Đi lên từ nghề làm bánh truyền thống của gia đình, nhờ tư duy thức thời, sáng tạo cộng với áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, đến nay các sản phẩm của Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Bảo Minh đã có mặt trên khắp cả nước với nhiều sản phẩm chất lượng. Đặc biệt công ty có 4 mặt hàng tiềm năng OCOP 5 sao, góp phần nâng tầm giá trị những chiếc bánh dân gian, mộc mạc vươn ra thế giới.
Nghệ nhân Ngô Thị Tính, Giám đốc Công ty cổ phẩn bánh mứt kẹo Bảo Minh bên những sản phẩm đạt chuẩn OCOP của công ty – Ảnh: VGP/Thiện Tâm.
OCOP giúp sản phẩm truyền thống phát triển lâu dài
Việc được công nhận sản phẩm 4 sao và tiềm năng 5 sao trong chương trình OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020) của TP. Hà Nội là bước ngoặt lớn, giúp các sản phẩm của Công ty CP Bánh mứt kẹo Bảo Minh được cơ quan chức năng và người tiêu dùng cả nước biết tới.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, nghệ nhân Ngô Thị Tính, Giám đốc Công ty CP Bánh mứt kẹo Bảo Minh cho biết, doanh nghiệp Bảo Minh đã có mặt trên thị trường 32 năm.
Sản phẩm của Bảo Minh là những dòng bánh kẹo truyền thống và được áp dụng công nghệ hiện đại tiên tiến vào sản xuất. Vì vậy, hương vị của những chiếc bánh luôn giữ được “cốt xưa” nhưng có sự “cách tân”, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng hiện đại.
Để có thể tạo ra những chiếc bánh như vậy, Bảo Minh rất cẩn trọng, kỹ lưỡng ở tất cả các khâu, đặc biệt là tìm nguồn nguyên liệu sạch, an toàn từ thiên nhiên như các loại hạt ngũ cốc, rau củ quả… của các vùng Trung du, miền núi hay đồng bằng. Chính vì vậy, khi thưởng thức, thực khách sẽ cảm nhận được sự tinh tế, hòa quyện của đất trời, của núi rừng cây cỏ và cả tâm tình của người làm bánh.
“Trước đây, thời ông bà tôi chỉ sản xuất bánh theo phương thức thủ công truyền thống, mang đậm vị xưa và hồn cốt của cả một thế hệ. Nhưng cùng dòng chảy phát triển của thị trường, để một thương hiệu truyền thống tồn tại và phát triển, chúng tôi cũng luôn phải thay đổi từ công nghệ, bao bì hình thức sản phẩm cho đến chất lượng để tạo nên nét riêng biệt”, nghệ nhân Ngô Thị Tính cho biết.
Ví như bánh phu thê trước kia chỉ gói lá, nhưng Bảo Minh là đơn vị đầu tiên thực hiện gói loại bánh này bằng nylon. Sau đó Bảo Minh còn đưa tất cả các loại lá, rau củ thiên nhiên vào từng chiếc bánh như: Lá khoai môn, lá gai, tinh gấc hay lá dứa… Tất cả các vị này hòa quyện tạo thành một thứ bánh thơm ngon đã được cách tân nhưng vẫn rất thân thuộc của dòng bánh truyền thống dân tộc.
Hay dòng bánh đậu xanh của Bảo Minh không chỉ đơn thuần như bánh đậu xanh thông thường mà còn có thêm nhân trong bánh, vì vậy bánh có hương vị thơm ngon đặc trưng.
Với những nỗ lực và khát vọng không ngừng phát triển, sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Công ty Cổ phần Bánh mứt kẹo Bảo Minh đã nhận được rất nhiều “quả ngọt”, đặc biệt vinh dự là đơn vị có 4 sản phẩm tiềm năng OCOP 5 sao gồm: Bánh cốm, bánh cốm nhân sầu riêng, bánh phu thê và bánh pía.
Hiện Công ty đang có 2 nhà máy sản xuất bánh kẹo tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, có dây chuyền sản xuất hiện đại với 3 dòng sản phẩm chính: Bánh mứt kẹo truyền thống (bánh cốm, phu thê, bánh khảo…); bánh mứt kẹo cách tân (bánh bông nhài, bánh đậu xanh tươi…); bánh hiện đại (bánh Soggi, sandochi…) cung ứng cho chuỗi các siêu thị: BigC, Aeon, VinMart, Lotte, Co.opmart. Bên cạnh đó, các sản phẩm của Bảo Minh đã có mặt trên tất cả hệ thống siêu thị lớn nhỏ, siêu thị tiện ích trên khắp cả nước. Kể cả các kênh bên ngoài như kênh truyền thống, kênh nhà hàng khách sạn, tâm linh, du lịch… Đặc biệt, Bảo Minh đã có sản phẩm xuất khẩu sang New Zealand và Trung Quốc theo đường chính ngạch.
Mỗi sản phẩm OCOP là một “câu chuyện”.
Mỗi sản phẩm OCOP là một “câu chuyện”
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, các sản phẩm OCOP đều bắt nguồn và mang những nét truyền thống cộng đồng. Mỗi sản phẩm là một “câu chuyện”, thể hiện giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử và nét riêng của mỗi vùng miền vào đó.
Sản phẩm OCOP không chỉ mang lại các giá trị kinh tế, việc làm cho người lao động mà còn góp phần gìn giữ, truyền tải và phát huy các giá trị văn hóa đẹp đẽ đến với người tiêu dùng.
Việc đạt tiêu chuẩn OCOP là bước tiến quan trọng để sản phẩm nông nghiệp chứng minh và khẳng định chất lượng, thương hiệu; đây cũng là đích đến của nhiều chủ thể sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… hiện nay.
Chương trình OCOP được thực hiện theo QĐ số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP) giai đoạn 2018-2020. Kết quả được báo cáo tại hội nghị tổng kết Chương trình vào tháng 3/2020 cho thấy đã có 2.439 tổ chức kinh tế tham gia sản xuất sản phẩm OCOP được xếp hạng, trong đó khu vực kinh tế tư nhân chiếm 59%. Các tỉnh, thành phố đã đánh giá, công nhận 4.469 sản phẩm, vượt 1,86 lần so với mục tiêu, cho thấy sức sáng tạo và tích cực của nhân dân trong phát triển, đa dạng hóa sản phẩm OCOP. |
Theo Cổng TTĐT Chính phủ – Thiện Tâm