Thứ Năm, 10/10/2024, 7:27

Tài chính tiêu dùng: Khơi dòng chảy lớn, tắc nơi cống nhỏ

Xem thêm

Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 23/4/2023 về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng đã được hiện thực hoá bằng Thông tư 02/2023.

Những điều chỉnh này nhận được đánh giá cao từ thị trường nhưng áp lực trả nợ của khách hàng và nguy cơ nợ xấu của công ty tài chính đang bị đè nặng bởi một quy định nhỏ. Điều này cần sớm được tháo gỡ nếu không nó sẽ như cửa cống nhỏ làm tắc cả dòng chảy lớn.

Tài chính tiêu dùng: Khơi dòng chảy lớn, tắc nơi cống nhỏ

“Đuổi” tín dụng đen ra khỏi khu công nghiệp

Ngày 7/10/2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ký thỏa thuận với Công ty tài chính HD SAISON và Công ty tài chính FE CREDIT triển khai gói vay 20.000 tỷ đồng dành cho công nhân với mức lãi suất giảm đến 50% so với mức hiện hành.

Sau đó, FE CREDIT ký bản ghi nhớ với Liên đoàn Lao động Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Nghệ An, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang. HD SAISON ký với gần 30 Liên đoàn Lao động các tỉnh thành về gói vay công nhân này.

Hiện hai công ty tài chính đang thí điểm chương trình tại các cụm khu công nghiệp trên địa bàn các tỉnh thành này và dự kiến mở rộng tới 63 Liên đoàn Lao động trên cả nước.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đánh giá cao gói cho vay này, bởi đã hỗ trợ công đoàn viên, người lao động có nhu cầu vay tiêu dùng, giúp đẩy lùi nạn “tín dụng đen”.

Thực tế, “tín dụng đen” – hình thức cho vay với mức lãi suất cao không còn lộng hành, công khai, nhưng các đường dây “tín dụng đen” vẫn lách luật hoạt động và gây ra nhiều hệ lụy phức tạp, bất an cho xã hội.

Đại tá Đỗ Minh Phương, Phó trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết tín dụng đen nở rộ bằng nhiều hình thức tinh vi, đặc biệt hoạt động dưới vỏ bọc các công ty công nghệ, phát triển ứng dụng (app) cho vay. Khách hàng của các ứng dụng này chủ yếu là công nhân viên, người thu nhập thấp…

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự, năm 2022, công an các địa phương trên cả nước đã tiếp nhận, phát hiện gần 1.000 vụ/1.600 đối tượng liên quan đến “tín dụng đen”, qua đó khởi tố hơn 500 vụ, xử phạt hành chính hơn 150 vụ.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy hiện nay có 16 công ty tài chính được phép hoạt động theo luật. Tính đến hết 2022, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 200.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm khoảng 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế.

Nhìn vào tỷ trọng dư nợ cho vay tiêu dùng tại các nước phát triển lên tới 50% – 60%, có thể thấy dư địa cho dư nợ tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn lớn.

Nhưng, nhìn vào tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng của giai đoạn những năm trước thường ở mức 30% – 60% mỗi năm, có thể thấy sự phát triển đang chậm lại.

Nguyên nhân một phần là quy mô dư nợ hiện nay đã lớn hơn nhiều so với trước, nhưng nhu cầu vay tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng bởi những rủi ro của nền kinh tế trong ba năm trở lại đây.

Sớm bỏ cơ chế cập nhật nhóm nợ cao nhất

Trong một diễn biến đáng chú ý, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 59/NQ-CP về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.

Nghị quyết nêu rõ Chính phủ thống nhất chủ trương với kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại tờ trình số 57/TTr- NHNN ngày 22/4/2023 về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.

Ngay sau Nghị quyết số 59 là Thông tư 02 cho phép các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ nợ gốc và/hoặc lãi của năm 2023 được kéo dài tới 30/6/2024.

Cụ thể, ngoài lĩnh vực sản xuất kinh doanh, Thông tư 02 đã bổ sung cho phép giãn/hoãn nợ đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng – một lĩnh vực cũng đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh lãi suất còn ở mức cao và thu nhập suy giảm.

Bà Trần Thị Thu Thảo, chuyên gia phân tích của VNDirect, nhận định việc giãn thời hạn cơ cấu nợ thêm 6 tháng giúp tăng hiệu quả của Thông tư 02, vì các chính sách đưa ra cần một thời gian để làm quen và thực thi.

Nhìn chung, thông tư này sẽ làm giảm áp lực trích lập dự phòng đối với các ngân hàng khi nợ tái cơ cấu được phân bổ trong 2 năm 2023 và 2024.

Đồng thời, thông tư cũng tác động tích cực lên tâm lý nhà đầu tư đối với cổ phiếu của các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản và cho vay tiêu dùng như VPBank, Techcombank, MB… vì hiện tại các ngân hàng này đang đối diện với rủi ro nợ xấu cao hơn so với các ngân hàng khác.

VNDirect ước tính dư nợ cho vay của FE CREDIT giảm 2,7% so với cùng kỳ hoặc tăng 3,4% khi tính khoản cho vay 4.570 tỷ đồng mà công ty này đã bán cho ngân hàng mẹ.

Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu nhảy vọt từ 13,6% vào cuối năm 2021 lên 20,4% vào cuối năm 2022, làm chi phí hoạt động và dự phòng tăng đáng kể lần lượt ở mức 28% và 23%, khiến FE CREDIT chuyển từ lãi trước thuế 610 tỷ đồng trong năm 2021 sang lỗ 3.000 tỷ đồng trong năm 2022.

Để thực sự thúc đẩy thị trường tài chính tiêu dùng phát triển, một trong những động thái thiết thực nhất, được các chuyên gia gợi ý, đó là bỏ cơ chế phân loại nợ theo nhóm nợ cao nhất trên Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC).

Vấn đề này liên quan đến Thông tư 11/2021/TT-NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ 1/10/2021.

Theo đó, về việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, hàng tháng sau khi thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng, tổ chức tín dụng cần thực hiện điều chỉnh nhóm nợ theo nhóm nợ của danh sách khách hàng do CIC cung cấp; căn cứ kết quả điều chỉnh nhóm nợ để điều chỉnh số tiền trích lập dự phòng rủi ro của tháng cuối cùng của quý.

Thực tế cho thấy, việc ghi nhận nợ kéo theo từ các tổ chức tín dụng khác sẽ dẫn đến việc tổ chức tín dụng phải chuyển từ thu nợ trong hạn sang quá hạn, thậm chí là nợ xấu để phù hợp với mức độ rủi ro của khách hàng.

Tính đồng loạt thu nợ trong cùng thời điểm của toàn bộ các tổ chức tín dụng sẽ tạo ra áp lực trả nợ rất lớn với khách hàng, đặc biệt là khách hàng có thiện chí trả nợ, họ có xu hướng tìm nguồn tài chính ngắn hạn để hoàn thành các nghĩa vụ với tổ chức tín dụng.

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc thực hiện cập nhật nhóm nợ cao nhất, đồng thời trích lập dự phòng rủi ro dựa trên nhóm nợ cao nhất này gây nhiều tác động không mong muốn với tổ chức tín dụng, toàn ngành ngân hàng, nhất là khách hàng. Và các chuyên gia cho rằng, đây là quy định nhỏ về kỹ thuật cần sớm được tháo gỡ.

Theo vietnamfinance.vn – Phong Lê

 

 

 

Bài viết mới