Trước những phản ứng gay gắt của dư luận về việc công bố dự thảo nghị định mới trong đó có đề xuất tăng học phí các cấp học ở thời điểm không phù hợp, Bộ GD-ĐT hôm 13/11 vừa qua đã ra quyết định rút lại đề xuất này.
Theo đó, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, ngày 13/11, Bộ GD-ĐT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất xem xét gia hạn nghị định 86/2015 về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ học phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021. Theo đó sẽ giữ nguyên mức học phí hiện hành với tất cả các cấp học.
Nguyên nhân khiến Bộ GD-ĐT rút lại đề xuất chỉ 1 ngày sau khi đăng lên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ xin ý kiến nhân dân là do trong quá trình lắng nghe góp ý về dự thảo nghị định, Bộ cũng thấy tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, đồng thời nước ta vừa trải qua nhiều đợt bão lũ nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân.
Vậy nên, để chia sẻ và giảm gánh nặng về tài chính cho phụ huynh và học sinh, Bộ GD-ĐT đã đề nghị rút lại đề xuất trước đó và tiếp tục giữ nguyên mức học phí hiện hành với tất cả các cấp.
Theo đó, mức học phí đại học, giáo dục nghề nghiệp của năm 2021 – 2022 vẫn áp dụng theo mức học phí của năm học 2020 – 2021.
Mức học phí mầm non, phổ thông của năm 2021 – 2022 vẫn áp dụng theo khung của năm học 2020 – 2021, giao HĐND các cấp căn cứ vào tình hình địa phương xem xét phê duyệt mức học phí cụ thể trong khung này.
Cùng với đề nghị gia hạn thực hiện nghị định 86, bộ cũng đề nghị lùi thời gian trình ban hành nghị định mới sang năm 2021 để có điều kiện tiếp thu ý kiến rộng rãi của toàn xã hội và tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị định.
Cũng theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, việc tăng học phí các cấp học có thể lùi thời điểm thực hiện, dự kiến khoảng 2 năm nữa, tức vào năm học 2022 – 2023 và lộ trình tăng thêm hằng năm chỉ khoảng 2,5% so với mức tăng hằng năm của nghị định 86 đã ban hành.
Trước đó, hôm 12/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết, Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 (Nghị định số 86) sẽ hết hiệu lực từ năm học 2021-2022.
Do vậy, việc ban hành Nghị định mới quy định về chính sách học phí, giá dịch vụ giáo dục đào tạo để áp dụng từ năm học 2021-2022 thay thế Nghị định số 86 là rất cần thiết và cấp bách hiện nay.
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất các quy định cụ thể về học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Theo đó, mức thu học phí thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ giữa nhà nước và người học, phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm, bảo đảm lộ trình đến năm 2030 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, chi phí khấu hao.
Dự thảo cũng nêu đề xuất khung học phí của năm học 2021-2022: Căn cứ vào kịch bản tăng trưởng kinh tế của Tổng cục Thống kê thông báo giai đoạn 2021-2025 là 7,5%, cùng với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hằng năm khoảng 4-5%/năm và mức thu nhập bình quân đầu người tăng lên qua các năm thì tổng cộng biến động của các chỉ số trên sẽ cao hơn 7,5%.
Tuy nhiên để bảo đảm an sinh xã hội và chia sẻ với gia đình người học, Bộ GDĐT đề xuất chỉ tăng 7,5%/năm với học phí mầm non, phổ thông và bậc đại học là 12,5% so với năm học 2020-2021 và các năm tiếp theo.
Với lộ trình này thì đến năm học 2025-2026 bù đắp được 50% chi phí đào tạo, đến năm 2030 học phí sẽ bù đắp đủ chi phí đào tạo (đối với trường chưa tự bảo đảm chi thường xuyên).
Theo Tạp chí SHTT và Sáng tạo – Thái An