Thứ Bảy, 27/04/2024, 21:32

‘Sóng ở đáy sông’: Sóng trong lòng người

Xem thêm

“Sóng ở đáy sông” là một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Lê Lựu được Nhà xuất bản Văn học và Sbooks tái bản vào tháng 6/2021.

“Sóng ở đáy sông”: Sóng trong lòng người

“Sóng ở đáy sông” là một cuốn tiểu thuyết dài, nặng, cô đọng toàn bộ cuộc đời của một lớp người sinh trưởng trong suốt thời kỳ từ khi đất nước còn thuộc Pháp, chiến tranh bảo vệ thống nhất đất nước và thời kỳ giải phóng, bao cấp, đổi mới.

Cuốn tiểu thuyết tựa như “thời xa vắng”, ít nhiều đã mờ nhạt hẳn đi trong thời điểm hiện tại, các vết thương hầu như đã được hàn gắn tuy nhiên vẫn còn rơi rớt lại đâu đó những kiếp người giống như nhân vật chính trong câu chuyện: Núi.

Nhưng điều khiến người đọc chú ý tới nhiều nhất có lẽ không phải là nhân vật chính này, mà là nhân vật người cha.

Cho tới khi kết thúc, tôi vẫn luôn cảm thấy mơ hồ về tên của nhân vật này, tên ông không được nhắc tới chính thức song gương mặt ông luôn ẩn hiện đâu đó trong tác phẩm, xuyên suốt từ đầu tới cuối.

Ấn tượng tạo ra của nhân vật người cha chính là bóng hình nghiêm khắc, cẩn mật, là một con người trưởng thành trong giai đoạn phong kiến và thực dân hòa lẫn nên ông mang cả sự bảo thủ lẫn khai phóng, mà trong đó phần bảo thủ như là căn tính ăn sâu và chiếm phần nhiều trong con người.

Đông thê nhiều thiếp, sinh được một đàn con đủ trai lẫn gái, chỉ thích những đứa con ngoan ngoãn giỏi giang, sẵn sàng vứt bỏ những đứa con “không hợp cách” dẫu là con ruột của mình, không nhận cả mặt cháu gái tức con của Núi về sau, người đọc sẽ không khỏi tự hỏi rằng liệu người cha này có tình cảm ruột thịt hay chăng?

Tôi tin rằng là có, hiềm nỗi nó bị thể hiện sai cách và phần tự yêu bản thân của ông đã chiếm phần nhiều, sự ái kỷ của ông đã lấn át cả tình yêu thương người khác, càng ngày càng gia trưởng và độc đoán.

Ông đặt nhiều hy vọng vào Núi cũng như đặt nhiều hy vọng vào Ý, điều này có thể thấy rõ ràng khi phát hiện ra con trai mình bỏ học, đối với ông – một người được miêu tả chính xác như đồng hồ quả lắc, chỉ trỗi dậy phần “người” khi đêm buông xuống với người vợ thứ của mình – Núi chắc hẳn đã từng là một trong số những “tác phẩm” gần như hoàn hảo, khiến ông tin yêu, hiềm nỗi lòng tin này bị đánh sụp.

Thất vọng tràn trề, rũ bỏ con trai, không nghe bất cứ lời biện minh nào. Nếu như người bị bắt lên đồn hôm đó là một đứa con khác, ít được kỳ vọng hơn thì chắc hẳn ông đã không phản ứng lại như vậy. 

Cuộc đời của Núi rẽ ngang khi gặp Hiền, tựa như gặp được người phụ nữ đầu tiên của thế gian mang trong mình chiếc hộp Pandora. Trùng hợp thay, tên của Hiền lại giống với tên mẹ của Núi – người phụ nữ lúc nào cũng e dè, tảo tần chăm sóc các con.

Và lại trùng hợp thay, Núi mất Hiền và cả mẹ mình cùng một lúc, bị đặt thêm gánh nặng chăm sóc các em, cuộc đời rẽ ngang và từ bấy trượt dốc theo khắp hang cùng ngõ hẻm, chẳng thể vãn hồi.

Bản chất của Núi vẫn luôn lương thiện, còn kèm theo sự nhút nhát là dấu ấn của một đứa con dòng thứ không có danh phận đàng hoàng, cho nên tác giả dùng nó như một cái “phanh” hãm lại đà sa đọa của Núi.

Và sau này, khi Núi đã trở thành một tay khét tiếng ra xộ vào khám, cái “phanh” đó chuyển giao sang cho con gái anh: Uyển, đứa bé đỏ hỏn có cả cha và mẹ đều làm nghề bất chính, bị chính mẹ ruột ruồng bỏ.

Núi bế bồng con đi khắp nơi tìm mẹ, che chắn cho con khi bị đánh, hớt hải xin cứu giúp khi con ốm nặng, khóc lóc cầu cạnh vì con, hắn đã cố gắng làm tròn trách nhiệm của người cha, người chồng, thứ mà cha hắn không thể làm.

Uyển, đứa bé ở đó, cứu vớt cả cuộc đời Núi và cả cuộc đời của ông nội vào những năm tháng cuối đời, cơ hồ là một trong những chấm sáng dịu dàng trong hàng chục nhân vật đi qua cuốn tiểu thuyết. 

Và chiến tranh, chiến tranh tựa như một nhân vật không có mặt song hiển hiện xuyên suốt tác phẩm. Chiến tranh xảy ra, con người và cả xã hội đều biến động, các gia đình bị chia cắt, xẻ bửa ra, phiêu tán khắp nơi, chẳng thể nào hàn gắn.

Thời gian cũng vì vậy mà bị phân mảng, không chạy theo một trục nhất định, đan xen lẫn nhau, tưởng như vụng mà lại khéo, giúp cho bức tranh được nhìn bao quát tổng thể.

Mở đầu câu chuyện bằng cuộc đời mới của Núi, và kết thúc câu chuyện cũng là khi Núi bắt đầu làm lại cuộc đời, cuộc đời với con đường khác hoàn toàn, mà ở con đường ấy dù có bấp bênh song ít nhiều vẫn lương thiện. Trên con đường này, tình người luôn bàng bạc và bao dung.

Thời gian là liều thuốc chữa lành, những nỗi đau phai mờ dần đi, rốt cuộc thì Núi đã có thể dàn hòa được với cha mình, cuộc dàn hòa ấy diễn ra dẫu muộn mằn nhưng chí ít cái bóng của ông sẽ thôi phủ lên cuộc đời hắn, dàn hòa với người mà có lẽ hắn chẳng bao giờ tưởng mình có thể dàn hòa và chẳng bao giờ biết mình lại giống cha đến thế – từ cái giọng lạnh tanh.

Nhưng hắn cũng khác cha mình, vì sinh ra trong một gia đình tan vỡ, chịu sự ghẻ lạnh, nên hắn nhất mực yêu thương con cái, cả đứa con gái với Mây hay đứa con trai với Hiền trong một đêm quá say đắm “không đừng được” khi còn trai trẻ.

Tác giả chỉ nhắc tới dòng sông Lấp một lần, cố ý không làm nó nổi bật, và kết thúc bằng sự quay lại của dòng sông, rằng người ta chẳng hề hay biết vẫn có dòng chảy ngầm dưới đáy sông. Không chỉ có dòng chảy, còn có sóng, rằng “sự rào rạt của con nước, sự rào rạt của sóng vỗ cũng từ đáy sông mà tạo nên”, là ẩn dụ cho chính gia đình mà cha Núi xây dựng, hình ảnh gia đình của Núi và hình ảnh gia đình của rất nhiều người Việt bên trong đó. Con sóng đó, dù rất nhẹ thôi, nhưng đủ khiến người ta chẳng thể thôi xót xa. 

Bi kịch của những nhân vật trong câu chuyện này vẫn luôn hiển hiện trước mắt chúng ta, ở ngay bên ngoài xã hội kia. Vẫn sẽ có những Núi, Hiền, Mây, Biển, Sông, Ý, những đứa bé như Uyển, Đồi và những người cha khắc nghiệt, những người mẹ lầm lũi tảo tần, song cũng vẫn có tình người ấm áp để đánh thức thiên lương nơi họ. 

Thong thả và không hoa mỹ, câu chuyện trải ra trước mắt bằng hình ảnh của một gia đình giàu có rồi lụn bại, tan nát, và kết thúc bằng một gia đình mới dần được hàn gắn lại bằng các vết khâu dù có đau đớn.

Bằng ngôn ngữ chính xác, hiếm khi thừa thãi, đôi lúc lạnh lùng, “Sóng ở đáy sông” tái hiện lại một phần hình ảnh của những thời kỳ biến động tưởng như trôi vào dĩ vãng, đưa đến hình ảnh dung dị về lớp người đi trước, không có tốt xấu, chỉ có những thân phận lênh đênh nổi trôi. 

Theo Báo Giáo dục & Thời đại – Phạm Giai Quỳnh

Link gốc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết mới