Theo thông tin từ Học viện Quân y, vaccine COVID-19 Nanocovax của Việt Nam hiện đang cho những kết quả thử nghiệm tích cực, đặc biệt, nó có hiệu quả đối với cả biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.
Học viện Quân y cho biết vừa hoàn thành tiêm 120 mũi vaccine Nanocovax cho 60 tình nguyện viên thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.
Bước đầu vaccine Nanocovax được đánh giá tạo ra phản ứng miễn dịch tốt, an toàn. Đặc biệt, vaccine có tác dụng cả với biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.
Vaccine Nanocovax của Việt Nam có khả năng chống lại biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tổng hợp dữ liệu để báo cáo Bộ Y tế. Dự kiến sau Tết Nguyên dán, Hội đồng khoa học và đạo đức y sinh học, Bộ Y tế sẽ họp đánh giá trước khi phê duyệt triển khai tiêm thử nghiệm giai đoạn 2”, đại diện Học viện cho biết.
Về sức khoẻ của các tình nguyện viên, Học viện Quân y cho biết, tất cả đều có sức khoẻ ổn định, không có phản ứng bất thường, chỉ một số ít có biểu hiện đau tại vị trí tiêm, kèm sốt nhẹ nhưng triệu chứng đều hết sau từ 1-2 ngày.
Nanocovax là vaccine phòng COVID-19 đầu tiên của Việt Nam thử nghiệm lâm sàng trên người. Đây cũng là vaccine phòng COVID-19 đầu tiên hoàn thiện quy trình nghiên cứu và đạt hiệu quả cao trong thử nghiệm lâm sàng, hứa hẹn sẽ là vaccine COVID-19 “made in Vietnam” đầu tiên đưa ra thị trường.
Nanocovax được nghiên cứu sản xuất bởi Công ty Nanogen và Học viện Quân y. Vaccine Nanocovax được phát triển theo công nghệ protein tái tổ hợp. Nhược điểm của vaccine này là vấn đề thời gian vì phải tạo dòng và chọn lọc trên tế bào.
Tuy nhiên, ưu điểm lớn nhất của Nanocovax là tạo đáp ứng miễn dịch tốt, độ an toàn cao, ít tác dụng phụ và có điều kiện bảo quản thuận lợi hơn so với các loại vaccine khác (2 – 8 độ C).
Ngoài Nanogen, Việt Nam còn 3 đơn vị khác tham gia vào công tác nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 là Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (Ivac), Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Polyvac).
Trong đó, vaccine của Ivac cũng sẽ thử nghiệm sau Tết, đánh giá lâm sàng khá tốt. Còn đối với vaccine của Vabiotech tới 1/3 sẽ thử nghiệm.
Giai đoạn 1, từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2021, 60 người, độ tuổi 18 – 50 được thử nghiệm tại Học viện Quân y (Hà Nội).
Giai đoạn 2, từ tháng 2/2021 đến tháng 8/2021, khoảng 400 – 6000 người, độ tuổi 12 – 75, tại Học viện Quân y, Viện Pastesur TP.HCM và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Giai đoạn 3, diễn ra từ 8/2021 đến tháng 2/2022, với 1.500 – 3.000 người, độ tuổi 12 – 75 tuổi, địa điểm sẽ cập nhật sau giai đoạn 2.
Tất cả những tình nguyện viên tham gia nghiên cứu sẽ được tiêm bắp 2 liều vaccine hoặc giả dược (với giai đoạn 2 và 3). Khoảng cách giữa 2 liều là 28 ngày. Thời gian nghiên cứu cho mỗi người khoảng 56 ngày để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên.
Theo Tạp chí SHTT và Sáng tạo – Thái An