Nhiều người tới không gian ẩm thực trong vườn Huế tại kỳ Festival Nghề truyền thống Huế 2023 không khỏi ngạc nhiên trước gian hàng thơm phức các món bánh mỳ, bánh canh. Những món ăn bình dân bỗng trở nên độc lạ, hút khách khi chế biến từ Bột Chuối Xanh Già Lùn A Lưới.
Giữa trùng điệp các món ngon trên rừng, dưới biển ba miền tụ hội về không gian ẩm thực trong vườn Huế, gian hàng nào cũng đặc trưng vùng miền rõ rệt. Thường thực khách gọi tên món ăn có thể đoán người đầu bếp quê ở đâu.
Vậy mà, ở góc nhỏ trong công viên Thượng Bạc, một gian hàng trở nên đặc biệt khi “chế” những món ăn quen thành lạ bởi nguyên liệu làm hoàn toàn không giống nguyên liệu truyền thống.
Thực khách ngạc nhiên và ủng hộ
Ruột đặc, mềm và không có vụn, mùi thơm dịu quyện cùng rau, ớt kẹp nhân không ngậy béo mà thanh đạm. Hương vị món bánh mỳ từ Bột Chuối Xanh Già Lùn A Lưới trở nên đặc biệt bởi bánh mì không làm từ bột mì.
Bên cạnh quầy bánh mỳ “món ăn đường phố quốc dân” được nâng tầm từ Bột Chuối Xanh, nồi nước dùng bánh canh từ loại bột mới này cũng nóng hổi. Thực khách đi qua không đành nên nán lại. Tô bánh canh mới múc theo gió tỏa thơm. Mắt thực khách chăm chăm nhìn vào sự hấp dẫn khó cưỡng của những viên chả vịt, tôm tươi ròng.
Bà Nguyễn Thị Huệ người đã “khai sinh” ra Bột chuối xanh chế biến nhiều món ăn mới lạ (bên trái).
Hơn hết, thực khách được xem nghệ nhân quảng diễn công đoạn nhồi bột, xắt sợi bằng đôi tay thoăn thoắt. Tất cả tạo nên không khí ăn uống vừa rộn ràng, an tâm vừa ngon miệng. Không như sợi bánh canh làm từ bột gạo, bột lọc, bột mì màu trắng… bánh canh làm từ Bột Chuối Xanh màu xanh xám.
Đến Huế trải nghiệm kinh đô ẩm thực, bà Hồ Thị Hiền (du khách đến từ huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) không đắn đo quyết định đứng chờ trước gian hàng ẩm thực từ Bột Chuối Xanh để nếm thử. Bà Hiền vừa ăn vừa xuýt xoa khen “hay đáo để” trước sự sáng tạo của chủ gian hàng.
Bánh mỳ Bột Chuối mang đến sự ngạc nhiên cho thực khách.
“Chuối xanh gần gũi với chúng ta không ngờ có thể tạo ra những món ăn lạ miệng như thế này”, bà Hiền nếm từ từ ổ bánh mì, tận hưởng và mỉm cười nói.
Bà Nguyễn Thị Huệ – Giám đốc Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt – vui mừng khi gian hàng của mình bán không ngơi tay ngay trong ngày khai mạc. Ai nấy đều tất tả nhưng vui trước sự háo hức đón nhận của các thực khách.
Bột chuối xanh từ đại ngàn về phố
Theo Hội Liên hiệp phụ nữ huyện A Lưới, tính đến năm 2019, tổng diện tích trồng chuối tại huyện A Lưới đạt gần 390 ha trong đó chuối Già Lùn có diện tích khoảng 116 ha, năng suất bình quân 280 tạ/ha.
“Chuối Già lùn là đặc sản nổi tiếng gắn liền với đồng bào Pa Cô thuộc huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế. Chuối Già Lùn khi chín dẻo mà chắc, ngọt dịu và rất thơm.
Chuối Già lùn đặc biệt là vậy nhưng nhiều năm nay loại trái cây nổi tiếng đó vẫn chưa giúp phát triển sinh kế bền vững cho bà con đồng bào A Lưới”, đại diện Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt chia sẻ.
Gian hàng bánh canh, bánh mỳ từ Bột Chuối Xanh.
Theo bà Huệ, bà là người kinh doanh các mặt hàng nông sản hữu cơ, nông sản sạch trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Năm nào, bà cũng huy động nhân lực bán giúp chuối cho bà con A Lưới song mỗi lần như vậy số lượng bán ra không nhiều.
Tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ kinh phí trồng chuối, hỗ trợ đầu ra rất nhiều cho người dân A Lưới. Với sự giúp sức của các chuyên gia, chương trình, dự án kết nối chuối Già Lùn vào được vào siêu thị nhưng để ký hợp đồng, bao tiêu đầu ra thường nếu siêu thị cần 2 tấn chuối thì người dân phải chuẩn bị 5 tấn. Siêu thị sẽ lựa những trái đạt chuẩn để lấy, số còn lại trái xấu, trái bé bán không được phải bán lẻ.
Trong lòng bà Huệ luôn canh cánh câu chuyện quả chuối Già Lùn, ấp ủ mong muốn giúp bà con tiêu thụ nông sản sạch nhưng bà cũng hiểu rõ bán đồ tươi không ăn thua. Đặc biệt vào mùa nắng, chuối mới hai ngày đã chín rục, dù tiếc, dù xót lắm lần vẫn phải vứt bỏ.
Hiểu được khó khăn đó của bà con, bà Huệ tìm tòi nghiên cứu và sản xuất ra sản phẩm Bột Chuối Xanh để tận dụng, làm gia tăng giá trị trái chuối bên cạnh chuối chín đẹp bà con vẫn tiêu thụ bình thường”.
Bột chế biến từ những trái chuối xanh được đánh giá là siêu thực phẩm giàu dinh dưỡng. Bột Chuối Xanh không chứa gluten, có nhiều chất xơ và các vitamin giúp thúc đẩy tiêu hoá, tốt cho đường ruột, phù hợp với người muốn giảm cân, người tiểu đường và béo phì.
Theo bà Huệ, năm 2022, bà Huệ bắt tay vào nghiên cứu, sau một năm mò mẫm tìm đường cuối cùng bà đã làm ra bột chuối xanh thành công. Làm ra bột chuối xanh, bà Huệ tiếp tục kết hợp với các nghệ nhân để chế biến những món ăn mới. Bột chuối nhiều chất xơ chứ không có tinh bột nên khi làm bất cứ món ăn nào cấu trúc thành phần đều khác.
Chả vịt trong tô bánh canh Bột chuối Xanh được làm từ vịt nuôi bằng thực phẩm hữu cơ thân, lá chuối.
Không chỉ tận dụng Bột Chuối Xanh làm ra các món ăn lạ, bà Huệ còn tận dụng lá chuối, thân chuối để nuôi vịt. Và những viên chả vịt trong tô bánh canh hấp dẫn mang đến Festival nghề năm nay được làm từ chính thịt vịt được chăn nuôi theo quy trình như thế.
Người thợ phải kiên trì thử hàng trăm lần mới ra được công thức làm bánh canh, bánh mỳ như bây giờ. “Đến nay, nhiều loại bánh từ bột chuối xanh được thử nghiệm nhưng có ba loại bánh có thể nhân rộng, đi xa được đó là bánh mỳ, sợi bánh canh khô và bánh canh tươi”, trước quầy hàng kín khách bà Huệ nói.
Với người thợ làm đến lần thứ ba không được họ sẽ nản và nói làm không được nên không làm. Bà Huệ phải động viên: “Làm đi, nếu làm được sẽ giúp được bà con vùng cao A Lưới rất nhiều”. Bà hiểu cảm giác người thợ lành nghề họ không chịu được cảm giác làm bị hỏng, có động lực giúp đỡ bà con A Lưới khiến họ nhẫn nại thử tới trăm lần.
Vừa hoàn thiện sản phẩm, tháng 3/2023, lần đầu tiên sản phẩm bánh mỳ Bột Chuối Xanh đến với Lễ hội bánh mì tại TP.HCM. Mỗi ngày, Hữu cơ Huế Việt bán 1000 chiếc cho người tham gia lễ hội xếp hàng đợi ăn bánh mỳ. Và đây là lần đầu tiên sản phẩm từ bột chuối xanh quảng diễn tại Huế.
“Hiện có một số đơn vị đang đợi chúng tôi hoàn thiện quy trình để chuyển nhượng thương hiệu. Theo kế hoạch trong năm nay chúng tôi sẽ mở chuỗi bánh mỳ từ Bột Chuối Xanh đầu tiên tại Huế, sau đó nhân rộng đi các tỉnh”, bà Huệ cho biết thêm.
Sô cô la chuối từ nguyên liệu Chuối Già Lùn A Lưới.
Phấn khởi cầm hộp kẹo socola chuối trong tay, bà Huệ khoe với chúng tôi sản phẩm này cũng đang có đơn đặt hàng xuất ngoại ra Châu Âu.
“Tôi đang làm hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ cho bột chuối xanh và các sản phẩm từ bột chuối xanh. Người dân trồng chuối A Lưới mong chờ chúng tôi từng ngày nên càng có động lực hơn”, bà Huệ nói.
Nghệ nhân Văn hóa Ẩm thực, Kỷ lục gia thuộc Hội Kỷ lục Việt Nam Hồ Đắc Thiếu Anh nhận định: “Bánh mỳ, bánh canh từ Bột Chuối Xanh không phải là món ăn truyền thống hay có sự tiếp biến văn hóa mà hoàn toàn được sáng tạo, Nó dùng những nguyên liệu có sẵn từ nông sản Huế. Những nguyên liệu này trước đây người ta chỉ luộc chưa biết chế biến làm ra sản phẩm khác để làm cho món ăn ngon hơn.
Trải qua hàng trăm lần thử nghiệm để có sản phẩm bánh mỳ từ Bột Chuối Xanh.
Nếu chúng ta tận dụng bột chuối đó làm nguyên liệu thành bánh canh, bánh mỳ, bánh ít hay món khác sẽ thúc đẩy sự phát triển trong nông nghiệp của Việt Nam, của Huế được nhân rộng ra, tạo công ăn việc làm cho người nông dân. Từ đó, đóng góp làm giàu thêm hình ảnh món ăn của ẩm thực Huế phong phú, nhiều người biết đến hơn”.
Bột Chuối Xanh ra đời là bước đột phá từ tình yêu thương của người trẻ Huế, các nghệ nhân, người làm ẩm thực dành cho cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao A Lưới, Nam Đông. Xuất phát từ mong muốn tạo đầu ra bền vững giúp bà con yên tâm canh tác họ vừa “khai sinh” ra nhiều món ngon làm giàu thêm cho bản đồ ẩm thực Huế, Việt Nam.
Tôi ra về, dòng người xếp hàng đợi ăn món ngon từ bột chuối xanh vẫn còn nối nhau.
Theo Tạp chí SHTT & Sáng tạo – Bảo Hòa