Chủ Nhật, 28/04/2024, 18:49

Xanh hóa hoạt động ngân hàng, thúc đẩy phát triển bền vững

Xem thêm

Ngày 21/9, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ (SECO), Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tổ chức Toạ đàm “Xanh hoá ngành ngân hàng”.

Đại diện chuyên gia, nhà quản lý trao đổi tại Toạ đàm “Xanh hoá ngành ngân hàng”- Ảnh: NHNN.

Phát biểu khai mạc Toạ đàm, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết: Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững như cam kết thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc; Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; cam kết thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 đến năm 2050 tại Hội nghị COP26.

Theo báo cáo của các quốc gia tại Hội nghị COP27, Việt Nam là một trong các quốc gia đã có những hành động nhanh, kịp thời để triển khai cam kết bằng việc ban hành khung chính sách tăng trưởng xanh, như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; ban hành Luật Bảo vệ môi trường (2020) tạo khuôn khổ pháp lý thúc đẩy các công cụ kinh tế thực hiện tăng trưởng xanh.

Lãnh đạo NHNN khẳng định: Ngành ngân hàng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững. Ngành ngân hàng đã phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, xây dựng Thông tư về quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, tăng dần tỉ trọng dư nợ tín dụng xanh. 

Đại diện NHNN kỳ vọng, các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài hiểu rõ hơn về môi trường pháp lý của Việt Nam trong lộ trình tiến tới nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 và ngành tài chính hướng tới lộ trình tài chính xanh. Qua đó, sẽ khai thác tốt hơn các cơ hội đầu tư về khí hậu thông qua ngành tài chính và thị trường vốn trong nước.

Dưới góc độ ngân hàng thương mại, ông Phan Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, việc triển khai cho vay các dự án xanh tại BIDV diễn ra từ khá sớm, đặc biệt là các dự án liên quan đến năng lượng tái tạo. BIDV đã ban hành: Khung Quản lý rủi ro môi trường xã hội (Khung ESMS) vào năm 2018; khung Khoản vay bền vững (tháng 2/2023); quy định về quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng (tháng 5/2023); trong năm 2023 cũng sẽ dự kiến ban hành khung trái phiếu xanh…

Với những bước đi như vậy, BIDV hiện đang là ngân hàng tài trợ các dự án xanh lớn nhất thể hiện qua số liệu thống kê tính đến ngày 30/6/2023, BIDV đã cấp tín dụng xanh cho 1.776 dự án, với 1.447 khách hàng. Dư nợ cho các dự án xanh đạt 2,81 tỷ USD, chiếm tỉ trọng 4,1% tổng dư nợ tại BIDV.

Bà Võ Hằng Phương, Giám đốc khối Thị trường tài chính và ngân hàng giao dịch, ngân hàng VPBank cho biết: Tổng vốn tài trợ cho các dự án xanh tại VPBank đạt khoảng 500 triệu USD, VPBank cũng đang có nhiều cơ hội để huy động các dòng vốn quốc tế cho các dự án xanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, do các quy định hành lang pháp lý đối với tín dụng xanh vẫn còn thiếu và đối tượng khách hàng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên VPBank gặp nhiều khó khăn khi triển khai cho vay các dự án xanh.

Để tháo gỡ khó khăn, đại diện VPBank đề nghị các cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cũng như ban hành ‘Khung định nghĩa thế nào là xanh’, để các ngân hàng có thể áp dụng cho vay các dự án xanh.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN khẳng định, Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 do Thống đốc NHNN ký ban hành vào tháng 7/2023 vừa qua là rất quan trọng. Trong đó, kế hoạch hành động của ngành ngân hàng đã đưa ra một số nhiệm vụ giải pháp chủ yếu.

Cụ thể, NHNN sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm đẩy mạnh huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh; hoàn thiện chính sách đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm phát triển bền vững ngành ngân hàng; đào tạo bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực ngành ngân hàng; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về hoạt động của ngành ngân hàng, góp phần thực hiện tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ – Anh Minh

Bài viết mới