Thứ Năm, 19/09/2024, 10:55

Grab đã khắc khục sai lệch bản đồ chủ quyền biển đảo Việt Nam

Xem thêm

Phần lớn các hiển thị sai lệch chủ quyền biển đảo Việt Nam trên bản đồ Grab đã được hãng khắc phục. Grab cho biết sẽ sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng khi nhận được yêu cầu liên quan đến vụ việc này.

Liên quan đến việc hiển thị bản đồ trên ứng dụng, trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, đại diện Grab Việt Nam cho biết, doanh nghiệp này đang tích cực và chủ động làm việc với đối tác cung cấp bản đồ để xử lý. Hiện tại, phần lớn các cập nhật đã được thực hiện và đã được hiển thị trên bản đồ của ứng dụng Grab. 

“Trong một số trường hợp nhất định, khách hàng có thể tắt và mở lại ứng dụng Grab để thấy các thay đổi đã được cập nhật trên bản đồ.

Công tác xử lý đã và đang được triển khai với mức độ ưu tiên cao nhất và các điều chỉnh cuối cùng dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 12/4/2023″, đại diện Grab cho hay.

Bên cạnh đó, đại diện ứng dụng gọi xe Grab cũng khẳng định: “Chúng tôi tiếp nhận các ý kiến đóng góp một cách rất nghiêm túc và chân thành xin lỗi về những quan ngại có thể phát sinh.

Grab Việt Nam cam kết tuân thủ các quy định pháp luật liên quan, đồng thời luôn sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng khi nhận được yêu cầu.

Grab Việt Nam cam kết gắn bó lâu dài với thị trường Việt Nam và luôn nỗ lực đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước”.

Đây là vụ việc xảy ra trong hai ngày 8 và 9/4, nhiều người dùng ứng dụng đặt xe trực tuyến Grab phát hiện bản đồ trên ứng dụng thể hiện thông tin sai lệch nghiêm trọng về chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Tại khu vực quần đảo Trường Sa, bản đồ của Grab chỉ thể hiện tên tiếng Việt đối với đảo Sơn Ca và Sinh Tồn. Nhiều đảo, quần đảo và khu vực khác thể hiện bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh, trong đó có nhiều tên bị ghi trái phép cho các khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam.

Bãi Chữ Thập, thuộc chủ quyền Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, bản đồ Grab chú thích “Nansha District” tức “huyện Nam Sa”. Nam Sa là tên gọi phi pháp mà Trung Quốc dùng để gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Bãi đá Vành Khăn thuộc chủ quyền Việt Nam bị chú thích theo cách gọi phi pháp của Trung Quốc là Meiji Jiao, tức đảo Mỹ Tế và ghi chú đảo Mỹ Tế, Tam Sa, Trung Quốc.

Thành phố Tam Sa là chính quyền phi pháp do Trung Quốc lập ra để quản lý nhiều quần đảo, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Trước đó, tháng 6/2022, “gã khổng lồ” gọi xe Đông Nam Á đã công bố ra mắt GrabMaps (phát triển trên nền tảng bản đồ cơ sở của OpenStreetMap) cung cấp thông tin và dịch vụ dựa trên vị trí cho tất cả các ngành dọc của Grab tại 7 trong số 8 quốc gia mà Grab hoạt động, thay vì dùng các dịch vụ của Google như Google Map hay Waze.

Grab dự định đưa GrabMaps thành một giải pháp B2B cung cấp các dịch vụ dữ liệu bản đồ cơ sở, cho phép các công ty cấp phép dữ liệu từ Grab, chẳng hạn như địa điểm, đường, giao thông và hình ảnh, được hưởng lợi từ bộ dữ liệu bản đồ mới, đang phát triển nhanh chóng ở Đông Nam Á với phạm vi phủ sóng từ các thành phố thủ đô đến thị trấn cấp 3.

Theo nguoiquansat.vn – Phan Trang

 

Bài viết mới