Thứ Sáu, 29/03/2024, 12:13

Trồng nghệ đen theo tiêu chuẩn OCOP: Thêm hi vọng xanh giữa non ngàn Đông Giang

Xem thêm

Nghệ đen phát triển hướng tới tiêu chuẩn sản phẩm OCOP mang đến cho đồng bào Cơ Tu ở Đông Giang (Quảng Nam) vốn sống nhờ rừng thêm niềm hi vọng phát triển sinh kế.

Cây nghệ đen “thần dược”

Đến giờ hẹn, đại diện tổ sinh kế cộng đồng đợi nhau ở nhà Gươl của làng Bút Tưa để dự hội thảo chia sẻ kinh nghiệm mô hình trồng nghệ đen và thăm ruộng.

Bên suối Pho, nghệ của nhà Briu Tư (35 tuổi, thôn Bh’lô – Bền) lên cao gần vai người, thân nghệ mọc thẳng, đều tắp. Những chiếc lá nghệ đen có màu xanh ánh lớp phấn bạc, dáng thuôn dài cứ thế vươn lên dồi dào sức sống.

4befd2b5fb4e22107b5f

Briu Tư chia sẻ kinh nghiệm trồng nghệ đen nơi non ngàn Đông Giang.

Briu Tư làm cỏ, xới cho đất tơi xốp. Cây nghệ đen miễn dịch hoàn toàn với mọi loại sâu bệnh nên suốt trong quá trình nghệ phát triển, ông không cần sử dụng bất cứ loại hóa chất bảo vệ thực vật nào.

“Đến lúc nghệ không mọc lá non nữa và lá già bắt đầu khô ở mép, ngả màu vàng cháy, vỏ và đầu củ vàng sẫm, da bóng sẽ biết đến lúc thu hoạch”, Tư thuần thục các kỹ thuật chăm sóc nghệ chia sẻ.

295da80781fc58a201ed

Cây nghệ đen trồng 7 tháng có thể thu hoạch thường được dùng làm dược liệu rất nhiều công dụng.

A Lăng Thị Ngạc hồ hởi đi hội thảo đầu bờ, cho biết: “Chồng tôi là thành viên tổ tuần tra rừng cộng đồng. Rừng giao khoán nghèo, không thu hái gì được các lâm sản ngoài gỗ, nhưng công việc tuần tra rừng vất vả vì khoảnh rừng được khoán xa, địa thế khá hiểm trở, nếu không có thu nhập thêm cũng ngại đi”.

Ngạc chân chất kể hai vợ chồng làm nghề bóc keo thuê, công việc bữa có bữa không. “Trước đây, tôi chưa bao giờ trồng nghệ đen và đây là lần đầu trồng trong vườn”, Ngạc nói.

ae1240c5793ea060f92f

Hội thảo đầu bờ chia sẻ kinh nghiệm trồng nghệ đen tại thôn Bút Tưa, xã Sông Kôn.

Bẻ thử củ nghệ già, bên trong màu xanh xám như tro cùng mùi thơm hương the ở cuối gió, A Lăng Cườm thật lòng chia sẻ: “Trước đây người làng tôi chủ yếu đi rừng hái lượm chứ ở nhà làm gì có việc”. Mùa gì thức nấy, họ phụ thuộc việc lên rừng hái quả, nhặt hạt.

“Giờ tôi đang làm 1 sào nghệ đen. Tính ra nếu trồng mì chỉ 3000 – 4000 đồng/kg, còn nghệ đen nếu bán tươi có giá từ 25.000 – 30.000 đồng/kg”, anh Cườm mừng khi có dự án hỗ trợ cây trồng mở hướng sinh kế mới cho gia đình.

Xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP

Chúng tôi ngược đường đến thôn Bờ Hồng về thăm cơ sở sản xuất nghệ đen. “Nhà máy làng” còn đơn sơ với quy mô 35m2 được đầu tư máy sản xuất tinh bột nghệ, máy sấy để chế biến. Những củ nghệ tươi được hợp tác xã (HTX) Bờ Hồng thu mua, đem về tập kết đợi sản xuất những lọ tinh bột nghệ và nghệ viên mật ong đầu tiên.

Để mở rộng sản xuất, HTX đã thiết kế bao bì, nhãn mác đang lên kế hoạch xúc tiến thương mại. Lãnh đạo UBND huyện Đông Giang cho biết: “Cây nghệ đen tại địa phương xưa được đồng bào Cơ Tu ở xã Sông Kôn trồng chỉ vài bụi, dùng làm thuốc dân gian trong gia đình. Dự án trồng nghệ đen đã góp phần bảo tồn, phát huy giá trị sản vật đặc trưng non ngàn Đông Giang”.

Quá trình nghiên cứu phát triển sản phẩm, nghệ đen Sông Kôn được chấm điểm đạt chất lượng OCOP 3 sao và đang đợi UBND tỉnh về kiểm tra thêm trước khi cấp chứng nhận. “Mong các doanh nghiệp có thể liên kết giúp đầu ra cho bà con ổn định, phát triển sản phẩm đi khắp trong nước và quốc tế”, lãnh đạo UBND huyện Đông Giang cho hay.

Được biết, huyện Đông Giang hiện đang tích cực xây dựng thương hiệu cho nghệ đen. “Chúng tôi đang xem xét mở rộng quy mô cơ sở chế biến và vùng nguyên liệu bao nhiêu là phù hợp”, ông Nguyễn Tài – Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đông Giang – nhấn mạnh thêm.

“Chi phí ban đầu khoảng 30 triệu đồng/ha tiền giống, phân bón, nhãn mác, thu về khoảng 3 tấn/ha. Nếu bán tươi giá nghệ đen khoảng 30.000 đồng/kg, còn bán tinh bột giá khoảng 1,2 triệu đồng/kg”, Briu Tư nói. Giá này cao hơn so với các cây trồng khác tại Sông Kôn.

0359a71d89e650b809f7

Tinh bột nghệ đen ở Đông Giang được vo tròn với mật ong rừng ăn giòn, không hăng, ngọt nhẹ.

Đến nay, dự án hỗ trợ trồng tổng 4ha nghệ đen cho 81 hộ gia đình, lựa chọn từ thành viên của các tổ tuần tra rừng cộng động, với cam kết sẽ đóng góp tích cực cho công tác quản lý bảo vệ rừng được nhận khoán. HTX Bờ Hồng thành lập sẽ tạo chuỗi giá trị, mở ra cơ hội gia tăng thu nhập cho bà con.

Phát triển sinh kế để bảo tồn rừng bền vững

131e06ee3115e84bb104

 Qua lòng hồ Thủy Điện Sông Kôn vào với rừng cộng đồng A Rớch.

Rời Sông Kôn, chúng tôi được ông Trần Hữu Vỹ – Giám đốc Trung tâm Green Việt – cùng lực lượng tuần tra rừng cộng đồng dẫn đường tới xã A Ting. Lên thuyền qua lòng hồ thủy điện Sông Kôn, mất tầm 15 phút chúng tôi đến với rừng cộng đồng A Rớch để thăm mô hình trồng mây dưới tán rừng.

Xuống thuyền, đoàn lội qua hai khe nước nhỏ, trời nắng nhưng mấy ngày trước có mưa nên đường sình lún làm nhiều người trượt ngã. “Được báo đi thực địa rừng, vẫn không nghĩ đến đường đi khó như vậy”, một người trong đoàn thốt lên khi thấm sự vất vả của cộng đồng bảo vệ rừng nơi đây.

Phía trước mặt, rừng cộng đồng A Rớch xanh ngắt màu cây. Vất vả, đường xa nhưng ngoài lợi ích thu được từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, các cộng đồng hầu như không khai thác được gì từ diện tích rừng được nhận khoán.

Khi đến được bìa rừng, bắt đầu nhìn thấy những cây mây cộng đồng mới trồng lên được ba bốn lá như thêm niềm hi vọng giúp làm giàu rừng. Trong năm 2020 – 2021, Dự án LtC/Sida hỗ trợ trồng 50 ha mây nước dưới tán rừng tại 3 thôn A Rớch, Bút Tưa và A Liêng, góp phần bảo vệ rừng tốt hơn. Thúc đẩy người dân thực hiện quyền tiếp cận và hưởng dụng từ rừng được giao khoán bảo vệ.

Ông Trần Hữu Vỹ – Giám đốc Green Việt – nhấn mạnh: “Trước đây cũng loay hoay chọn mô hình, nhưng đến nay nghệ đen và mây dưới tán rừng cho thấy tiềm năng tốt. Hiện đã ra sản phẩm tinh bột nghệ, cây dễ trồng và khả năng năng suất cao, có hợp tác xã chế biến”.

“Dự án Tăng cường vai trò của cộng đồng và tổ chức xã hội trong công tác bảo tồn khu vực Trung Trường Sơn tại tỉnh Quảng Nam (LtC/Sida) có công sức tham gia tích cực của cộng đồng vào các hoạt động quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn. Bên cạnh thúc đẩy chia sẻ lợi ích công bằng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, các mô hình sinh kế gắn với bảo tồn là động lực quan trọng thúc đẩy bà con quản lý bảo vệ rừng hiệu quả hơn, khi họ ý thức bảo vệ các mô hình như là tài sản của cộng đồng”, ông Nguyễn Đình Phước chia sẻ.

Đồng bào Cơ Tu sống gửi thác nhờ vào rừng, sống dựa rừng chết tùy táng dưới những bóng cây. Các chương trình, chính sách phù hợp cân bằng lợi ích giữa bảo tồn với phát triển sinh kế. Những chồi mây nước, ruộng nghệ đen đang lên không chỉ điểm thêm màu xanh, đó là niềm hi vọng góp nhặt cho cả tương lai của rừng mai sau nuôi dưỡng tiếp tình yêu, sự trân trọng thiên nhiên có từ ngàn xưa.

d1e4a59d9f6646381f77

Ông Nguyễn Đình Phước, Quản lý dự án của LtC/Sida cho biết: “Dự án thực hiện từ năm 2018 đến nay tại 2 huyện Đông Giang và Núi Thành, tác động tích cực lên hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học tại Trung Trường Sơn.

Đánh giá chất lượng rừng mà chúng tôi thực hiện cho thấy có 545ha rừng nghèo và phục hồi (trữ lượng từ 10-100 m3/ha) trong vùng dự án đã tăng trữ lượng, trở thành rừng trung bình (100-200 m3/ha). Hay như tại Tam Mỹ Tây (Núi Thành), quần thể voọc chà vá chân xám tăng số lượng lên thành 69 con (năm 2022) so với 50 con (2017)”. 

833c7b75368eefd0b69f

Trồng mây nước dưới tán rừng A Rớch nơi non ngàn Đông Giang.

Theo Tạp chí SHTT & Sáng tạo – Bảo Hòa

 

 

 

Bài viết mới