Thứ Ba, 17/09/2024, 18:41

‘Khủng hoảng’ bancassurance: Chạy theo doanh số, bán rẻ niềm tin

Xem thêm

Việc bảo hiểm và ngân hàng bắt tay bán chéo sản phẩm đã phát triển “bùng nổ” trong vài năm trở lại đây, mang lại nguồn lợi khổng lồ cho cả hai.

Tuy nhiên, do chạy theo doanh số, nhiều ngân hàng đã bỏ qua việc kiểm soát chất lượng, đưa đến tình trạng lập lờ, thiếu minh bạch trong khâu tư vấn, bán hàng, gây ra một cuộc khủng hoảng trên thị trường bảo hiểm, ảnh hưởng niềm tin của khách hàng vào một dịch vụ tài chính cơ bản.

'Khủng hoảng' bancassurance: Chạy theo doanh số, bán rẻ niềm tin

Những bản hợp đồng tai tiếng

Từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, thị trường liên tục xuất hiện những vụ khiếu nại về việc khách gửi tiết kiệm được tư vấn mua bảo hiểm nhân thọ. Có khách đồng ý mua bảo hiểm nhân thọ nhưng khi kiểm tra lại thì đó là sản phẩm liên kết đầu tư; thậm chí có người chỉ gửi tiết kiệm lại nhận được hợp đồng bảo hiểm.

Ông Nguyễn Đình Huệ (Nghệ An) đã có đơn phản ánh, cho biết khi ông đi gửi tiết kiệm, nhân viên ngân hàng và nhân viên hãng bảo hiểm Prudential đã tư vấn, thuyết phục ông đầu tư sản phẩm rút linh hoạt, lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi.

Mặc dù không đồng ý nhưng số tiền định gửi tiết kiệm được “hô biến” thành 3 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thời hạn năm tới 2062, phí định kỳ hằng năm là hơn 200 triệu đồng/hợp đồng.

Tổng số tiền ông Huệ đã đóng là 3,34 tỷ đồng. Khi phát hiện ra sự việc, yêu cầu hủy hợp đồng, ông Huệ chỉ rút được 2,21 tỷ đồng. Số còn lại hơn 1,27 tỷ đồng được giải thích là đã bị trừ do không đóng đủ 5 năm bảo hiểm.

Đầu tháng 4/2023, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (diễn viên Ngọc Lan) cũng phản ánh những vấn đề về hợp đồng bảo hiểm với Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MVI. Bà Lan cho biết, 3 năm trước, bà mua bảo hiểm cho mình và con trai, tổng mức phí 700 triệu đồng/năm. Do tin tưởng người tư vấn nên bà đã ký hợp đồng và nghĩ rằng sau 10 năm sẽ nhận cả gốc và lãi là 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi kiểm tra lại bà mới biết hợp đồng của mình có thời hạn tới 74 năm và của con trai là 42 năm. Bên cạnh đó, hợp đồng còn bao gồm nhiều khoản bảo hiểm khác đi kèm, nên số tiền mà bà có thể nhận về sẽ ít hơn rất nhiều so với dự kiến.

Đặc biệt, tháng 4/2023, Công an TP. HCM đã tiếp nhận gần 150 đơn tố cáo của khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm Tâm An Đầu Tư đề nghị điều tra, xử lý các cá nhân, tập thể Công ty TNHH Manulife Việt Nam và Ngân hàng SCB.

Trong đơn tố giác, khách hàng phản ánh việc nhân viên ngân hàng SCB và nhân viên đại lý của Manulife Việt Nam cấu kết “bẫy” khách hàng, giả mạo chữ ký hợp đồng bảo hiểm.

Cụ thể, khách hàng được nhân viên tư vấn là gửi gói tiết kiệm Tâm An Đầu Tư với lãi suất cao, nhưng không ngờ mua bảo hiểm nhân thọ của Manulife. Sau đó, Công an đã quyết định khởi tố vụ án liên quan đến việc bán bảo hiểm ở SCB để điều tra, xử lý.

Trên đây chỉ là những vụ việc điển hình, thực tế “khủng hoảng” bancassurance xảy ra với rất nhiều vụ việc, liên quan đến hàng loạt ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần có tốc độ tăng trưởng phí bảo hiểm lớn. Đặc biệt, rất nhiều khách hàng phản ánh khi vay vốn đều bị ép mua bảo hiểm như một điều kiện để giải ngân.

Liên tục trong giai đoạn 2022 – 2023, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần ra văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh gửi các ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm về bancassurance.

Ngày 17/4, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp bảo hiểm về công tác quản lý chất lượng hoạt động đại lý bảo hiểm và chất lượng công tác chăm sóc khách hàng.

Cơ quan quản lý yêu cầu các doanh nghiệp liên hệ với các cơ quan chức năng để giải quyết các đơn thư của khách hàng phản ánh hành vi vi phạm của đại lý bảo hiểm. Sau đó, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra hàng loạt doanh nghiệp bảo hiểm để làm rõ các vi phạm gây thiệt hại cho khách hàng và bức xúc trong dư luận.

Mặc dù thế, những lùm xùm vẫn liên tiếp xảy ra với số lượng ngày càng nhiều và quy mô ngày càng lớn, biến những vụ việc đơn lẻ thành “cuộc khủng hoảng bancassurance”.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế xã hội và ngân sách (ngày 31/5), bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đã chỉ ra những bất cập về thị trường bảo hiểm.

Trong đó nóng nhất là việc bảo hiểm nhân thọ và các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư mà khách hàng bị ngân hàng ép mua bảo hiểm kèm khoản vay hoặc bị lừa từ gửi tiết kiệm sang mua bảo hiểm.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng Bộ Tài chính cần thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào bảo hiểm liên kết đầu tư. Bộ Công an xác minh làm rõ có hay không dấu hiệu tội lừa đảo, lừa dối khách hàng, nếu có thì đề nghị khởi tố điều tra.

Thanh tra lộ ra nhiều sai phạm

Gần đây, Bộ Tài chính đã công bố kết luận thanh tra hoạt động bancassurance tại 4 doanh nghiệp gồm: Prudential, MB Ageas, BIDV Metlife và Sunlife. Qua đó, Bộ Tài chính chỉ ra việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới.

Một số hành vi, vi phạm điển hình được chỉ ra: không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp; không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; cho người khác sử dụng iPad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin và không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn.

Tại Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam, thanh tra phát hiện 44 trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định bán bảo hiểm.

Trong đó, có 6 đại lý bảo hiểm để người khác ký thay bên mua bảo hiểm, ký thay bên mua bảo hiểm trên hồ sơ yêu cầu bảo hiểm; ký thay bên mua bảo hiểm tại biên nhận bàn giao hợp đồng bảo hiểm… Có 9 đại lý bảo hiểm chưa thực hiện đúng quy định gặp mặt khách hàng khi tư vấn, lập hồ sơ yêu cầu bảo hiểm.

Đối với MB Ageas, việc thực hiện quy trình, quy chế quản lý đại lý của công ty nhiều hạn chế. Có 31 đại lý bảo hiểm của MB Ageas chưa thực hiện đúng quy định trong quá trình triển khai bán bảo hiểm. Công ty cũng mắc nhiều lỗi vi phạm như: cho người khác sử dụng mã số đại lý của mình hoặc sử dụng mã số đại lý của người khác để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm…

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính còn phát hiện MB Ageas hạch toán các khoản chi phí liên quan đến hoạt động bancass là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 chưa đúng quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật về thuế.

Đối với BIDV Metlife, thanh tra phát hiện 21 trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định về kê khai, hoàn thiện hồ sơ, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra thông tin tài liệu, hồ sơ yêu cầu bảo hiểm của khách hàng.

Đáng chú ý nhất là công ty hạch toán các khoản chi phí liên quan đến hoạt động bancass là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 chưa đúng quy định về kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật về thuế với tổng số tiền hơn 174 tỷ đồng.

Tại Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam, thanh tra phát hiện 39 trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng vi phạm quy định trong quá trình triển khai bán bảo hiểm.

Các lỗi vi phạm như: chưa thực hiện đúng quy định về quản lý thu phí bảo hiểm; chưa đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm; chưa thu thập chính xác thông tin của khách hàng trong quá trình tư vấn sản phẩm bảo hiểm cho khách.

Ngoài ra, Bộ Tài chính còn phát hiện công ty hạch toán các khoản chi phí liên quan đến hoạt động bancass là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 chưa đúng quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật về thuế với tổng số tiền hơn 740 tỷ đồng.

Theo vietnamfinance.vn – Minh Đức

 

 

Bài viết mới