Thứ Bảy, 20/04/2024, 21:38

Doanh nghiệp, hải quan tăng cường đối thoại gỡ vướng, thực hiện chuyển đổi số

Xem thêm

Ngành hải quan sẵn sàng đối thoại với doanh nghiệp (DN) để tháo gỡ nhanh vướng mắc. Đồng thời, ngành cũng đang quyết liệt triển khai Chiến lược phát triển theo chủ trương của Chính phủ, trong đó trọng tâm là triển khai chuyển đổi số thực chất, đồng bộ, bảo đảm quản lý chặt chẽ, minh bạch đi đôi với tạo thuận lợi cho DN.

DN và Hải quan tăng cường đối thoại gỡ vướng, thực hiện chuyển đổi số - Ảnh 1.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn: Hải quan xác định tạo thuận lợi thương mại là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt – Ảnh: VGP/HT.

Bước tiến lớn tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu

Ngày 8/9, tại Hà Nội, Tạp chí Hải quan tổ chức Diễn đàn Hải quan-DN với chủ đề: “Hải quan Việt Nam tạo thuận lợi cho thương mại và logistics phát triển” và Tôn vinh “DN nộp thuế lớn, tuân thủ tốt pháp luật về hải quan”.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn khẳng định, không chỉ cố gắng, quyết tâm đồng hành cùng DN và nền kinh tế vượt qua giai đoạn cam go của đại dịch, từ nhiều năm qua, ngành hải quan đã xác định tạo thuận lợi thương mại là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của ngành.

Theo Tổng Biên tập Tạp chí Hải quan Vũ Thị Ánh Hồng, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, ngành hải quan đã có nhiều giải pháp mạnh mẽ trong tạo thuận lợi thương mại nhằm  bảo đảm hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra thông suốt.

Theo thống kê, năm 2020, năm đầu tiên đại dịch COVID-19 bùng phát, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2019; năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 668,55 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước.

Để có được mức tăng trưởng đáng phấn khởi trên là kết quả nỗ lực của cộng đồng DN, đã vượt qua khó khăn để ổn định sản xuất, giữ vững thị trường, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế. Cùng với đó là sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng hành với DN và người dân để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó, có phần đóng góp quan trọng của ngành hải quan trong việc hỗ trợ DN xuất nhập khẩu, bảo đảm nguồn nguyên liệu, chuỗi cung ứng, cũng như đẩy nhanh thủ tục thông quan, từ đó lấy lại tốc độ tăng trưởng nhanh cho xuất khẩu, góp phần thúc đẩy phục hồi nền kinh tế. 

DN và Hải quan tăng cường đối thoại gỡ vướng, thực hiện chuyển đổi số - Ảnh 2.

Các đại biểu trao đổi ý kiến tại “Diễn đàn Hải quan-DN” – Ảnh: VGP/HT.

Xây dựng cơ chế để DN dễ tuân thủ, hải quan dễ quản lý

Tại Diễn đàn Hải quan-DN với chủ đề: “Hải quan Việt Nam tạo thuận lợi cho thương mại và logistics phát triển”, các đại biểu đã cùng chia sẻ về công tác quản lý nhà nước về Hải quan cũng như tháo gỡ các vướng mắc liên quan.

Ông Trần Đức Nghĩa, Trưởng ban Công tác hội viên, Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) đánh giá cao tư duy đột phá về cải cách ngành hải quan, về quản trị rủi ro, triển khai hải quan tự động. Đặc biệt trong những gần đây, ngành hải quan đã đáp ứng được yêu cầu thông qua việc tự động hóa, số hóa, thay đổi cách làm. “Ngành hải quan cần kiên định nhất quán hơn trong quá trình số hóa theo chiến lược của Chính phủ đã chỉ đạo, nhằm mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng DN và nền kinh tế nói chung…”- ông Trần Đức Nghĩa nói.

Dưới góc độ DN nước ngoài, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong những năm qua, đặc biệt trong cải cách thủ tục hành chính mà trong đó các thủ tục về ngành hải quan đóng vai trò quan trọng, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn về đầu tư. 

Ngành hải quan đã có bước tiến dài trong cải cách, hiện đại hóa, từ việc quản lý, thực hiện thủ tục hải quan tới thái độ làm việc với DN của cán bộ hải quan. Thời gian và chi phí tuân thủ của DN đã giảm, đặc biệt từ việc triển khai mạnh mẽ cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, tích hợp thủ tục trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức mà ngành phải đối mặt, mà nếu không được cải thiện kịp thời sẽ làm giảm tính cạnh tranh của Việt Nam trong thời gian tới như cơ chế kiểm tra chuyên ngành hiện tại còn chồng chéo.

Về vấn đề kiểm tra chuyên ngành, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết: Thời gian qua, nhiều thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành được điện tử hóa, giảm chi phí, thời gian cho DN. Tuy nhiên, hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành còn nhiều, cơ bản mới chuyển thời điểm kiểm tra từ trước sang sau thông quan thay vì cắt giảm mặt hàng phải kiểm tra. Việc thừa nhận, công nhận hàng hóa nước ngoài có chất lượng cao vẫn còn rất hạn chế… gây tốn nhiều thời gian và chi phí cho DN.

Do đó, thời gian tới, cơ quan hải quan sẽ phối hợp với các bộ, ngành chức năng xây dựng danh mục hành hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hướng chuẩn hóa và cắt giảm số mặt hàng. Đồng thời, hoàn thiện nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu… 

Bên cạnh đó, với việc triển khai hải quan số, hải quan thông minh sẽ rút ngắn thời gian, thủ tục liên quan đến kho bãi, giao nhận hàng hóa tại các cửa khẩu, cảng biển. Đặc biệt, DN và người khai hải quan có thể theo dõi toàn bộ quá trình xử lý hồ sơ, thủ tục hải quan không chỉ của cơ quan hải quan mà của cả những cơ quan khác có liên quan như hãng tàu, DN kinh doanh cảng đang chậm ở khâu nào, vướng mắc ở đâu.

Trao đổi với đại diện các Hiệp hội DN, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết: Lãnh đạo Chính phủ hết sức quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động hải quan. Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 628/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030, trong đó, yêu cầu ngành hải quan đẩy mạnh chuyển đổi số.

Thời gian tới, chuyển đổi số thay đổi nhiều so với giai đoạn trước như việc áp dụng trí tuệ nhân tạo, đưa các ứng dụng rút ngắn thời gian thông quan, tập trung quản lý vào đối tượng rủi ro sai phạm hơn, ngành hải quan mong muốn DN đồng hành trên nền tảng số.

Về các văn bản hướng dẫn, ông Mai Xuân Thành nhấn mạnh quan điểm khi xây dựng văn bản hướng dẫn phải chặt chẽ, dễ hiểu, một nghĩa thống nhất, không đa nghĩa.

“DN nếu gặp điểm nghẽn, vướng mắc cần đối thoại ngay, duy trì đối thoại thường xuyên, nếu cấp thực thi không có sự thay đổi, DN có thể phản ánh trực tiếp lên lãnh đạo Tổng cục Hải quan. Chúng tôi sẽ công bố hộp thư riêng, các DN phản ánh được bảo mật, ngành hải quan sẽ tháo gỡ vướng mắc trong thời gian nhanh nhất”- ông Mai Xuân Thành nói.

Ông Mai Xuân Thành chia sẻ thêm, hiện ngành hải quan đang triển khai Quyết định 1399/QĐ-TCHQ ngày 15/7/2022 về Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Mục tiêu là khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan, sau 2 năm triển khai sẽ có 100% DN tham gia chương trình không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 (tuân thủ cao), mức 3 (tuân thủ trung bình)…

“Tinh thần là lấy cái tốt để khuyến khích, giảm thiểu sai phạm, hải quan rất muốn DN tham gia đồng hành thực hiện”- Ông Mai Xuân Thành nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Hải quan-DN năm 2022, Tạp chí Hải quan cũng tổ chức tôn vinh “DN nộp thuế lớn, tuân thủ tốt pháp luật hải quan”.
Có 9 DN được bình chọn gồm: 1. Công ty Ô tô Toyota Việt Nam; 2. Công ty TNHH Ford Việt Nam; 3. Tổng công ty Dầu Việt Nam-Công ty cổ phần; 4. Công ty Cổ phần China Steel & Nippon Steel Việt Nam; 5. Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen; 6. Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC- Chi nhánh TPHCM; 7. Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam; 8. Công ty Sony Việt Nam; 9. Công ty TNHH Một thành viên Herbalife Việt Nam.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ – Huy Thắng

 

 

 

Bài viết mới