Phát triển xanh, bền vững đang là hướng đi nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm, triển khai, để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, mặt khác nhằm tối đa hóa lợi nhuận cho DN.
Thế nhưng, cuộc đua xanh đang vấp phải thách thức lớn là tiền đầu tư.
Ngành dệt may phải hướng đến tiêu chuẩn xanh mới mong xuất khẩu được thông suốt.
DN lớn đi trước
Nói về hành trình sản xuất xanh, bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng giám đốc CTCP Quốc tế Phong Phú, một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu dệt may lớn tại Việt Nam, cho biết khoảng 10 năm trở lại đây trước những yêu cầu của các nhà nhập khẩu tại các thị trường lớn (Mỹ, châu Âu…) về sản xuất sản phẩm xanh, có các quy trình tái chế…, Phong Phú đã xây dựng dự án phát triển bền vững theo quy tắc 4R.
Cụ thể, Reduce – tập trung tiết giảm việc sử dụng nước, điện, hóa chất… bằng việc đầu tư các thiết bị máy móc với công nghệ hiện đại như Ozone, Eflow..; nghiên cứu phát triển các quy trình công nghệ bền vững, lựa chọn hóa chất và giải pháp thân thiện môi trường.
Reuse – đầu tư thiết bị cho các hoạt động tái sử dụng nước nhất là ở các nhà máy giặt.
Recycle – sản xuất các sản phẩm sử dụng nguyên vật liệu có nguồn gốc hữu cơ, nguyên vật liệu tái sử dụng. Respect – tôn trọng người lao động.
Một thí dụ cho thấy hiệu quả của quá trình sản xuất xanh, là trước đây Phong Phú sản xuất 1 quần jeans bình quân tiêu hao 42 lít nước. Nay với việc ứng dụng công nghệ thiết bị hiện đại, lượng nước tiêu hao chỉ 4% lượng nước trên.
Hiệu quả đã nhìn thấy, nhưng bà Liên cho biết thách thức lớn cho việc sản xuất xanh là chi phí đầu tư. Cho đến nay Phong Phú đã chi hàng trăm tỷ đồng đầu tư thiết bị, công nghệ để sản xuất xanh.
Chưa hết, mỗi năm công ty phải đóng phí 584USD/nhà máy (hiện Phong Phú có 30 nhà máy), để sử dụng bộ chỉ số Higg Index do Hiệp hội May mặc bền vững (SAC) xây dựng. Ngoài ra nhân lực am hiểu, vận hành thiết bị hiện đại cũng là thách thức không nhỏ cho DN.
Thực tế, nhiều DN lớn của Việt Nam đang đầu tư cho phát triển bền vững với khoản tiền không hề nhỏ. Như CTCP Bò sữa Việt Nam (Vinamilk), cho biết đã đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng cho 3 trang trại Green Farm.
Tại các trang trại này việc bảo vệ tài nguyên đất nước và sử dụng năng lượng được chú trọng. Điển hình như việc sử dụng hệ thống điện mặt trời, giảm tiêu thụ điện và khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính.
Vòng tuần hoàn đất và phương pháp canh tác của Nhật Bản cũng được vận dụng để đảm bảo dưỡng chất trong đất, hình thành những đồng cỏ chuẩn hữu cơ rộng lớn… Vinamilk cho biết thời gian tới sẽ đẩy mạnh đầu tư và chuyển đổi 13 trang trại khác sang Green Farm.
Có thể thấy tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu nhằm giảm phát thải nhà kính, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. Với nền kinh tế định hướng về xuất khẩu như Việt Nam, việc đi theo con đường này của các DN là tất yếu.
Tại diễn đàn xuất khẩu xanh cách đây chưa lâu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, cho biết xu hướng phát triển xanh, bền vững đã và đang hình thành “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư.
Các thị trường nhập khẩu quan trọng triển khai áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có “dấu chân carbon” lớn; nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu.
Trước đây, các tiêu chuẩn xanh, bền vững chỉ ở các phân khúc cao cấp, nay đã trở thành các yêu cầu phổ biến trên mọi phân khúc, mọi thị trường.
Nếu các nhà xuất khẩu Việt Nam không có các chứng nhận các thị trường có tiêu chuẩn xanh, hay khách hàng có tiêu chuẩn xanh yêu cầu, e rằng 5 năm nữa nhiều DN không thể xuất khẩu được hàng.
DN nhỏ theo sau
Nhìn các DN lớn với những khoản chi khủng cho phát triển kinh tế xanh, bền vững, kinh tế tuần hoàn, nhiều ý kiến cho rằng đây không phải là cuộc chơi dành cho DN nhỏ, tiềm lực mỏng.
Thế nhưng, đã không ít DN nhỏ đang chọn đi con đường phát triển sản phẩm theo mô hình kinh tế tuần hoàn, bền vững. Những câu chuyện này đã được kể lại tại tọa đàm “Phá vỡ bí ẩn kinh tế tuần hoàn” diễn ra hồi giữa tháng 11-2022 tại TP.HCM.
Đó là việc biến những vùng trồng dừa ở Trà Vinh bị ảnh hưởng bởi tình trạng xâm ngập mặn, thành những vùng khai thác mật hoa dừa của Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm).
Từ đây nhiều sản phẩm thương phẩm từ mật hoa dừa đã ra đời, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mới chuộng sản phẩm từ đường tự nhiên và có dầu khoáng cao.
Theo ông Phạm Đình Ngãi, Giám đốc Sokfarm, mô hình này giúp tăng giá trị kinh tế cho người nông dân từ 3-5 lần so với thu trái truyền thống.
“Thế giới đang thay đổi nhanh chóng, và khi các thông lệ tự nguyện trở thành tiêu chuẩn bắt buộc, cạnh tranh trên thị trường sẽ trở nên rất gay gắt”.
Đặc biệt, thành quả thu về của Sokfarm cũng không nhỏ. Không chỉ được nhiều thị trường nhập khẩu đón nhận, quan trọng hơn Sokfarm với mô hình kinh tế tuần hoàn, đã tiếp cận được nhiều nguồn vốn giá rẻ để đầu tư phát triển.
Cụ thể, Sokfarm đang tiếp cận với một số quỹ đầu tư nước ngoài chuyên đầu tư cho các DN tạo tác động xã hội. Điển hình như Quỹ WWF cho vay với lãi suất 1-2%. Hoặc năm nay Sokfarm sẽ làm việc với nhóm Quỹ SK2 của Mỹ và lãi suất quỹ này hướng tới cũng chỉ 3-4%.
Một câu chuyện khác của Công ty Thanh Bình với vòng tuần hoàn của cây lúa. Theo đó, sau khi thu hoạch lúa, rơm rạ dùng trồng nấm rơm, trấu dùng ép viên nén xuất khẩu, cám ép lấy dầu và bã làm thức ăn chăn nuôi.
Những câu chuyện này cho thấy phát triển xanh, tuần hoàn và bền vững không nằm ngoài tầm tay của các DN Việt, kể cả DN nhỏ.
Đặc biệt, các ngành chủ lực xuất khẩu như nông – lâm – thủy sản hoàn toàn có thể bắt đầu hành trình sản xuất xanh, bền vững, đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu, cũng như bảo vệ môi trường tại chính địa phương DN đó sản xuất, kinh doanh.