Thứ Sáu, 19/04/2024, 22:49

12 nền tảng công nghệ quyết định tương lai tài chính số

Xem thêm

Tài chính số không thể phát triển nếu thiếu các nền tảng công nghệ quan trọng. Các nền tảng này vẫn đang tiếp tục được cải tiến, đổi mới từng ngày.

12 nền tảng công nghệ quyết định tương lai tài chính số

Năng lực tính toán

Không phổ biến như Bill Gates hay Steve Jobs nhưng Gordon E. Moore cũng là cái tên đình đám trong thế giới công nghệ. Ông là đồng sáng lập Tập đoàn Intel và là một tỷ phú.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 1970, Moore được yêu cầu ước tính tốc độ phát triển của công nghệ máy tính. Tuyên bố của ông mà sau này gọi là Định luật Moore cho rằng số lượng bóng bán dẫn trên một vi mạch sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 2 năm.

Định luật này là một động lực kích thích cho ngành công nghiệp điện tử duy trì sự phát triển mạnh mẽ trong hàng thập kỷ qua, là một bước ngoặt lớn giải thích tại sao nhà sản xuất có thể giảm giá thành trong khi vẫn tiếp tục nâng cao hiệu suất của phần cứng. Nhờ đó, năng lực tính toán của các thiết bị điện tử đã và đang được nâng lên theo cấp số nhân.

Việc năng lực tính toán liên tục được nâng cấp ngoài sự mong đợi là nền tảng quan trọng hàng đầu giúp công nghệ số phát triển vượt bậc trong thời gian qua. Giống như các ngành khác, ngành tài chính cũng hưởng lợi từ sự phát triển này.

Internet

Nếu như coi năng lực tính toán là loại nền tảng công nghệ phát triển theo chiều sâu thì có thể coi internet là nền tảng công nghệ giúp thế giới số phát triển theo chiều rộng. Ví von như vậy để thấy tầm quan trọng không cần bàn cãi của internet đối với cuộc cách mạng số ngày nay.

Internet ngày càng trở nên thuận tiện hơn với hệ thống mạng không dây (Wifi, 4G, 5G) đi kèm tốc độ truy cập ngày càng nhanh, băng thông ngày càng rộng, giúp cho nhiều người có thể truy cập internet cùng một lúc, sự kết nối trên hệ thống mạng theo đó tăng trưởng theo cấp số nhân.

Với sự trợ giúp của internet, các giao dịch chuyển tiền giờ đây có thể thực hiện được mọi lúc mọi nơi, điều mà trước đây không thể tưởng tượng được. Đây là ví dụ điển hình cho thấy internet quan trọng thế nào với sự phát triển của thế giới số nói chung và tài chính số nói riêng.

Thiết bị di động thông minh

Năm 2007, Apple tạo ra cơn địa chấn khi ra mắt chiếc iPhone đầu tiên. Bộ vi xử lý A4 thế hệ đầu tiên của iPhone đã mang lại trải nghiệm người dùng tuyệt vời trên màn hình cảm ứng hoàn toàn 3,5 inch.

Bước ngoặt này mở ra thời kỳ vàng son của thiết bị di động thông minh với cuộc tranh đua mạnh mẽ của hàng loạt các tên tuổi lớn từ Mỹ tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Các “ông lớn” không chỉ “đọ” nhau về sức mạnh của bộ vi xử lý, kiểu dáng thiết bị, hệ điều hành mà còn “tranh nhau” giải quyết các vấn đề hóc búa về tuổi thọ pin và tản nhiệt.

Nhờ vậy, thiết bị di động thông minh ngày càng trở nên hoàn thiện với nhiều phân khúc chi phí khác nhau, phục vụ khách hàng từ bình dân đến cao cấp.

Việc phổ cập thiết bị di động thông minh đã và đang trở thành nền tảng hết sức quan trọng để con người bước vào kỷ nguyên số, ngày càng đáp ứng trọn vẹn hơn nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng chỉ thông qua một thiết bị cầm tay.

Phần mềm mã nguồn mở

Ý tưởng về mã nguồn mở – phân phối miễn phí mã nguồn của một phần mềm – đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ, nhất là khi internet dần trở nên phổ biến.

Bằng việc cung cấp mã nguồn mở, bất kỳ ai cũng có thể nghiên cứu, sửa chữa và cải tiến phần mềm. Kể từ khi ra đời, hướng tiếp cận này ngày càng trở nên phổ biến, giúp các phần mềm có xu hướng hoàn thiện nhanh hơn, có ích cho người tiêu dùng hơn, cũng tạo cơ hội nhiều hơn cho các nhà phát triển.

Đây là một ý tưởng táo bạo đi ngược lại với các mô hình kinh doanh truyền thống vốn phát triển phần mềm khép kín rồi đem chúng bán cho khách hàng và giữ quyền sửa chữa, thay đổi nó.

Một số dự án phần mềm mã nguồn mở nổi tiếng nhất có thể kể đến: Hệ điều hành Linux, máy chủ web Apache, trình duyệt web Firefox…

Sự phát triển của phần mềm trong hàng thập kỷ qua có đóng góp quan trọng tới từ cách tiếp cận mã nguồn mở và đã dần trở nên quen thuộc. Cách tiếp cận này vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt là đối với tiến trình trưởng thành và lớn mạnh của các tổ chức công nghệ mới, trong đó có các đơn vị Fintech.

Dữ liệu lớn (Big Data)

Thế giới đang sống trong kỷ nguyên của dữ liệu. Các kỹ sư của SoftwareMill đưa ra tính toán rằng nếu một ô tổ ong có đường kính 6mm và mang 1GB dữ liệu, các ô này được đặt chồng lên nhau thì vào năm 2020, con ong đã đến sao Hỏa; nếu xu hướng này tiếp tục thì đến năm 2025, con ong sẽ gần chạm tới sao Mộc và trong 10 năm tiếp theo sẽ mang khối dữ liệu từ Trái Đất rời khỏi thiên hà của chúng ta.

Dữ liệu có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong thế giới ngày nay. Nó đã phát triển theo cấp số nhân trong nhiều năm qua. Mọi doanh nghiệp hiện đại đều nhận thấy giá trị chiến lược của dữ liệu. Thế giới đã bước sang kỷ nguyên zettabyte (ZB), theo đó, mỗi ZB tương đương 1 nghìn tỷ GB.

Dữ liệu lớn đang được tích cực ứng dụng vào kinh doanh, khoa học, kỹ thuật cũng như cuộc sống hàng ngày của con người. Hiện nay, một trong những tác vụ quan trọng của các ngân hàng, tổ chức tài chính là ứng dụng dữ liệu lớn để “phác họa” chân dung khách hàng, từ đó cá nhân hóa sản phẩm, dịch vụ đến từng khách hàng riêng lẻ.

Đây là điểm khác biệt so với cách tiếp cận khách hàng trước đây bởi khi không có dữ liệu lớn, thường chỉ có thể thiết kế sản phẩm, dịch vụ cho từng nhóm khách hàng.

Điện toán đám mây (Cloud)

Dữ liệu lớn tạo ra thách thức trong việc lưu trữ và xử lý dữ liệu quy mô lớn với mức độ đa dạng cao. Thêm vào đó, trong kỷ nguyên số, việc xử lý dữ liệu còn phải được tiến hành theo thời gian thực. Sứ mệnh của công nghệ điện toán đám mây chính là giải quyết các thách thức này.

Điện toán đám mây là công nghệ cung cấp quyền truy cập vào các tài nguyên máy tính khác nhau qua internet. Tất cả những gì khách hàng cần làm là sử dụng máy tính hoặc thiết bị di động của mình để kết nối với nhà cung cấp dịch vụ đám mây (cloud) thông qua internet.

Sau khi kết nối, khách hàng có quyền truy cập vào các tài nguyên máy tính, có thể bao gồm: Dịch vụ điện toán phi máy chủ (serverless computing), dịch vụ máy ảo (virtual machines), dịch vụ lưu trữ (storage)…

Về cơ bản, các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây có các trung tâm dữ liệu khổng lồ chứa hàng trăm máy chủ, hệ thống lưu trữ và các thành phần quan trọng dành cho nhiều loại doanh nghiệp khác nhau. Người dùng kết nối với các trung tâm dữ liệu này để truy cập dữ liệu hoặc sử dụng các tính năng trong đó.

Cách đây hơn một thập kỷ, những “gã khổng lồ” công nghệ như Amazon, Microsoft, Google đã tung ra các nền tảng điện toán đám mây của họ.

Hiện nay, tại Việt Nam, các ngân hàng rất tích cực trong việc ứng dụng điện toán đám mây mặc dù pháp lý vẫn là vấn đề đáng lưu tâm.

Điểm đáng chú ý là các ngân hàng Việt Nam đa phần chọn hợp tác với các “gã khổng lồ” công nghệ nước ngoài như đã kể trên bởi dịch vụ vượt trội, bao gồm cả tư vấn và đào tạo nhân sự.

Trí tuệ nhân tạo (AI)

Cuối năm 2022, đầu năm 2023, cả thế giới sôi sục vì ứng dụng của trí tuệ nhân tạo, đó là chatbot mang tên “ChatGPT” của công ty trí tuệ nhân tạo OpenAI.

ChatGPT gây ngạc nhiên cho con người bởi khả năng tổng hợp kiến thức và trả lời câu hỏi, cũng như khả năng học hỏi kiến thức mới thông qua các thông tin mà chính người sử dụng cung cấp.

Thông qua hiện tượng ChatGPT, nhiều người giờ đây mới thực sự cảm thấy sự đe dọa của trí tuệ nhân tạo đối với cuộc sống của con người, dù rằng hiện nay trí tuệ nhân tạo đang được phát triển để phục vụ con người.

Thực ra với những người làm việc nhiều năm trong lĩnh vực công nghệ số, trí tuệ nhân tạo không phải là điều xa lạ. Ngay tại Việt Nam, nhiều ngân hàng đã và đang huấn luyện chatbot để thay thế nhân viên ngân hàng trong việc tương tác với khách hàng.

Tất nhiên, so với ChatGPT, các chatbot này còn nhiều hạn chế. Có những ngân hàng lớn tại Việt Nam cũng đã từng thử nghiệm chatbot với khách hàng thực tế nhưng sau một thời gian phải quyết định dừng vì chatbot chưa được “thông minh” như kỳ vọng.

Trước ChatGPT, cư dân mạng cũng từng sục sôi vì khả năng vẽ tranh của trí tuệ nhân tạo Midjourney. Nhìn lại quá khứ, hồi năm 2014, Facebook đã phát triển DeepFace, một thuật toán có khả năng nhận dạng hoặc xác minh các cá nhân trong các bức ảnh với độ chính xác như con người. Ứng dụng của trí tuệ nhân tạo này trên thực tế cũng đã trở nên khá quen thuộc với đông đảo người dùng Facebook tại Việt Nam.

Cũng trong năm 2014, Google đã tạo ra một chương trình máy tính với mạng lưới thần kinh riêng để học cách chơi cờ và sau quãng thời gian phát triển, đã đánh bại nhiều nhà vô địch, kỳ thủ kỳ cựu. Hiện tượng này cũng từng gây tiếng vang lớn.

Trên thực tế, các phiên bản GPT trước đây của OpenAI được sử dụng để tạo các bài viết, thơ, truyện, bản tin và đối thoại, từng xuất hiện nhiều năm qua và không phải quá xa lạ với những người làm công nghệ.

Đi sâu hơn, thuật ngữ trí tuệ nhân tạo liên quan đến 2 thuật ngữ quan trọng, đó là học máy (machine learning) và học sâu (deep learning).

Học máy là một phần của nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo nhằm cung cấp kiến thức cho máy tính thông qua dữ liệu, quan sát và tương tác với thế giới.

Có thể hiểu nó là một ứng dụng của trí tuệ nhân tạo ở cấp độ cơ bản nhất, bằng cách sử dụng các thuật toán để phân tích dữ liệu, học hỏi từ nó và sau đó đưa ra quyết định, chẳng hạn trả lời một câu hỏi.

Học sâu là tập con của học máy. Các thuật toán học sâu là các mạng nơ-ron được lập mô hình theo bộ não con người. Ví dụ, một bộ não con người chứa hàng triệu nơ-ron được kết nối với nhau, làm việc cùng nhau để tìm hiểu và xử lý thông tin; tương tự, các mạng nơ-ron học sâu, hay mạng nơ-ron nhân tạo, được tạo thành từ nhiều lớp nơ-ron nhân tạo hoạt động cùng nhau bên trong máy tính.

Học sâu bắt chước hành vi của bộ não con người trong khi học máy chỉ có thể sử dụng dữ liệu trong quá khứ để dự đoán điều gì xảy ra trong tương lai.

Học sâu có thể chia làm 4 nhóm ứng dụng chính: Thị giác máy tính (chẳng hạn nhận diện khuôn mặt, loại bỏ hình ảnh không phù hợp…); Nhận dạng giọng nói (chẳng hạn chuyển đổi các cuộc trò chuyện thành văn bản theo thời gian thực, tự tạo phụ đề cho video…); Kỹ thuật xử lý ngôn ngữ tự nhiên (chẳng hạn chatbot tự động, tổng đài viên ảo, tự động tóm tắt tài liệu…); Công cụ đề xuất cá nhân hóa (chẳng hạn gợi ý khoản vay, đề xuất quản lý tài sản…).

Công nghệ robot

Việc sử dụng robot trong các ngành sản xuất đã trở nên phổ biến, đó có thể là những cánh tay robot, robot vận chuyển hay các loại robot sơn, hàn…

Về cơ bản, robot là máy móc, thiết bị, phần mềm có thể thực hiện công việc một cách tự động thông qua sự điều khiển của các công cụ điện tử như máy tính hoặc các vi mạch điện tử được lập trình sẵn.

Khả năng của chúng không chỉ dừng lại ở việc thực hiện những nhiệm vụ đơn giản lặp đi lặp lại với tốc độ nhanh mà còn có thể thực hiện được những thao tác đòi hỏi độ chính xác cao.

Không giống như trong ngành sản xuất, các robot vật lý không phổ biến trong ngành tài chính. Robot tài chính thường là các phần mềm robot theo hướng tự động hóa các công việc bàn giấy nhờ mô phỏng các thao tác máy tính của nhân viên văn phòng.

Ví dụ, phần mềm robot sẽ ghi nhớ các kịch bản và trình tự thao tác để thực hiện công việc theo các kịch bản này. Một số ứng dụng thực tế có thể kể đến như tự động đối chiếu hóa đơn điện tử, phân tích chứng từ kế toán và chứng từ nộp thuế, tự động lập bảng cân đối kế toán đơn giản…

Tuy nhiên, robot tài chính đang dần tỏ ra “đuối” nếu so với tiềm năng của trí tuệ nhân tạo trong việc tự động hóa các quy trình. Lời giải tối ưu hiện nay là kết hợp giữa công nghệ robot và trí tuệ nhân tạo để đưa ra giải pháp tự động hóa khả thi và toàn diện nhất.

Thực tế hỗn hợp (MR)

Thực tế hỗn hợp (MR) để cập đến trải nghiệm kỹ thuật số thế hệ tiếp theo kết hợp giữa thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR).

Nó kết hợp thế giới thực và thế giới ảo vào với nhau bằng cách phủ lên thế giới thực hình ảnh kỹ thuật số 3 chiều (hình ảnh 3D), cho phép mọi người tương tác trong không gian đó thông qua một chiếc mũ đội đầu hoặc/và các công cụ hỗ trợ khác.

Mặc dù mới ở trong giai đoạn sơ khai nhưng công nghệ này được kỳ vọng sẽ thay đổi hành vi khách hàng còn nhanh hơn cả điện thoại thông minh, nhất là trong bối cảnh internet kết nối vạn vật (IoT) ngày càng phát triển.

Chẳng hạn, hiện nay, trong thế giới số, ngân hàng thường tương tác với khách hàng thông qua điện thoại thông minh, tuy nhiên, kích thước hạn chế của điện thoại khiến ngân hàng gặp khó khăn trong việc trình bày các dữ liệu phức tạp; sự ra đời của thực tế hỗn hợp có thể giúp ngân hàng tương tác với khách hàng một cách trực quan, đa dạng và thông minh hơn, đưa trải nghiệm khách hàng lên một tầm cao mới; thông qua MR, sự tương tác còn sống động hơn cả tương tác trực tiếp bởi các thông tin, dữ liệu có thể được hiển thị qua đồ họa 3D.

API mở (Open API)

Khái niệm về API mở ít phổ biến hơn so với mã nguồn mở. API là viết tắt của Giao diện lập trình ứng dụng (Application Programming Interface).

API là một công cụ để các lập trình viên làm cho một phần mềm giao tiếp với một phần mềm khác. Ví dụ, nếu một lập trình viên phát triển ứng dụng phần mềm cho Windows thì cần sử dụng một loạt Windows API để giao tiếp với hệ điều hành Windows nhằm thực hiện những việc như mở hoặc lưu tệp, mở cửa sổ và menu…

Hoặc, API tìm kiếm mở của Yahoo cho phép bạn tích hợp tìm kiếm Yahoo vào trang web của riêng bạn. Điều này cũng hoạt động để tích hợp bản đồ hoặc nhiều thứ khác vào trang web của bạn.

API đã là một công cụ phát triển phần mềm không thể thiếu trong nhiều thập kỷ. Làm cho chúng mở sẽ giúp mở rộng tính hữu dụng của chúng đối với các nhà phát triển phần mềm, nhưng tác động lớn nhất của chúng lại là tạo ra sự thay đổi trong mô hình kinh doanh.

Trên thực tế, trong ngành tài chính, API mở đã được ứng dụng khá phổ biến. Nhiều ngân hàng hiện nay phát triển theo hướng ngân hàng mở (Open Banking), tức là ngân hàng mở các API của họ cho các bên thứ ba để phát triển các ứng dụng và dịch vụ mới.

Đây là giải pháp để ngân hàng truyền thống hợp tác với Fintech hơn là cạnh tranh nhau, qua đó nhanh chóng xây dựng hệ sinh thái tài chính số tiện lợi cho người tiêu dùng cũng như giúp thúc đẩy liên tục việc đổi mới, sáng tạo trong ngành tài chính.

Internet kết nối vạn vật (IoT)

Thế giới kỹ thuật số chính là thế giới của sự kết nối. Theo số liệu từ Statista, số lượng thiết bị kết nối IoT trên toàn cầu năm 2019 là 8,6 tỷ thiết bị, tiếp tục tăng lên 9,76 tỷ thiết bị vào năm 2020 và 11,28 tỷ thiết bị vào năm 2021; đến năm 2030, dự kiến đạt con số 29,42 tỷ thiết bị.

Trên mạng xã hội Trung Quốc có một câu chuyện bi hài về gia đình sử dụng hệ sinh thái sản phẩm của Xiaomi. Người vợ đi công tác thấy trên điện thoại Xiaomi của mình báo rằng có người sử dụng chiếc cân Xiaomi tại nhà, thế nhưng số kg báo về lại thấp nhiều số kg của chồng; người vợ tức tốc về nhà và phát hiện chồng ngoại tình. Dẫu đây có thể là câu chuyện không có thật nhưng trên thực tế, IoT đã len lỏi vào cuộc sống của nhiều gia đình, nhất là các gia đình trẻ.

Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, người dùng có thể kiểm tra, điều khiển camera tại nhà, điều khiển robot hút bụi thông minh, điều khiển hệ thống đèn, mở cửa, kết nối dữ liệu với cân điện tử như câu chuyện ở trên…

Đề cập đến IoT, không thể không nói đến công nghệ cảm biến. Cảm biến là thiết bị phát hiện và phản ứng với những thay đổi trong môi trường. Đầu vào có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau như ánh sáng, nhiệt độ, chuyển động và áp suất.

Các cảm biến đưa ra thông tin có giá trị và nếu chúng được kết nối với mạng, chúng có thể chia sẻ dữ liệu với các thiết bị và hệ thống quản lý được kết nối khác.

Cảm biến ở khắp mọi nơi. Chúng ở trong nhà và nơi làm việc, trung tâm mua sắm, bệnh viện, trong ô tô, trên máy bay…, hoạt động như tai mắt cho cơ sở hạ tầng điện toán phân tích và hành động dựa trên dữ liệu thu thập được từ cảm biến.

Ví dụ trong ngành bảo hiểm, khi xảy ra tai nạn xe hơi, hệ thống cảm biến của xe sẽ gửi tín hiệu thiệt hại đến hãng bảo hiểm. Các nhân viên bảo hiểm trong khu vực có thể nhanh chóng đến khảo sát và giám định thiệt hại. Hãng bảo hiểm cũng có thể gửi cho khách hàng bảng hướng dẫn trực tuyến các bước cần thực hiện để được bồi thường đúng cách.

Ngoài ra, hãng bảo hiểm cũng thu thập được dữ liệu các vụ tai nạn xe hơi để cảnh báo tới các khách hàng về những nơi dễ xảy ra tai nạn.

Công nghệ chuỗi khối (blockchain)

Các công nghệ cơ sở dữ liệu truyền thống đặt ra nhiều thách thức trong việc ghi lại các giao dịch tài chính. Hãy xét trường hợp bán một tài sản.

Sau khi đã giao tiền, quyền sở hữu tài sản được chuyển cho người mua. Cả người mua và người bán đều có thể từng người ghi lại các giao dịch tiền tệ, nhưng không nguồn nào là đáng tin cậy.

Người bán có thể dễ dàng khẳng định rằng họ chưa nhận được tiền ngay cả khi họ đã nhận được và người mua cũng có thể phản bác rằng họ đã chuyển tiền ngay cả khi họ chưa thanh toán.

Để tránh các vấn đề pháp lý có thể xảy ra, cần phải có một bên thứ ba đáng tin cậy để giám sát và xác thực các giao dịch. Sự hiện diện của cơ quan trung tâm này không chỉ làm giao dịch phức tạp thêm mà còn tạo ra một lỗ hổng. Nếu cơ sở dữ liệu trung tâm bị xâm phạm, cả hai bên đều có thể chịu thiệt hại.

Theo Amazon Web Services (AWS), chuỗi khối giảm thiểu những vấn đề như vậy bằng cách tạo ra một hệ thống chống làm giả, phi tập trung để ghi lại các giao dịch.

Trong trường hợp giao dịch tài sản, người mua và người bán đều được chuỗi khối tạo cho một sổ cái riêng. Tất cả các giao dịch phải được cả hai bên chấp thuận và được cập nhật tự động vào sổ cái của cả hai trong thời gian thực. Nếu có bất cứ sai sót nào cũng sẽ làm toàn bộ sổ cái sai lệch theo.

Những đặc tính đó của công nghệ chuỗi khối đã dẫn đến việc công nghệ này được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả việc tạo ra tiền kỹ thuật số như Bitcoin.

Công nghệ chuỗi khối được kỳ vọng sẽ tiếp tục được ứng dụng rộng rãi hơn nữa, thay vì thường được biết đến thông qua tiền kỹ thuật số như hiện nay.

Theo vietnamfinance.vn – Thanh Long

 

 

Bài viết mới