Các trường đào tạo ngành du lịch – dịch vụ xác định năm 2021 sẽ gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh. Không như một cơn bão, Covid – 19 đã như một cơn sóng thần “quét” qua ngành du lịch và các cơ sở đào tạo.
Học viên Trung tâm Hướng nghiệp Á – Âu thực hành làm bánh.
Cơ hội đầu ra quyết định số lượng đầu vào
Kỳ tuyển sinh năm 2020, Trường CĐ Du lịch Đà Nẵng tuyển được gần 700 SV so với 600 chỉ tiêu được giao. Những năm trước đây, số lượng SV nhập học hàng năm dao động khoảng trên 900 so với 600 chỉ tiêu tuyển sinh.
Gần như công tác chiêu sinh của các trường đào tạo nghề du lịch, dịch vụ đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19. Như Trường CĐ Nghề Việt – Úc chỉ tuyển được 300 so với 800 chỉ tiêu, mảng đào tạo doanh nghiệp giảm chỉ còn 50% so với những năm trước đó.
Trường CĐ Nghề Việt – Úc đặt chỉ tiêu tuyển mới khoảng 450 SV trong đợt tuyển sinh 2021 này. Trung tâm Hướng nghiệp Á – Âu (chi nhánh Đà Nẵng) cũng có nhiều biến động về số lượng học viên trong năm 2020. Năm 2020, Trung tâm có 1500 học viên. Những năm trước đó, Trung tâm mở khoảng 200 khóa học/năm với tổng số học viên dao động từ 2500 – 2600 người.
Ngoài khó khăn trong tuyển sinh, kế hoạch đào tạo của các trường cũng bị ảnh hưởng. Đại diện Trung tâm Hướng nghiệp Á – Âu chia sẻ: “Với tình hình dịch phức tạp thì ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình thực tập của học viên. Đa số các nhà hàng, khách sạn đều cắt giảm nhân sự cũng như hạn chế nhân viên đi làm để đảm bảo giãn cách xã hội. Hầu như các kế hoạch thực tập của các đối tác đều bị pending hoặc cancel. Dẫn đến thời gian tìm kiếm đơn vị thực tập của học viên bị kéo dài, cũng như thiếu đơn vị thực tập”.
Như đoàn 260 SV của trường CĐ Du lịch Đà Nẵng đi thực tập tại Phú Quốc với thời gian dự kiến là 5 tháng nhưng chỉ mới chưa được 2 tháng đã phải quay về vì các khách sạn, resort đóng cửa.
Để hình thành kỹ năng nghề cho SV, Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng đã tổ chức cho SV thực hành – thực tập tại trường. Ngoài thực tập tại nhà hàng, SV còn triển khai các dự án khởi nghiệp dưới sự hướng dẫn của thầy cô, tự tổ chức các sự kiện.
Đối với SV ngành Quản trị Lữ hành và Hướng dẫn du lịch, SV khóa trên tự khảo sát, xây dựng tour và hướng dẫn cho SV khóa sau đi thực tế. Có thể là các tour đi trong ngày tại Đà Nẵng, Quảng Nam hoặc các tour từ 3-4 ngày.
SV Trường CĐ Du lịch Đà Nẵng thực hành tổ chức sự kiện ngay tại trường.
Thầy Nguyễn Tấn Khoa – Trưởng khoa Quản trị Lữ hành cho biết: “Với mô hình này, SV có cơ hội được trực tiếp làm việc nhiều hơn khi thực tập tại doanh nghiệp. GV hướng dẫn sát cánh cùng với SV nên “quy trình” của các em cũng chỉn chu hơn.
Khi thực tập tại doanh nghiệp, SV hầu hết chỉ đi phụ tour là chủ yếu chứ không thể tham gia hết tất cả các công đoạn được. Tuy nhiên, với việc thực tập tại trường thì kỹ năng xử lý tình huống của SV sẽ hạn chế”.
Trong “nguy” có “cơ”
Ông Nguyễn Duy Quang – Hiệu trưởng trường CD Du lịch Đà Nẵng cho biết: “Nhà trường xác định kỳ tuyển sinh năm 2021 này sẽ khó khăn hơn năm vừa qua. Phụ huynh đã nhìn thấy rõ ràng những tác động, ảnh hưởng của dịch Covid – 19 tới ngành du lịch – dịch vụ.
Tuy nhiên, trong tư vấn tuyển sinh và truyền thông, chúng tôi nhấn mạnh đến cơ hội việc làm bởi ít nhất cũng 2,5 năm nữa, khóa SV này mới tốt nghiệp ra trường. Thách thức là có nhưng cơ hội cũng có nhiều.
Những lao động trong ngành du lịch, từ nửa năm nay đã bắt đầu tìm việc mới. Một khi đã thay đổi ngành nghề, có sự ổn định rồi thì sẽ không quay trở lại nghề cũ. Lúc đó, nhân lực ngành du lịch sẽ thiếu”.
Ông Phạm Phúc Sinh – Hiệu trưởng trường CĐ Nghề Việt – Úc cũng xác định công tác chiêu sinh các ngành du lịch – dịch vụ năm 2021 sẽ khó khăn hơn. “Không ai đi học một ngành mà đầu ra của ngành đó đang bế tắc. Ngành du lịch chưa thể phục hồi như năm 2019. Chính vì vậy, nhân viên cấp thấp bắt đầu có sự thay đổi ngành nghề. Đây là tín hiệu cho thấy trong tương lai gần, thị trường lao động của ngành du lịch – dịch vụ sẽ thiếu nhân sự”.
Các doanh nghiệp du lịch, sau thời gian đầu khủng hoảng đã bắt đầu tái cơ cấu và xác định lại tệp khách hàng. Các gói sản phẩm phù hợp với khách du lịch nội địa sẽ được khai thác tối đa.
Ông Quang nhận định: “Thị trường khách quốc tế, nếu phục hồi tốt thì cũng phải đến năm 2022. Năm 2019, thị trường khách nội địa có khoảng 80 triệu lượt khách. Nếu khai thác tốt thị trường này thì ngành du lịch sẽ phục hồi tốt. Khách du lịch sẽ chuyển từ đi xa sang đi gần và đi “chớp nhoáng”.
Nếu đơn vị nào có những sản phẩm có tính chất trải nghiệm, phù hợp khách nhóm thì sẽ hút được khách”. Chính vì vậy, khách du lịch sẽ quay lại nhanh và đây là cơ hội cho các trường có đào tạo khối ngành du lịch – dịch vụ để đón đầu thị trường du lịch ở giai đoạn bình thường mới.
Theo Báo Giáo dục & Thời đại – Hà Nguyên