Vào mỗi dịp cận kề ngày Tết, thị trường đổi tiền lẻ, tiền mới càng trở nên nhộn nhịp trên mạng xã hội và được quảng cáo công khai trên các website… để đáp ứng nhu cầu lì xì, đi chùa của người dân.
Việc đổi tiền mới xuất phát từ tâm lý của người dân là muốn vật phẩm, quà mừng, tiền mừng…, đẹp, mới với quan niệm là năm mới thì mọi thứ cũng phải mới. Thực tế, thói quen về việc đổi tiền mới để mừng tuổi, tiền lẻ để đi lễ đã hình thành nhiều năm nay.
Để đáp ứng nhu cầu này, trên các hội nhóm mạng xã hội, hàng loạt các group đổi tiền lẻ, tiền mới hoạt động sôi nổi với số lượng thành viên đông đảo. Không chỉ liên tục đăng tải bài viết giới thiệu dịch vụ đổi tiền, các bình luận liên quan cũng nhộn nhịp không kém.
Bên cạnh những lời mời chào hết sức hấp dẫn như phí đổi thấp, cam kết tiền thật, tiền nguyên seri, các đối tượng còn sẵn sàng giao hàng tận nơi, người đổi tiền được yêu cầu kiểm tra trước khi nhận hàng.
Không chỉ tiền Việt, các loại tiền nước ngoài cũng được trao đổi rầm rộ trên chợ mạng. Trong đó, được quan tâm nhất là tờ 2 USD. Tiền mới nguyên thếp, liền seri giá 180 ngàn đồng tờ, loại mới 90% giá 150 ngàn đồng. Các tờ seri đẹp lên đến tiền triệu. Người bán thoải mái giao dịch, khẳng định có sẵn lượng lớn.
Tuy nhiên theo cơ quan chức năng, hiện nay trên chợ mạng, dịch vụ đổi tiền nhộn nhịp, xuất hiện nhiều chiêu trò, mánh khóe lừa đảo. Trong các hội nhóm hàng mua bán tiền trên mạng xã hội, một số người bức xúc tố cáo chiêu trò đổi tiền bịp bợm.
Viện cớ xả hàng, cần tiền nên thanh lý giá rẻ, giới buôn ảo dễ dàng đưa người mua vào bẫy, yêu cầu đặt cọc rồi biến mất.
Trường hợp khác, người bán phá luật, rút lõi tiền giao khách. Số tiền người mua nhận về không còn nguyên vẹn, thiếu tờ seri đẹp dù cam kết nguyên thếp.
Giao dịch trên mạng ảo, khách mua “vỡ mộng” không biết kêu ai, ngậm ngùi tố cáo khi kẻ lừa đảo đã cao chạy xa bay. Mọi dấu tích, tài khoản mạng xã hội đều biến mất.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.
Từ nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chủ trương không phát hành tiền lẻ mới (mệnh giá dưới 10.000 đồng) vào dịp Tết Nguyên đán.
Dịp đầu năm 2020, theo chia sẻ của ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – việc hạn chế in tiền lẻ mới giúp ngân sách tiết kiệm được 3.500 tỉ đồng.
Cơ quan ngân hàng trung ương cũng yêu cầu kể từ năm 2021, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước tuyệt đối không được đổi tiền mới in cho doanh nghiệp, cá nhân, kể cả nhân viên, cán bộ Ngân hàng Nhà nước.
Từ cách đây nhiều năm, Ngân hàng Nhà nước cũng nghiêm cấm cán bộ Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức lợi dụng, tiếp tay, cung cấp các loại tiền mới cho các đối tượng kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch, kể cả việc lựa chọn những đồng tiền đã qua lưu thông nhưng còn mới để tập hợp thành thếp, bó…
Theo Tạp chí SHTT & Sáng tạo – Hà Anh