Thứ Ba, 17/09/2024, 18:37

Xử lý thông tin báo nêu về ngộ độc ma túy trong thực phẩm và thuốc lá điện tử

Xem thêm

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm vừa có ý kiến chỉ đạo các Bộ liên quan xử lý thông tin báo nêu về ngộ độc ma túy trong thực phẩm và thuốc lá điện tử.

Xử lý thông tin báo nêu về ngộ độc ma túy trong thực phẩm và thuốc lá điện tử - Ảnh 1.

Một mẫu thuốc lá điện tử pha trộn ma túy được xét nghiệm tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: VnExpress.

Gần đây một số báo có phản ánh về nhiều vụ ngộ độc ma túy trong thực phẩm và thuốc lá điện tử.

Báo VnExpress ngày 7/12/2022 có bài “Ngộ độc ma túy trong thuốc lá điện tử” phản ánh: Các bệnh viện gần đây tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị ngộ độc do nhầm ma túy có trong thuốc lá điện tử.

Theo Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an, gần đây tội phạm chế tạo những chất ma túy mới chưa có trong danh mục cấm đựng trong dung dịch thuốc lá điện tử, sử dụng trái phép. Các chất ma túy này gây ảo giác, có thể co giật, hôn mê, thậm chí tử vong đối với người sử dụng và người không may uống nhầm. 

Báo Công an nhân dân ngày 5/12/2022 có bài “Ăn bỏng ngô tẩm cần sa, một phụ nữ phải nhập viện cấp cứu” nêu: Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho một bệnh nhân nữ (56 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) được chẩn đoán bị ngộ độc cần sa sau khi ăn nhầm bỏng ngô nghi có tẩm cần sa.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay có nhiều loại ma túy mới xuất hiện, không chỉ dưới các dạng truyền thống như dạng viên, dạng bột, dạng tem… mà còn được trộn vào nhiều loại thực phẩm, đồ ăn, thức uống. Trước đó, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc cần sa có trong các loại bánh ngọt, bánh quy, kẹo và trong thuốc lá điện tử, thuốc lào.

BS Nguyên cũng nhấn mạnh, cần sa là một loại ma túy tự nhiên và cổ điển, việc xét nghiệm phát hiện dễ dàng. Tuy nhiên, hầu hết các ma túy khác hiện nay là các chất mới, được một số đối tượng thay đổi và tạo mới hàng ngày, các phòng xét nghiệm hiện đại chưa kịp nghiên cứu tìm ra cách phát hiện và chưa kịp đưa vào danh sách cấm, thì đã có chất mới xuất hiện thêm. Đây là một khó khăn trong công tác kiểm tra, phát hiện. 

Tuổi trẻ Online ngày 6/12/2022 cũng có bài “Nhiều bệnh nhân đã bị ngộ độc cần sa từ thực phẩm và thuốc lá điện tử” phản ánh: Trên thị trường đã và đang xuất hiện loại ma túy (cần sa) pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, thảo mộc. Trung tâm chống độc của Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận nhiều vụ ngộ độc cần sa sau khi sử dụng thực phẩm…

Về việc này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh, làm rõ thông tin báo nêu và có biện pháp xử lý đối với hình thức mua bán ma túy và các sản phẩm có chứa chất ma túy này, báo cáo Chủ tịch Ủy ban Quốc gia trước ngày 30 tháng 12 năm 2022.

Bộ Y tế, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của ma túy, các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm ma túy để nâng cao nhận thức và ý thức tự phòng ngừa của người dân.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ – Thanh Quang

 

 

 

Bài viết mới