Thứ Năm, 25/04/2024, 14:57

Vi phạm bản quyền mỹ thuật: Các họa sĩ cần làm gì để bảo vệ tác phẩm của mình?

Xem thêm

Hiện tượng tranh giả hay sao chép tranh ở nước ta đang diễn ra vô cùng phổ biến. Cách thức chép hay làm giả những bức tranh cũng rất tinh vi. VÌ vậy các họa sĩ cần phải quyết liệt đứng lên bảo vệ tác phẩm của mình.

Sao chép tranh lên áo dài, lên các không gian thương mại đang trở nên phổ biến, mà khi được phát hiện thì phía vi phạm thường chỉ xin lỗi một lời cho xong. Điều này khiến cho thị trường mỹ thuật phát triển méo mó.

Mới đây, hàng loạt họa sĩ ở nước ta “kêu trời” bởi những tác phẩm của mình bị xâm phạm, sử dụng trái phép. Điển hình là họa sĩ Hà Hùng Dũng, anh cho biết rất nhiều bức tranh sơn dầu, màu nước của anh đã bị một đơn vị tranh tường tại Hà Nội chép lại thành tranh tường và tranh treo trang trí tại một khách sạn 5 sao ở Sapa.

Thậm chí, trên trang mạng xã hội của đơn vị này cũng công khai quảng bá các sản phẩm tranh tường, tranh chép từ các tác phẩm của họa sĩ Hà Hùng Dũng khi chưa được sự đồng ý, cho phép của họa sĩ.

vi pham ban quyen tranh

Vi phạm bản quyền mỹ thuật: Các họa sĩ cần làm gì để bảo vệ tác phẩm của mình?

Tương tự, bộ tranh sơn dầu “Thiếu nữ và hoa sen” của họa sĩ Phan Linh Bảo Hạnh đã bị chép thành tranh tường trang trí tại một nhà hàng cà phê ở TP.HCM.

Tranh lụa của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn được sao chép trái phép lên một quán cà phê ở Nha Trang, bộ tranh “Những kẻ điên” của họa sĩ Bùi Thanh Tâm bị chép lên tranh tường tại một quán cà phê ở Hải Phòng…

Đồng cảnh ngộ, họa sĩ Bùi Trọng Dư vừa qua bức xúc lên tiếng, bộ tranh “Ao sen” được anh sáng tác năm 2011, nhiều năm qua và gần đây bị một số công ty in lên những chiếc áo dài.

Tất cả những mẫu áo dài in bức tranh “Ao sen” của các công ty nhưng phía sử dụng bức tranh không hề xin phép hoặc được sự đồng ý của họa sĩ Bùi Trọng Dư.

Từ những câu chuyện kể trên, có thể thấy, hiện tượng tranh giả hay sao chép tranh ở nước ta đang diễn ra vô cùng phổ biến. Nhà nghiên cứu, phê bình Phan Cẩm Thượng thừa nhận, việc vi phạm bản quyền hay tranh giả ở Việt Nam đã trở nên hết sức phức tạp, gần như không thể kiếm soát nổi. Cách thức chép hay làm giả những bức tranh cũng vô cùng phong phú và đa dạng.

Trước tình trạng hỗn loạn của việc xâm phạm bản quyền các tác phẩm mỹ thuật Việt, một số họa sỹ đã phải tự tìm cách bảo vệ mình, một số họa sỹ đánh dấu ký hiệu riêng, có người cấp cho người mua giấy chứng nhận về tên bức tranh, kích cỡ, chất liệu… để người mua yên tâm.

Tuy nhiên, nhiều họa sỹ, nhà nghiên cứu mỹ thuật lo ngại, nếu cơ quan chức năng không sớm tìm biện pháp quản lý, và nếu tình trạng xâm phạm bản quyền tranh vẫn tiếp tục diễn ra tràn lan, không kiểm soát được như hiện nay, không chỉ giá trị của các họa sỹ Việt Nam bị giảm, thị trường tranh Việt bị ảnh hưởng, bởi người nước ngoài không còn tin tưởng vào các giá trị thật của tranh Việt do độ giả quá lớn… mà nó còn làm giảm sức sáng tạo của các thế hệ họa sỹ trẻ đương đại Việt Nam.

Bởi không mấy ai không nản lòng thoái chí, khi thấy những tác phẩm nghệ thuật – đứa con tinh thần do mình vất vả sáng tạo ra, ngang nhiên bị sao chép với chất lượng kém, rồi được bày bán tràn lan mà không hề có cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử phạt. Còn bản thân các họa sỹ, người nhà họa sỹ thì nếu có biết cũng chỉ có thể “kêu trời” như hiện nay.

Chia sẻ trên báo Văn hóa, họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm  cho biết, câu chuyện bản quyền mỹ thuật nếu muốn rạch ròi thì phải có giải pháp xử lý kiên quyết hơn là xin lỗi suông.

Theo luật sư Tám Trần (luật sư bản quyền, công ty IPCom Việt Nam), khi phát hiện ra tranh bị “đạo” in lên vải, vẽ lên tường thì bước đầu tiên cần làm là thu thập chứng cứ xâm phạm. Đại đa số các họa sĩ đều bỏ qua bước này và chỉ chụp lại ảnh để làm bằng chứng. Nếu khởi kiện ra tòa dân sự, những bức ảnh chụp này hầu hết không có giá trị.

Như vậy, cho tới thời điểm hiện tại, các họa sĩ bị xâm phạm bản quyền đều đã để các công ty vi phạm xóa dấu vết mà chưa kịp lập vi bằng.

Luật sư Tám Trần cũng tư vấn cho các họa sĩ các bước tiếp theo trong việc yêu cầu các đơn vị xâm phạm bản quyền phải thực hiện đúng là liên hệ bên xâm phạm yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm và bồi thường thiệt hại, nếu có.

Tiếp đó là yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý xâm phạm (nếu bước 2 không hiệu quả). Bước thứ 3 này chính là việc khởi kiện ra tòa án dân sự hoặc nhờ tới các cơ quan chức năng như thanh tra văn hóa, quản lý thị trường vào cuộc).

Luật sư Tám Trần cho rằng, việc thu thập chứng cứ và lập vi bằng là cực kỳ quan trọng. Đặt vào trường hợp của họa sĩ Hà Hùng Dũng bị tranh tường Trần Tuân vi phạm tác quyền của 15 bức tranh, luật sư Tám Trần nhận định, nếu bước đầu tiên được tuân thủ, ngay cả khi khách sạn Pao’s đã niêm phong các bức tranh tường và xóa sạch các bức tranh chép, họa sĩ vẫn hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường.

Tuy nhiên, cho tới nay, nhiều họa sĩ Việt Nam hầu như đều bỏ qua bước này. Vì thế, kết quả tốt nhất họ nhận về chỉ là lời xin lỗi của phía sai phạm và hủy bỏ các sản phẩm có sử dụng bản quyền tác phẩm.

Sau vụ liên quan đến khách sạn Pao’s Sa Pa, họa sĩ Hà Hùng Dũng lại phát hiện thêm một cơ sở spa mang tên “Junhee beauty Academy” ở Hà Nội sao chép tranh của anh lên tường. Bản thân họa sĩ đang rất mệt mỏi khi phải chạy theo các vụ việc liên quan tới bản quyền tranh. 

Theo Tạp chí SHTT và Sáng tạo – Hải Trang

Link gốc

 

 

 

Bài viết mới