Từng có nguy cơ phá sản, Rạng Đông xây dựng hệ sinh thái kinh doanh mới, xem khách hàng là trọng tâm để phát triển thành doanh nghiệp nghìn tỷ.
Xây dựng hệ sinh thái riêng cho doanh nghiệp
Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng giám đốc Rạng Đông từng chia sẻ: “Khi triển khai chuyển đổi số, công nghệ không phải câu trả lời. Con người và sự chuyển đổi chính là yếu tố tiên quyết dẫn đến sự thành công”. Rạng Đông sớm nhận thức tầm quan trọng của chuyển đổi số và lựa chọn thay đổi. Những công nghệ tiên tiến được doanh nghiệp đưa vào trong vận hành, mang lại những con số khả quan về doanh thu.
Đại diện Rạng Đông (thứ hai từ trái) tham gia tọa đàm chuyển đổi số doanh nghiệp công nghiệp truyền thống. Ảnh: Rạng Đông.
Năm 2020, doanh thu của đơn vị tăng trưởng 15,6%. Năm 2021, con số này là 16%, lợi nhuận thực hiện tăng 18%, vốn chủ sở hữu tăng trên 28% so với cùng kỳ. Quý I/2022, tình hình đại dịch khu vực phía Bắc tương đối phức tạp, song doanh thu của Rạng đông vẫn ghi nhận cao hơn 16,3%, lợi nhuận thực hiện tăng 16,6% so với Quý I/2021.
Tiếp nối những thành tựu ấy, giai đoạn 2022 – 2023, Rạng Đông đề ra các yếu tố trọng tâm, đóng vai trò dẫn dắt chuyển đổi số để tiếp tục giữ vững phong độ ổn định về doanh thu, lợi nhuận, từng bước mở rộng không gian tăng trưởng.
Doanh nghiệp tập trung thực hiện mô hình kinh doanh lai – hybrid: làm mới mô hình kinh doanh truyền thống bằng công nghệ số; phát triển đa nền tảng, đa kênh và gia tăng trải nghiệm khách hàng.
Về công tác vận hành, phương pháp thiết lập mục tiêu và quản lý công việc vượt trội OKRs được ứng dụng trong các bộ phận khối bán hàng. Sáng kiến tổ chức các “đội xung kích – thực chiến” trở thành dòng chảy chính, giúp các bộ phận phối hợp chặt chẽ, đồng bộ tạo nên những tín hiệu tích cực và hiệu quả trong quá trình chuyển đổi.
Hệ thống Scada giúp Rạng Đông thu thập số liệu realtime trong quá trình sản xuất. Ảnh: Rạng Đông.
Đồng thời, dựa trên phân tích mô hình kinh doanh số (DBM), Rạng Đông dịch chuyển mô hình kinh doanh theo hai chiều, không bó hẹp theo ‘lối mòn’ của một nhà cung cấp sản xuất, bán sản phẩm thông qua đại lý, mà chú trọng đa dạng hóa các kênh, nền tảng, phát huy hiệu ứng mạng lưới và trải nghiệm khách hàng. Cùng với đó, doanh nghiệp định hướng trở thành nhà sản xuất module – cung cấp sản phẩm, dịch vụ giúp kết nối với các nền tảng của đối tác khác và có thể sử dụng ngay không qua cài đặt.
Đơn vị cũng phát triển hình thức tổ chức các nhóm dẫn đường, các start up trên các loại nền tảng do Rạng Đông làm chủ, nền tảng cộng sinh và nền tảng doanh nghiệp tham gia. Song song đó, doanh nghiệp này cũng xây dựng hệ thống truyền thông số đa kênh (Multi Channel) từng bước tiến tới hợp kênh (Omni Channel) đang dần đi vào nề nếp. Khi những mục tiêu trên được hiện thực hóa, doanh nghiệp sẽ hướng tới việc hoàn thiện mô hình hệ sinh thái kinh doanh.
Mô hình DMB của Rạng Đông.
Các đại lý, đối tác cũng được hưởng lợi trong quá trình này, thông qua việc mở rộng thương mại điện tử; cải thiện chất lượng truyền thông số; tổ chức các hội nghị khách hàng, hội nghị bán hàng trực tuyến.
Việc kết hợp O2O (từ trực tuyến đến trực tiếp) giúp quá trình chuyển từ B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) sang B2B2C (doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp đối tác phân phối, người tiêu dùng) và D2C (bán hàng trực tiếp đến người dùng cuối) từng bước được thực hiện, phát huy tối đa ưu thế kinh doanh, tối ưu dịch vụ, sản phẩm.
Chuyển dịch chuỗi giá trị trong chiến lược chuyển đổi số của Rạng Đông giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030.
Một yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển của Rạng Đông là hướng đến trải nghiệm khách hàng. Từ việc không biết hoặc biết rất ít thông tin từ người tiêu dùng, thông qua thương mại điện tử, trung tâm chăm sóc khách hàng, mạng xã hội và phương thức D2C, Rạng Đông hiểu được nhu cầu từ thị trường. Quá trình đó giúp doanh nghiệp tạo được lợi thế cạnh tranh mới, tạo ra thị trường ngách với ưu thế, thoát khỏi vùng “đại dương đỏ” vốn đã bão hòa.
Có thể nói, sự thành công của Rạng Đông là quá trình loại bỏ dần ưu thế từ kinh nghiệm, phương thức quản trị và mô hình kinh doanh cũ. Ông Nguyễn Đoàn Thăng cũng cho biết: “Trong tương lai, Rạng Đông sẽ tiếp tục nắm bắt xu hướng thị trường, kinh doanh trên nền tảng số riêng lẻ với hai loại hình: nền tảng Rạng Đông làm chủ và kết hợp với nền tảng của đối tác. Khi phát triển thành Hệ sinh thái kinh doanh, phát huy đầy đủ các hiệu ứng mạng lưới trực tiếp kết hợp với gián tiếp sẽ mở ra khả năng tăng trưởng lớn, phục vụ khách hàng một cách tối ưu hơn”.
(Nguồn: Rạng Đông)
* Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media.