Nhiều doanh nghiệp xây dựng thương hiệu nhưng đợi đến lúc khai thác thương mại hiệu quả mới nghĩ đến việc đăng ký sở hữu trí tuệ. Lúc này, không ít trường hợp đáng tiếc xảy ra vì nhãn hiệu của doanh nghiệp đó đã được cấp văn bằng bảo hộ cho chủ thể khác.
Sở hữu trí tuệ (SHTT), trong đó có nhãn hiệu, là một loại tài sản quan trọng và có giá trị đối với mỗi doanh nghiệp. Dù hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực nào, doanh nghiệp cần quan tâm và ưu tiên đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam và quốc tế.
Việc tạo một hành lang pháp lý vững chắc trước khi đưa sản phẩm ra thị trường để tránh những rủi ro ảnh hưởng đến kinh doanh là điều mà doanh nghiệp cần lưu ý trước tiên.
Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp thường đặt bảo hộ nhãn hiệu ở khâu sau cùng khi sản phẩm đã phần nào thành công trên thị trường. Thậm chí, những thương hiệu đi lên từ quy mô nhỏ lẻ còn không quan tâm hoặc không biết đến bảo hộ nhãn hiệu.
Điều này dễ dẫn đến hệ luỵ là khi sản phẩm được đón nhận và phát triển mạnh thì lại gặp trục trặc trong khâu đăng ký bảo hộ do đã có chủ thể đăng ký trước.
Điển hình, những ngày qua, câu chuyện liên quan đến thương hiệu “Phở Thìn” một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tầm quan trọng của việc đăng ký nhãn hiệu.
Một cái tên, hai thương hiệu
“Phở Thìn” là thương hiệu nổi tiếng với người Hà Nội nói riêng và những người sành ẩm thực nói chung. Thế nhưng, có một sự thật thú vị là ở Hà Nội có đến 2 thương hiệu “Phở Thìn”, do 2 ông Thìn khác nhau sáng lập.
Phở Thìn Bờ Hồ được sáng lập từ khoảng năm 1955, do ông Bùi Chí Thìn (1928 – 2001) làm chủ. Sau khi ông Bùi Chí Thìn mất, quán được con cháu ông tiếp quản kinh doanh.
Vào năm 2019, Phở Thìn Bờ Hồ trở thành cái tên được lựa chọn để phục vụ cho 3.000 phóng viên quốc tế và trong nước trong dịp Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều.
Mặc dù chỉ có 1 cơ sở nhưng ngày từ rất sớm, gia đình của ông Bùi Chí Thìn đã quan tâm đến việc bảo hộ nhãn hiệu.
Cụ thể, vào tháng 11/2003, ông Bùi Chí Đạt (con trai ông Bùi Chí Thìn) đã nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Phở Thìn” ở nhóm 43 (dịch vụ ăn uống) và được cấp văn bằng bảo hộ vào tháng 3/2005.
Danh sách nhãn hiệu “Phở Thìn” của ông Nguyễn Trọng Thìn tại Cục Sở hữu trí tuệ đang ở trạng thái “đang giải quyết”. Ảnh chụp màn hình.
Tháng 11/2013, nhãn hiệu “Phở Thìn” do ông Bùi Chí Đạt là chủ đơn hết hạn. Tháng 12/2014, ông Bùi Chí Đạt lại nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Phở Thìn” và tiếp tục được cấp văn bằng bảo hộ vào tháng 3/2017 ở nhóm 43 (dịch vụ ăn uống). Thời gian bảo hộ đến tháng 12/2024 (có thể gia hạn tiếp sau khi hết thời gian bảo hộ).
Trong khi đó, Phở Thìn Lò Đúc ra đời muộn hơn Phở Thìn Bờ Hồ, do ông Nguyễn Trọng Thìn gây dựng từ một hàng phở nhỏ (từ năm 1979).
Cho tới nay, hàng phở này đã khá nổi tiếng và có cả cơ sở ở nước ngoài, nhưng việc đăng ký nhãn hiệu của ông Nguyễn Trọng Thìn lại chậm hơn.
Theo thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ, lần đầu tiên ông Nguyễn Trọng Thìn nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Phở Thìn” là vào tháng 4/2009 (trong khi ông Bùi Chí Đạt nộp đơn đăng ký năm 2003) và cũng ở nhóm 43 (dịch vụ ăn uống).
Tuy nhiên, Cục Sở hữu trí tuệ đã từ chối cấp văn bằng bảo hộ cho ông Nguyễn Trọng Thìn. Các năm sau, ông Nguyễn Trọng Thìn nhiều lần gửi đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu có chữ “Phở Thìn” cùng mẫu nhãn (logo) in hình ông ở nhóm 43 (dịch vụ ăn uống). Các đơn này hiện vẫn đang trong tình trạng chờ giải quyết.
Nhãn hiệu “Phở Thìn” của gia đình ông Bùi Chí Thìn (Phở Thìn Bờ Hồ) đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Ảnh chụp màn hình.
Được biết, hiện chỉ duy nhất một nhãn hiệu ở nhóm 43 (dịch vụ ăn uống) có logo in hình ông Nguyễn Trọng Thìn (không có chữ “Phở Thìn”) đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ vào tháng 1/2021. Chủ đơn là Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Phở Thìn Hà Nội.
Vào tháng 12/2021, ông Nguyễn Trọng Thìn đã có đơn gửi Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hiệu này. Sự việc được Cục Sở hữu trí tuệ lấy ý kiến các bên để xem xét.
Doanh nghiệp được gì khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trước?
Câu chuyện một tên gọi, hai thương hiệu của Phở Thìn Bờ Hồ và Phở Thìn Lò Đúc được xem là ví dụ điển hình về sự quan trọng của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sớm.
Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở Việt Nam tuân theo nguyên tắc ai đăng ký trước thì giành được quyền trước. Vì thế, các đơn đăng ký nhãn hiệu của ông Nguyễn Trọng Thìn bị từ chối hay kéo dài thời gian giải quyết, xem xét không có gì lạ, khi nhãn hiệu “Phở Thìn” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho ông Bùi Chí Đạt từ trước.
Cơ sở để Cục Sở hữu trí tuệ từ chối các đăng ký nộp sau có chứa dấu hiệu “Phở Thìn” (cụ thể là chữ viết) là dấu hiệu đăng ký không có khả năng phân biệt với dấu hiệu đã được cấp, căn cứ theo quy định tại điểm e khoản 2 điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Cụ thể là dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho phở và dịch vụ nhà hàng ăn uống.
Điều 74: Khả năng phân biệt của nhãn hiệu Khoản 2. Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Điểm e) Dấu hiệu không phải là nhãn hiệu liên kết trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; |
Từ đó có thể thấy, doanh nghiệp sớm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sẽ có nhiều lợi thế trong quá trình sản xuất, kinh doanh và phát triển thương hiệu.
Nhãn hiệu in hình ông Nguyễn Trọng Thìn cũng đã được cấp văn bằng bảo hộ cho Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Phở Thìn Hà Nội.
Đầu tiên, thông qua việc quảng bá hình ảnh, sản phẩm… đã bảo hộ, doanh nghiệp sẽ tạo dựng được uy tín và nhận được tín nhiệm của người tiêu dùng.
Qua đó, người tiêu dùng dễ dàng nhận biết, phân biệt sản phẩm của doanh nghiệp này với sản phẩm của các doanh nghiệp khác.
Thứ hai là lợi thế cạnh tranh, khi nhãn hiệu được bảo hộ thì chỉ doanh nghiệp đăng ký được độc quyền sử dụng. Các đối thủ cạnh tranh sẽ không được phép khai thác và sử dụng các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đang được bảo hộ khi không có sự cho phép của chủ sở hữu. Điều này có thể thấy rõ qua trường hợp “Phở Thìn”.
Thứ ba là lợi thế phòng thủ, sản phẩm sau khi được bảo hộ nhãn hiệu sẽ có tính phân biệt khi đưa ra thị trường. Nếu đối thủ cạnh tranh muốn “bình thường hóa” nhãn hiệu đó, doanh nghiệp hoàn toàn có thể sử dụng hàng rào pháp lý để bảo hộ cho thương hiệu của mình.
Thực tế, sau khi nhãn hiệu “Phở Thìn” được cấp cho gia đình ông Bùi Chí Thìn (Phở Thìn Bờ Hồ), đến hiện tại chưa có bất kỳ mẫu nhãn hiệu nào chứa dấu hiệu “Phở Thìn” (cụ thể là chữ viết) được cấp văn bằng bảo hộ, kể các nhóm sản phẩm, dịch vụ ngoài nhóm 43 (dịch vụ ăn uống).
Tiếp theo là lợi thế nâng cao giá trị doanh nghiệp và hưởng lợi về mặt tài chính từ việc thương mại hóa, cụ thể là nhượng quyền sở hữu trí tuệ.
Nhãn hiệu lúc đó sẽ là tài sản có giá trị của doanh nghiệp, có thể được chuyển giao hoặc chuyển nhượng, cấp phép hoặc nhượng quyền thương mại, tùy thuộc hoạt động thương mại hóa phù hợp.
Theo Tạp chí SHTT & Sáng tạo – Bình Tú