn, cơ sở đóng gói đến chất lượng bảo quản và hệ thống những hoạt động thu mua, chế biến.
Đồng thời cho phép kết nối dữ liệu của hệ thống IoT giám sát an ninh, quan trắc môi trường canh tác 4.0 của hộ trồng, doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, trại giống,…
Việc quản lý thống kê tự động sẽ đưa ra mã số định danh cho tỏi Lý Sơn bằng nhiều nền tảng công nghệ thông minh định danh chống giả mạo.
Như vậy, người tiêu dùng được tăng cường độ nhận biết, dễ dàng đưa tỏi Lý Sơn, hàng hóa tham gia hoạt động xuất khẩu, kinh doanh trên thị trường dược liệu và gia vị trong nước cũng như thế giới.
Theo ông Thời, kế hoạch của huyện Lý Sơn sẽ cho các cơ sở và hộ kinh doanh sử dụng truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ blockchain trong năm 2022.
Hiện có 9 đơn vị đăng ký nhưng chưa có đơn vị nào sử dụng do phần mềm truy xuất vẫn đang hoàn thiện, dự kiến sẽ chuyển giao cho các đơn vị doanh nghiệp áp dụng vào đầu năm 2023.
UBND huyện Lý Sơn xác định xây dựng cơ sở dữ liệu vùng trồng và ứng dụng công nghệ blockchain là điều cấp thiết sẽ mang lại nhiều giá trị tích cực cho cả người dân huyện đảo và đơn vị quản lý tại địa phương.
“Hoạt động sẽ giúp xây dựng chuỗi giá trị kinh tế bền vững, đưa hình ảnh huyện đảo Lý Sơn và đặc sản tỏi Lý Sơn đến với thị trường du lịch thương mại quốc tế”, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương phấn khởi nói.
Công nghệ blockchain không chỉ giúp quản lý dữ liệu vùng trồng, chứng thực truy vết chuỗi quá trình trồng, chế biến mà còn quảng bá thương hiệu, thương mại tỏi Lý Sơn bằng giao dịch điện tử đến rộng rãi đến người tiêu dùng Việt Nam và thế giới.
Đến nay, UBND huyện Lý Sơn đã mời một số đơn vị thực hiện chạy thử phần mềm… nhưng có khó khăn khi ứng dụng đòi hỏi các đơn vị kinh doanh phải rành công nghệ, chịu khó thu thập thông tin đến từng thửa đất sản xuất.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn tập trung, đào tạo chuyên gia tại các địa phương để vận hành hệ thống dành cho những hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến sản xuất, nhóm hộ, hộ dân đủ điều kiện”, ông Võ Trí Thời – Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn chia sẻ.
“Những ngày cuối năm 2022, hàng giả, hàng nhái tỏi Lý Sơn dần được đẩy mạnh kiểm soát chặt chẽ hơn. UBND huyện đưa ra một số giải pháp hạn chế được việc lái buôn vận chuyển tỏi nơi khác về Lý Sơn. Thường xuyên tuyên truyền nhân dân về ý thức bảo vệ thương hiệu quê hương, làm việc với các chủ phương tiện tàu thuyền không chở tỏi nơi khác về Lý Sơn, thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh buôn bán tỏi” – Ông Võ Trí Thời – Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn. |
Theo Tạp chí SHTT & Sáng tạo – Bảo Hoà