Theo chuyên gia Nguyễn Đức Thắng, bảo hiểm nhân thọ không phải công cụ đầu tư kiếm lời mà là một giải pháp tài chính giúp bảo vệ an toàn tài chính cho các gia đình. Nếu người tiêu dùng quá dễ dãi ở góc độ mua vì quan hệ, mua vì ủng hộ, vì tin tưởng,… thì không thể tránh được việc “khó đòi” những quyền lợi mong muốn.
Bảo hiểm nhân thọ không phải công cụ đầu tư kiếm lời
Thị trường bảo hiểm nhân thọ trong những ngày gần đây đang “sôi sục” hơn bao giờ hết sau khi diễn viên Ngọc Lan chia sẻ về trải nghiệm mua bảo hiểm nhân thọ của cô.
Trong đó, 2 vấn đề nổi cộm trong câu chuyện của nữ diễn viên là thời hạn đóng phí lên đến 74 năm và số tiền hoàn lại không được như kỳ vọng ban đầu. Theo tìm hiểu của phóng viên, thời hạn đóng phí thông thường cho sản phẩm bảo hiểm nhân thọ là từ 10-15 năm tuỳ theo các điều khoản của hợp đồng.
Sau thời gian 10-15 năm cho đến khi hết hạn hợp đồng, người dùng có quyền dừng đóng phí hoặc tiếp tục đóng phí mà vẫn được hưởng các quyền lợi theo điều khoản hợp đồng.
Ngoài ra, người dùng có thể rút hết phần tiền đã đóng. Trong trường hợp này, tuỳ từng loại bảo hiểm nhân thọ mà số tiền hoàn lại sẽ nhiều hơn, bằng hoặc ít hơn tổng khoản phí bảo hiểm người dùng đã đóng.
Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra xoay quanh câu chuyện mua bảo hiểm nhân thọ và sự tranh cãi có phần gay gắt hơn trên mạng xã hội sau sự việc của diễn viên Ngọc Lan.
Về mặt tích cực, chia sẻ của nữ diễn viên đã giúp một bộ phận khách hàng tự nhìn nhận, tìm hiểu cũng như làm rõ các vấn đề mà họ vẫn luôn “mơ hồ” về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Nhiều khách hàng thừa nhận đến khi đọc các tin tức lùm xùm trên mạng xã hội, họ mới thực sự mở hợp đồng bảo hiểm và nghiên cứu lại sản phẩm mà họ đã đóng tiền nhiều năm qua.
Tuy nhiên, về mặt tiêu cực, một bộ phận người tiêu dùng cho biết đã mất niềm tin vào sản phẩm bảo hiểm và cho rằng đầu tư vào sản phẩm này chỉ có lỗ chứ không có lời, nhiều người trong số đó đã bỏ ngang hợp đồng.
Chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Nguyễn Đức Thắng, chuyên gia bảo hiểm với 22 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, cùng 6 năm là thành viên Hiệp hội lãnh đạo quản lý ngành bảo hiểm GAMA Global kiêm Chủ tịch GAMA Global – Vietnam, cho hay việc tập trung vào lãi, lỗ cũng như thời gian nhận lại tiền khi tham gia bảo hiểm nhân thọ là hoàn toàn sai lầm.
Bảo hiểm nhân thọ ra đời không phải với mục đích là công cụ đầu tư kiếm lời mà là một giải pháp tài chính giúp bảo vệ an toàn tài chính cho các gia đình.
Ông bà thời xưa có câu: “Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn”, nghĩa là tích trữ lương thực, ngũ cốc phòng khi đói, tích trữ quần áo phòng khi rét.
Đây là cách mà người xưa tự bảo hiểm cho chính mình. Chuyên gia Nguyễn Đức Thắng cho rằng sản phẩm bảo hiểm ra đời như một phương thức ưu việt để chia sẻ rủi ro, “chuyển giao rủi ro” từ mọi người sang ngành bảo hiểm.
“Bảo hiểm nhân thọ là một quỹ dự trữ tài chính dài hạn được đóng góp bởi số đông người để chia sẻ rủi ro cho số ít người. Công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ dùng phần lớn quỹ này để đầu tư (theo đúng quy định đầu tư an toàn của Luật Kinh doanh Bảo hiểm).
Lợi nhuận đầu tư thu lại được bỏ vào quỹ dự trữ”, ông Nguyễn Đức Thắng cho biết. Theo ông, trong khi đa số loại hình bảo hiểm khác chỉ chi trả cho khách hàng khi có rủi ro, riêng bảo hiểm nhân thọ chi trả cho khách hàng ngay cả khi không có rủi ro.
Điều gì tạo nên cái nhìn xấu về bảo hiểm nhân thọ?
Bảo hiểm nhân thọ hình thành từ những năm 1600 trên thế giới và từ năm 1996 tại Việt Nam. Nói cách khác, sản phẩm tài chính này có bề dày lịch sử hàng trăm năm trên thế giới và hàng chục năm tại Việt Nam.
Là một sản phẩm tài chính được công nhận, nguyên nhân nào khiến một bộ phận người tiêu dùng có cái nhìn xấu, tiêu cực về bảo hiểm nhân thọ như một hình thức lừa đảo?
Theo lý giải của chuyên gia Nguyễn Đức Thắng, nguyên nhân của tình trạng này đến từ nhiều phía, tuy nhiên trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm và đội ngũ tư vấn là khá lớn.
Thị trường bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam đã trải qua 2 giai đoạn: Giai đoạn hình thành và giai đoạn phát triển “nóng” với mức độ cạnh tranh quyết liệt.
Ở giai đoạn hình thành, người dân chưa có kiến thức về bảo hiểm nhân thọ, chỉ có đội ngũ tư vấn của các doanh nghiệp bảo hiểm được học và đào tạo về sản phẩm tài chính này một cách chi tiết và bài bản. Khi đó, khoá huấn luyện cơ bản của doanh nghiệp bảo hiểm cho người mới làm tư vấn có thể kéo dài 10-12 ngày.
Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn phát triển “nóng”, từ áp lực cạnh tranh, áp lực doanh số, các doanh nghiệp bảo hiểm đã giảm dần số ngày tham gia khoá huấn luyện cơ bản xuống còn 2-3 ngày, với mục đích chính là để thi đạt yêu cầu của Bộ Tài chính và được cấp mã số đi làm.
Ông Nguyễn Đức Thắng cho biết, các doanh nghiệp bảo hiểm luôn có các lớp huấn luyện, đào tạo bổ sung để nâng cao kiến thức cho đội ngũ tư vấn bảo hiểm, nhưng số lượng người đến lớp học tiếp là cực thấp.
“Tất cả điều này tạo ra hệ luỵ là đội ngũ tư vấn bảo hiểm ngày càng yếu kiến thức chuyên môn, kém kỹ năng tư vấn và lựa chọn cách dễ nhất để hành nghề là bán bảo hiểm thông qua các mối quan hệ nhờ vả, giúp đỡ, không cần tư vấn nhiều, thậm chí dùng quà cáp để chiêu dụ khách hàng”, chuyên gia Nguyễn Đức Thắng cho biết.
Khi tham gia bảo hiểm vì nể nang, tin tưởng, quà cáp,… khách hàng có thể không thực sự để tâm tìm hiểu các điều khoản trên hợp đồng về quyền lợi, thời hạn hợp đồng, thời hạn đóng phí,… và lên án “bảo hiểm nhân thọ lừa đảo” khi xảy ra những trường hợp ngoài ý muốn.
Trên thực tế, hiện nay, nhiều đại lý bảo hiểm đang xảy ra tình trạng thiếu nhân sự và khó tuyển dụng. Việc khan hiếm nhân sự có thể làm cho khâu tuyển dụng được nới lỏng, thiếu đi tính khắt khe đối với những nhân viên trực tiếp tư vấn bảo hiểm – sản phẩm tài chính được cho là còn khó hiểu đối với người tiêu dùng.
Ngoài ra, việc các doanh nghiệp bảo hiểm mở rộng phân phối sản phẩm qua nhiều kênh, điển hình như kênh bancassurance (liên kết với ngân hàng) có thể khiến việc kiểm soát chất lượng tư vấn trở nên khó khăn, khi một nhân viên ngân hàng phải kiêm nhiệm thêm việc tư vấn bảo hiểm.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Thắng, chất lượng của đội ngũ tư vấn bảo hiểm tại Việt Nam hiện nay cần cải thiện nhiều hơn nữa. Dù thị trường bảo hiểm nhân thọ không thiếu những nhân sự có năng lực và đạo đức nghề nghiệp tốt, cái nhìn của xã hội về nghề tư vấn bảo hiểm vẫn chưa thực sự được xem trọng.
Cụ thể, một số người lao động chỉ xem tư vấn bảo hiểm là công việc làm thêm, chưa xây dựng được tư duy chuẩn mực, đúng đắn, dẫn đến việc tư vấn kém và chăm sóc khách hàng kém.
Đừng biến bảo hiểm thành sản phẩm “dễ mua – khó đòi”
Với một cái nhìn khách quan, chuyên gia Nguyễn Đức Thắng nhận định những sản phẩm “dễ mua” thì thường “khó đòi”, bao gồm cả bảo hiểm nhân thọ. Khi tham gia bảo hiểm, nếu người tiêu dùng quá dễ dãi ở góc độ mua vì quan hệ, mua vì ủng hộ, vì tin tưởng,… thì không thể tránh được việc “khó đòi” những quyền lợi mong muốn.
Ông Nguyễn Đức Thắng khuyên người tiêu dùng, hãy dùng đồng tiền mồ hôi nước mắt để mua hay tham gia các sản phẩm theo nguyên tắc “khó mua – dễ đòi”. Trong đó, “khó mua” ở đây không phải là gây khó khăn cho người tư vấn mà là “chịu khó” tìm hiểu rõ ràng về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, chịu khó lắng nghe người tư vấn, giải quyết các thắc mắc ngay từ khâu tư vấn, thậm chí có quyền chọn tư vấn khác phù hợp hơn.
“Nếu khách hàng hiểu rõ và làm được, tôi tin chắc rằng sẽ không còn xảy ra những chuyện lùm xùm về bảo hiểm như vậy trong tương lai”, vị chuyên gia này cho hay.
Theo ông, Việt Nam cần sớm cân nhắc đưa các kiến thức về tài chính cá nhân, quản trị rủi ro tài chính vào hệ thống trường học phổ thông như nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Khi đó, các thế hệ tương lai cũng chính là khách hàng tương lai của ngành bảo hiểm nhân thọ mới được trang bị đầy đủ năng lực để nhận thức và chọn lựa sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phù hợp cho bản thân và gia đình.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cùng cơ quan truyền thông cần tích cực đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của bảo hiểm cũng như pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đối với các cơ quan, ban ngành, các tổ chức, cá nhân và toàn dân, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Quyết định số 242/TTg ngày 28/2/2019.
Để bảo vệ người tiêu dùng, chuyên gia Nguyễn Đức Thắng cho biết Luật Kinh doanh Bảo hiểm đã có quy định rõ trong điều 24: “Trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng dẫn đến có cách hiểu khác nhau thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm”.
Ngoài ra, vị chuyên cũng đề xuất về việc sớm có quy định phải ghi âm lại quá trình tư vấn của người tư vấn bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm phải lưu trữ đoạn ghi âm này ít nhất 5 năm.
“Tôi cho rằng đây là một giải pháp hoàn toàn khả thi, có quốc gia đã quy định ghi âm, thậm chí ghi hình toàn bộ buổi tư vấn bảo hiểm (đối với sản phẩm liên kết đầu tư) và đã thực hiện được 5 năm”, ông Nguyễn Đức Thắng cho hay.
Ngoài ra, để bảo vệ chính mình, bản thân khách hàng có thể đề nghị người tư vấn cùng thực hiện ghi âm, ghi hình buổi tư vấn để có thể làm bằng chứng sử dụng nếu phát sinh khiếu nại về việc được tư vấn không chính xác.
Theo vietnamfinance.vn – Ngọc Thu