Thứ Ba, 17/09/2024, 18:51

‘Du lịch xanh’ – Thế mạnh của Ninh Bình để trở thành điểm đến không thể bỏ qua

Xem thêm

Ninh Bình đã và đang trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước bởi cách làm du lịch bài bản với chiến lược xuyên suốt là phát triển du lịch xanh, bền vững; du lịch dựa vào cộng đồng, tôn trọng giá trị tự nhiên, giá trị lịch sử văn hóa của địa phương một cách tối đa.

Ninh Bình phát triển “du lịch xanh”, bền vững để làm bệ đỡ cho các ngành, các lĩnh vực “tăng trưởng xanh”. Ảnh: VGP/Diệp Anh.

Mới đây, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức lễ khởi động dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam”. Trong dự án này, UNDP đã chọn Ninh Bình và Quảng Nam là hai địa phương thí điểm áp dụng các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa. 

Không phải ngẫu nhiên Ninh Bình được lựa chọn để thí điểm dự án này bởi theo đánh giá chung của UNDP và Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Ninh Bình là địa phương từ nhận thức đến hành động của các cấp lãnh đạo, đến từng địa phương, từng người dân đều xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển “du lịch xanh”, bền vững để làm bệ đỡ cho các ngành, các lĩnh vực “tăng trưởng xanh”.

Từ những quyết sách phát triển du lịch bài bản, đúng hướng và bền vững

Trong mỗi giai đoạn phát triển, tỉnh Ninh Bình có những điều chỉnh chính sách, chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện thực tế và nguồn lực đã có, trong đó du lịch luôn được xác định là lĩnh vực ưu tiên.

Năm 2001, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 03 ngày 18/12/2001 về phát triển du lịch đến năm 2010. Đây được coi là nghị quyết chuyên đề đầu tiên về phát triển du lịch, trong đó xác định chuyển hướng chiến lược phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, chuyển từ công nghiệp vật liệu xây dựng sang phát triển du lịch. 

Từ đó đến nay tỉnh luôn chú trọng bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử một cách tối đa để phục vụ cho du lịch. “Du lịch xanh” gắn khai thác với bảo tồn tính đa dạng của hệ sinh thái tự nhiên và các giá trị, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, là mục tiêu chủ đạo trong phát triển du lịch ở Ninh Bình.

Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 13/7/2009, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình, về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, là cơ sở quan trọng cho sự phát triển của du lịch Ninh Bình; là động lực quan trọng để du lịch Ninh Bình phát triển vượt bậc trong hơn 10 năm qua. 

Cùng với việc ban hành Nghị quyết 15 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 17/7/2009, triển khai chi tiết nội dung của Nghị quyết, không để sự quyết tâm đó nằm trên giấy tờ. 

Từ một ngành du lịch non trẻ, du lịch Ninh Bình từng bước trở thành một ngành công nghiệp “không khói”, phát triển bền vững gắn với “xanh hóa” trong khai thác và sử dụng tài nguyên du lịch, từ đó tạo ra các giá trị kinh tế mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương.

Trong những giai đoạn gần đây, Ninh Bình đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, chương trình phát triển du lịch. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định, đầu tư hạ tầng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, tạo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ; chuyển công nghiệp khai thác vật liệu xây dựng sang phát triển du lịch, tạo mô hình tăng trưởng “xanh”. 

Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045. Kết luận số 07-KL/TU ngày 12/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch.

Đến nay, các địa phương trong tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm, chú trọng và tích cực bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử; khoanh vùng cấm khai thác đá vôi, khai thác rừng đặc dụng trên núi đá. 

Quan điểm đó giúp Ninh Bình thu hút được nhiều nhà đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch thành điểm đến “an toàn – thân thiện – hấp dẫn” như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch sinh thái Tam Cốc – Bích Động; Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long; Vườn quốc gia Cúc Phương, vườn chim Thung Nham, chùa Bái Đính…

Công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, văn minh du lịch tại các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình luôn được đảm bảo. 

Tỉnh Ninh Bình luôn nằm trong top các tỉnh là điểm sáng về an ninh, an toàn, bảo đảm vệ sinh môi trường. Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để phát hiện chấn chỉnh, xử lý hoặc kịp thời các sai phạm trong kinh doanh du lịch.

Phát triển du lịch bài bản, bền vững tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, Ninh Bình tự hào trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách, giảm bớt gánh nặng cho Trung ương.

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, chiến lược xuyên suốt của Ninh Bình là phát triển du lịch xanh, phát triển du lịch bền vững và dựa vào cộng đồng. Để thực hiện được mục tiêu này cần phải dựa vào 3 trụ cột chính là: Người dân, doanh nghiệp và nhà nước.

“Chúng tôi có chiến lược cụ thể để triển khai từng bước một, khi đầu tư phát triển du lịch phải tôn trọng giá trị tự nhiên, tôn trọng giá trị lịch sử văn hóa của địa phương một cách tối đa. Từ đó, chúng tôi giữ gìn, bảo vệ cảnh quan môi trường để tạo ra tài nguyên phát triển bền vững sản phẩm du lịch”, ông Bùi Văn Mạnh chia sẻ.

Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết thêm, hiện nay, Ninh Bình đang đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong việc giữ gìn bảo vệ môi trường. Ninh Bình được đánh giá là mô hình điểm về bảo đảm hài hòa giữa phát triển và bảo vệ tài nguyên môi trường.

Thứ nhất, người dân được coi là trung tâm để phát triển du lịch xanh, phát triển bền vững. Khi bạn đến với Tràng An hay bất kỳ điểm du lịch nào ở Ninh Bình sẽ thấy việc giữ gìn, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp đều do người dân thực hiện.

Thứ hai là ý thức của doanh nghiệp khi đầu tư tôn tạo các điểm du lịch hay các di tích lịch sử văn hóa đều phải tôn trọng tối đa yếu tố tự nhiên, yếu tố lịch sử văn hóa để phục dựng lại cũng như phát triển các sản phẩm dịch vụ phù hợp với điều kiện tự nhiên và bảo vệ tài nguyên môi trường ở từng địa điểm đó.

Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 2014 luôn là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Ảnh: VGP/Diệp Anh.

Mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch, là tuyên truyền viên về bảo vệ môi trường

Ninh Bình được tạo hóa ban tặng nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, độc đáo và sở hữu những di sản văn hóa – lịch sử có giá trị đồ sộ, với 1.821 di tích, trong đó có 298 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia (trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt) và 01 di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, là nguồn tài sản vô giá để phát triển du lịch. 

Để phát huy được tiềm năng, thế mạnh hiện có, tỉnh đã thiết lập một mô hình hợp tác hiệu quả, chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, đặc biệt coi trọng sự đồng thuận và tham gia tích cực, trách nhiệm của người dân địa phương, vì họ vừa là di sản sống, vừa trực tiếp bảo vệ, giữ gìn di sản và tài nguyên du lịch.

Chính vì sự “bắt tay” đồng thuận, hài hòa trong phát triển du lịch như vậy, trong những năm gần đây Ninh Bình luôn được các chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn, nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đón nhiều khách du lịch nhất cả nước.

Đi khắp các địa phương của Ninh Bình, chúng ta đều cảm nhận được không khí và môi trường trong lành, không rác thải. Không chỉ ở mỗi điểm du lịch mà đâu đâu chúng ta đều có thể bắt gặp người dân địa phương như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ, như một tuyên truyền viên tích cực về bảo vệ môi trường.

Đến với Tràng An trong những ngày đầu của mùa du lịch hè, điều làm chúng tôi ấn tượng ngoài vẻ đẹp khó cưỡng lại được của Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 2014, thì chính những người phụ nữ chèo đò ở đây đã làm nên sức hút rất riêng của khu du lịch Tràng An – Ninh Bình. 

Họ đa phần là những người phụ nữ tuổi trung niên, dù công việc vất vả khi bắt đầu một ngày mới từ 5h sáng, mùa cao điểm du lịch lại càng phải dậy sớm hơn, nhưng lúc nào chúng ta cũng thấy họ luôn tươi vui, hào hứng. Bởi với họ đây không chỉ là công việc kiếm mà còn là để quảng bá nét đẹp của quê hương mình. 

Mỗi người lái đò đều có thể hướng dẫn, giới thiệu cho khách tham quan về vẻ đẹp của Tràng An hơn bất kỳ hướng dẫn viên du lịch nào. Các cô lái đò tâm sự, từ khi chuyển sang làm du lịch cuộc sống của họ thay đổi, tốt hơn rất nhiều, con người rạng rỡ, tươi vui hơn.

Cách mỗi đoạn sông lại có những thuyền đi vớt rong rêu trôi nổi để bảo đảm môi trường, cảnh quan luôn sạch đẹp. Ảnh: VGP/Diệp Anh.

Trong suốt dọc chuyến đò hơn 3h đồng hồ với 15 km trong chuyến hành trình trải nghiệm Tràng An chúng ta không hề bắt gặp rác thải trên sông hay ở bất kỳ điểm dừng chân nào bởi trên mỗi con đò, người lái đò đều chuẩn bị rỏ đựng rác và đều tuyên truyền cho khách du lịch cùng chung tay với người dân địa phương bảo vệ môi trường. Cách mỗi đoạn sông lại có những thuyền đi vớt rong rêu trôi nổi để bảo đảm môi trường, cảnh quan luôn sạch đẹp.

Khách đến với Tràng An luôn cảm thấy thư thái, hài lòng không chỉ bởi vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời được tạo hóa ban tặng mà còn được đón tiếp bởi sự nồng hậu, chân tình từ người dân địa phương, được hòa mình trong môi trường xanh, sạch, đẹp.

Rời Tràng An, chúng tôi đến địa danh Gia Viễn, nơi cũng có bề dày truyền thống lịch sử, có 54 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh, ngoài ra còn có rất nhiều danh lam thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng trên địa bàn toàn huyện.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long ở huyện Gia Viễn là khu bảo tồn thiên nhiên rất quan trọng vì có có hơn 700 loài động vật bậc cao và loài thực vật thủy sinh, đặc biệt có 8 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam nên việc bảo vệ môi trường Vân Long luôn được cấp chính quyền quan tâm. 

Từ việc không được phá vỡ kết cấu hạ tầng, chỉnh trang sao cho phải bảo đảm giữa môi trường, giữa tự nhiên và du lịch; xây dựng Bộ quy tắc ứng xử văn minh, thanh lịch huyện đã có những chiến dịch phát động tạo ra những tuần lễ du lịch xanh để tạo môi trường xanh, sạch, đẹp.

Huyện Gia Viễn đã có mô hình mỗi người lái đò là một tuyên truyền viên tích cực nhất; mô hình tặng giỏ rác để “Chở xanh, thở lành” nghĩa là du khách xuống thuyền được hướng dẫn khi có rác bỏ vào giỏ, đem lên đưa về nơi tập kết. 

Để bảo vệ tính đa dạng của khu bảo tồn, cơ quan chức năng đã triển khai các biện pháp trong đó lấy chính người dân làm hạt nhân nòng cốt để thực hiện mục tiêu bảo tồn bền vững. Cùng với tuyên truyền vận động người dân chính quyền địa phương cũng tăng cường công tác quản lý, bảo đảm phát triển du lịch không mâu thuẫn với công tác bảo tồn tự nhiên.

Bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn giới thiệu về sản phẩm du lịch thân thiện môi trường được làm từ mo cau. Ảnh: VGP/Diệp Anh.

Bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết, huyện đang chuyển dịch mạnh mẽ từ nông nghiệp sang công nghiệp và du lịch; đồng thời xác định du lịch là thế cân bằng giữa nông nghiệp và công nghiệp để tạo ra môi trường xanh, bền vững cho người dân. 

Đặc biệt là sau thời gian COVID-19, người dân rất quan tâm đến sức khỏe và khi huyện thực hiện công tác truyền thông về giảm thiểu rác thải nhựa hoặc sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường thì người dân được tiếp cận với kiến thức khoa học như túi nilon rất tác hại, sử dụng đồ xốp hằng ngày dễ dẫn đến các căn bệnh nguy hiểm.

“Qua quá trình nắm bắt nhu cầu và sức khỏe của người dân, huyện hướng dần đến các sản phẩm thân thiện môi trường. Ví dụ như việc sử dụng mo cau để tái chế thành những sản phẩm du lịch, đưa vào sử dụng quảng bá ở những điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn huyện. 

Thay vì cho các cháu tô tượng sẽ được tô mo cau, viết thư pháp và những vấn đề hướng thiện cho con người. Sản phẩm đó cũng thay thế hộp xốp dùng hằng ngày, được đưa vào các homestay, những đơn vị bán bánh truyền thống, tạo ra đặc trưng riêng. 

Gia Viễn cũng là mảnh đất nhiều cau, cau tiến vua ở vùng Gia Liên Sơn, Gia Hưng, là thế mạnh về nguyên vật liệu, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, huyện triển khai mô hình điểm để rút kinh nghiệm rồi truyền bá rộng rãi cho người dân.”, bà Vũ Thị Dược chia sẻ.

Theo bà Vũ Thị Dược, việc tuyên truyền cho người dân rất quan trọng, huyện huy động các em học sinh vì đây là những kênh tuyên truyền tác động rất tích cực đến mỗi hộ gia đình, sẽ phát triển kênh giáo dục về kỹ năng thông qua các hoạt động trải nghiệm những tuyến tour như: “Tìm về cội nguồn”, “Theo dấu chân vua Đinh Tiên Hoàng”, “Tìm về cội nguồn Đức Thánh Nguyễn”, “Vân Long Xanh”, sẽ tạo những Ngày chủ nhật xanh, đưa các cháu trải nghiệm những mô hình của làng nghề như đan nón, làm quạt, mây tre đan.

Song hành với văn hóa, ẩm thực, là kế thừa những vị thuốc của cụ thánh Nguyễn Minh Không – cụ tổ của ngành đông y tại Gia Viễn để làm nên những sản phẩm bằng thuốc từ thảo dược thiên nhiên như xà bông được chiết xuất mướp đắng, từ cây cỏ thiên nhiên và những vị thuốc nam của cụ truyền lại sẽ tạo nên sản phẩm thân thiện.

Du khách sẽ được trải nghiệm làm những sản phẩm du lịch thân thiện môi trường cùng với người dân bản địa. Ảnh: VGP/Diệp Anh.

Hay huyện cũng nhân rộng mô hình “Hộp quà xanh biết nói” để các bạn học sinh sẽ dùng tiền lãi của các sản phẩm đó hỗ trợ các bạn nhỏ bị ung thư.

Những mô hình không sử dụng túi nilon, sử dụng những sản phẩm bằng giấy như hộp giấy, ống hút giấy cũng được tuyên truyền, nhân rộng. Đặc biệt với những sản phẩm truyền thống sẽ hướng bà con vừa sản xuất vừa phục vụ du lịch chuyên nghiệp hơn, thân thiện hơn. 

Gia Viễn có những tuyến tour đưa du khách đến trải nghiệm cùng làm những sản phẩm bằng nhựa tái chế, qua đó vừa giúp người dân địa phương, các em học sinh được phát triển vốn tiếng Anh, vừa nâng cao nhận thức của du khách, người dân về bảo vệ môi trường. 

Đây là giai đoạn tiên phong thực hiện được đông đảo người dân Gia Viễn phấn khởi, hào hứng tham gia vừa có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường vừa giúp các em học sinh thêm yêu quê hương mình hơn, biết về nguồn cội lịch sử của quê hương.

Có thể nói, du lịch “xanh”, du lịch trải nghiệm ở Ninh Bình sẽ giúp du khách hiểu được cuộc sống, sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân bản địa. Đó là cơ sở để Ninh Bình khơi dậy các làng nghề truyền thống như: Nghề dệt chiếu ở huyện Kim Sơn, làng thêu Văn Lâm, làng đá mỹ nghệ Ninh Vân ở huyện Hoa Lư. 

Ninh Bình còn tập trung thu hút đầu tư công nghiệp sạch, công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ để gia tăng giá trị sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động; thúc đẩy nông nghiệp sạch theo hướng đặc sản, đặc hữu để gia tăng giá trị canh tác, phục vụ sản phẩm cho du lịch.

Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, năm 2023 ngành du lịch Ninh Bình dự kiến đón hơn 5,3 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 5.100 tỷ đồng.

Đến năm 2025, ngành du lịch phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch, Ninh Bình trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn; phấn đấu đón 8 triệu lượt khách, tăng gấp 3 lần so với năm 2020, trong đó khách quốc tế ước đạt 1,0 triệu lượt, khách nội địa ước đạt 7,0 triệu lượt khách; tổng thu du lịch ước đạt 8.000 tỷ đồng, tăng gấp 5,2 lần so với năm 2020; giải quyết việc làm cho khoảng 23.000 lao động.

Để đạt được mục tiêu trên ngành du lịch sẽ tập trung đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, chất lượng cao; khuyến khích đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch; nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch; xây dựng các sản phẩm văn hóa nhằm phát huy giá trị văn hóa, lịch sử phục vụ phát triển du lịch; tạo ra sản phẩm có tính độc đáo, hấp dẫn và đặc trưng, mang dấu ấn riêng.

Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương và các doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh du lịch. Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về du lịch đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành; chấn chỉnh, khắc phục hạn chế trong các hoạt động du lịch và hướng dẫn, hỗ trợ cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch nhằm xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện…

Theo Cổng TTĐT Chính phủ – Diệp Anh

 

 

Bài viết mới