Thứ Hai, 29/04/2024, 14:49

Cô gái Việt làm quản lý tại công ty giao thực phẩm tỷ USD của Mỹ

Xem thêm

Từng là nhà sáng lập thương hiệu thời trang Coco Sin, đồng sáng lập 8870Link, Mai Hương rẽ ngang để đảm nhiệm vị trí quản lý đối tác chiến lược của DoorDash, Mỹ.

Mai Hương, sinh năm 1989 được nhiều người biết đến là đồng sáng lập của loạt dự án về thời trang, thủ công mỹ nghệ và tư vấn thương mại.

Năm 2012, cô đồng sáng lập Coco Sin – thương hiệu thời trang nhanh tại Việt Nam. Một dự án khác của cô là Fiber, đưa các sản phẩm đan lát từ cói và lục bình từ làng nghề ở Thanh Hóa đến 27 thị trường nước ngoài như Mỹ, Anh, Đức, Australia, New Zealand, Nhật Bản và châu Âu.

Năm 2016, Mai Hương rời công ty và chuyển đến sinh sống tại New York để hoàn thành bằng thạc sĩ ngành bán lẻ thời trang. Tại đây, cô sáng lập 8870 Link – công ty tư vấn và kết nối giữa những doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ và ngược lại, hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ tìm hiểu và phát triển tại thị trường Việt Nam.

Thạc sĩ ngành bán lẻ thời trang Mai Hương hiện làm quản lý tại công ty giao thực phẩm của Mỹ.

Thạc sĩ ngành bán lẻ thời trang Mai Hương hiện làm quản lý tại công ty giao thực phẩm của Mỹ.

Ngã rẽ đến với nữ thạc sĩ vào 2021, khi đại dịch xảy ra. Cô cảm nhận được sự khó khăn của ngành bán lẻ vì bản thân từng trải qua thời gian làm nghề.

“Đối tác của tôi và tôi tại 8870 Link đã khởi xướng nhiều dự án hỗ trợ doanh nghiệp địa phương nhưng nghiệm ra những giải pháp này chỉ là tạm thời và ngành bán lẻ sẽ thay đổi sau thời điểm lịch sử này”, cô nói.

Tình cờ thời điểm đó, cô được giới thiệu với đội ngũ ở Doordash. Sau vài lần trao đổi và ấn tượng với chất lượng của nhân tài ở đây, cô bị thuyết phục bởi sự nhiệt huyết của những con người mang giấc mơ lớn, muốn thay đổi bộ mặt ngành bán lẻ từ đồ ăn thức uống, hàng tiêu dùng đến tạp hóa.

“Tôi thường quyết đoán khi gặp đúng người, đúng chí hướng. Khi bạn tìm được đúng đồng đội thì đi như thế nào không còn quan trọng nữa”, nữ thạc sĩ chia sẻ.

Thành lập năm 2013 tại Palo Alto, California, Doordash là ứng dụng giao hàng lớn tại Mỹ. Năm 2021, công ty đạt doanh thu 4,8 tỷ USD, gần gấp đôi kết quả của các năm trước đó. Năm 2022, doanh thu tiếp tục tăng lên đạt 6,6 tỷ USD.

Với tỷ lệ thị phần 65%, đơn vị này nắm giữ ưu thế trong thị trường giao thực phẩm trực tuyến tại Mỹ, tính đến tháng 2/2023. Trong khi đó, Uber Eats giữ thị phần thứ hai với 23%, theo số liệu của Statista.

Nói về cú rẽ từ làm chủ sang làm công, Mai Hương cho biết cô chưa bao giờ câu nệ mình phải là người cao nhất trong một tập thể. “Mục tiêu của tôi là công việc mình làm tạo ảnh hưởng được cho bao nhiêu người chứ không nhất thiết ai là người được xướng tên trong thành công đó”, cô nói.

Nhận vị trí quản lý đối tác chiến lược, cô gái Việt phụ trách nhóm khách hàng quy mô lớn nhất và có ảnh hưởng nhất trong thị trường siêu thị Mỹ. Vị trí này có nhiều áp lực về chiến lược kinh doanh, đòi hỏi tầm nhìn về đổi mới sáng tạo giúp các đại siêu thị củng cố vị trí dẫn đầu.

Nhiều kinh nghiệm trong bán lẻ lẫn startup nhưng để trở thành một mắt xích hữu ích trong đội ngũ lớn, Mai Hương phải dành thời gian để thích nghi với những thử thách. Có ít nhất 2 bài học kinh nghiệm mà cô rút ra thời gian qua.

Đầu tiên, ở công ty lớn, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận và khả năng truyền tải thông tin mượt mà từ bộ phận này sang bộ phận khác là yếu tố quan trọng quyết định tốc độ phát triển.

Tập hợp một trăm người thông minh nhất, sắc sảo nhất vào một công ty nhưng nếu họ không biết cách hợp tác ăn ý với nhau thì tập thể không thể tiến xa.

Điều này tương tự một đội bóng không cần 11 siêu sao có khả năng ghi bàn. “Đó cũng là thách thức hàng ngày tôi phải giải quyết”, Hương nói.

Thứ hai, ở một công ty công nghệ lớn, khi thông tin và dữ liệu phát triển với tốc độ chóng mặt, không có một nguồn thông tin duy nhất mà chúng ta có thể coi là đáng tin cậy tuyệt đối (source of truth).

Thay vào đó, chỉ có thông tin đáng tin cậy nhất trong một thời điểm cụ thể. Điều đúng vào hôm qua có thể không còn đúng vào hôm nay.

Vì vậy, cô đề cao những người có quan điểm quyết đoán, nhưng cũng sẵn lòng để sai và “được” chứng minh sai.

“Điều này không có nghĩa nghi ngờ về bản thân, mà là khả năng tư duy với những quan điểm đối lập cùng lúc, không thiên vị một phán đoán nào chỉ vì mình cảm giác là nó đúng”, cô đúc rút kinh nghiệm, cho biết điều này ảnh hưởng đến quan điểm của cô trong tuyển dụng nhân sự.

Dù có những thách thức kinh tế ngắn hạn, triển vọng dài hạn cho ngành giao hàng thực phẩm mà Mai Hương đang theo đuổi vẫn đang ở phía trước. Sau đại dịch, việc sử dụng dịch vụ giao hàng trực tuyến tăng đáng kể, không chỉ ở Mỹ mà còn ở các quốc gia khác. 

Statista dự báo dịch vụ này sẽ tiếp tục tăng trưởng, với doanh thu toàn cầu dự kiến vượt 85 tỷ USD vào năm 2024, so với hơn 53 tỷ USD vào năm 2019.

Tuy nhiên, theo Mai Hương, biên lợi nhuận mỏng và chi phí của giao hàng chặng cuối luôn là vấn đề đau đầu ở mọi thị trường. Sự khác biệt lớn nhất giữa hai nước như Việt Nam và Mỹ là ngành siêu thị ở Mỹ đã phát triển trong một thế kỷ và thị trường được phân chia bởi các tập đoàn lớn.

Các siêu thị này có công nghệ quản lý và đồng bộ hóa trong xây dựng cửa hàng, giúp họ dễ dàng tích hợp với các ứng dụng giao hàng mới và thúc đẩy quá trình số hóa.

Thị trường Việt Nam có nhiều cửa hàng tạp hóa độc lập và tự phát, điều này là rào cản lớn đối với việc đồng bộ dữ liệu hàng hóa cho các ứng dụng giao hàng hiện tại. Các cửa hàng tạp hóa truyền thống sẽ gặp thách thức khi chuyển sang mô hình trực tuyến do thiếu giải pháp quản lý kho hàng.

Ngoài ra, việc đi chợ tại các chợ tự phát và cửa hàng tạp hoá nhỏ vẫn phổ biến ở Việt Nam, làm giảm nhu cầu giao hàng trực tuyến. Theo thống kê của Nielsen, Việt Nam hiện có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa truyền thống, chiếm 75% thị phần ngành bán lẻ.

Dù vậy, Mai Hương vẫn lạc quan về tương lai của ngành giao hàng thực phẩm tại Việt Nam. “Lao động chúng ta rẻ hơn và dịch vụ chúng ta tốt hơn, vốn là hai yếu tố cạnh tranh lớn nhất trong ngành giao hàng”, cô phân tích.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia, cô gợi ý dịch vụ đi chợ hộ có thể tận dụng lợi thế và đi theo một hướng khác, ít tự động hóa hơn nhưng phù hợp với đặc thù thị trường.

Ví dụ, dịch vụ này có thể biến thành dịch vụ liên hệ trực tiếp với nhân viên chăm sóc khách hàng để đặt những món cần mua, bỏ qua bước chọn lựa trên ứng dụng; hoặc tập trung vào giao định kỳ các sản phẩm cố định như bột giặt, gạo, đường, dầu ăn.

“Sau ngành thực phẩm, dự kiến giao hàng chặng cuối sẽ phát triển trước ở một ngành hàng với biên độ lợi nhuận cao hơn siêu thị.

Cùng với xu hướng shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí), các ngành hàng như chăm sóc da và cơ thể, có giá trị giỏ hàng cao hơn, nhỏ gọn và ít phức tạp hơn hàng siêu thị, sẽ là nhân tố cho sự bùng nổ tiếp theo của giao hàng chặng cuối”, nữ thạc sĩ dự báo.

(Nguồn và ảnh: FreshM)

 

 

 

Bài viết mới