Thứ Hai, 06/05/2024, 14:15

TP HCM: 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế và kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp

Xem thêm

Ngày 10/6/2021, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) thực hiện “mục tiêu kép”, UBND TP HCM đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ trực tuyến giữa lãnh đạo và DN bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Tại hội nghị này, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM đưa ra 3 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế xã hội với điều kiện Việt Nam sẽ có vắc xin trong năm 2021 và triển khai tiêm trong năm 2021 đến quý I/2022, đồng thời xác định vắc xin là một trong những chìa khóa của sự phục hồi kinh tế.

Toàn cảnh hội nghị gặp gỡ trực tuyến giữa lãnh đạo TP và Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Huyền Mai.

Kịch bản tăng trưởng kinh tế trong điều kiện có vắc xin

Với kịch bản tăng trưởng kinh tế thấp, trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát và đến tháng 8/2021 mới có thể khống chế dịch bệnh, việc đi lại trên thế giới chưa phục hồi hoàn toàn, thị trường chứng khoán và bất động sản có xu hướng chuyển biến tích cực…, dự báo tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm 2021 của TP HCM sẽ tăng 5,02% và cả năm 2021 sẽ tăng 4,9% so với cùng kỳ.

Với kịch bản trung bình, trong điều kiện dịch bùng phát và đến tháng 7/2021 kiểm soát được dịch bệnh, hoạt động SXKD vẫn duy trì trong trạng thái phục hồi nhưng chưa nhanh, các DN chủ động được một phần nguyên liệu, TP HCM có khả năng nối lại một số đường bay quốc tế và kích cầu du lịch nội địa…, dự báo tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm 2021 của TP HCM sẽ tăng 5,26% và cả năm 2021 sẽ tăng 5,53% so với cùng kỳ.

Cuối cùng là kịch bản cao, trong điều kiện khống chế được dịch bệnh trong quý II/2021. Song song đó, tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện hiệu quả các giải pháp an sinh xã hội; các DN chủ động được nguồn nguyên liệu, khả năng nối lại du lịch với một số quốc gia; các quốc gia trên thế giới dần kiểm soát được dịch bệnh, nền kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh, dự báo tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm 2021 của TP HCM sẽ tăng 5,74% và cả năm 2021 sẽ tăng 6,37% so với cùng kỳ.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP cũng cho biết, kinh tế trong 5 tháng đầu năm có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng, tổng thu NSNN đạt khoảng 174.608 tỷ đồng, đạt 47,85% dự toán, tăng 22,8% so với cùng kỳ; tuy nhiên, dưới tác động và ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, DN đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, chính quyền TP HCM đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, kịp thời động viên DN và người dân như: gia hạn thuế và tiền thuê đất cho các DN, tổ chức, các hộ gia đình, cá nhân (đã giải quyết 1.542 hồ sơ hoàn thuế GTGT cho DN với số tiền hoàn hơn 9.103 tỷ đồng); triển khai hỗ trợ tín dụng cho 254.550 khách hàng với số tiền 794.625 tỷ đồng; giảm tiền điện cho hơn 2,39 triệu khách hàng với tổng số tiền hỗ trợ 1.086,5 tỷ đồng; miễn 100% tiền sử dụng nước sạch cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, các khu cách ly tập trung trên địa bàn…; bên cạnh đó, TP HCM cũng đã đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 để hỗ trợ hoạt động của DN…

Đề xuất cho doanh nghiệp tiếp cận và mua vắc xin

Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP, kết quả khảo sát nhanh có 80/100 DN nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh; trong đó, thiếu vốn kinh doanh chiếm 90%, thị trường bị thu hẹp chiếm 80%, phải cắt giảm lao động chiếm khoảng 52%, bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội chiếm khoảng 50%…

Hiện nay, các DN đang nỗ lực khắc phục khó khăn bằng việc cấu trúc lại DN, chuyển đổi công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, liên kết DN…

Trong tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các DN bày tỏ đồng tình với các nhóm giải pháp TP đề ra và tiếp tục đề xuất ban hành gói hỗ trợ riêng của thành phố, trong đó quan tâm đến vấn đề giảm, giãn lãi suất, khuyến khích ngân hàng cho vay tín chấp nhằm giúp DN vượt qua khó khăn; xem xét giảm chi phí sản xuất cho DN như: điện, nước, phí cảng biển, vận chuyển…; hỗ trợ kinh phí về đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho công nhân, người lao động thất nghiệp.

Cùng với đó, DN đề xuất chính quyền Thành phố có cơ chế, kế hoạch và lộ trình cụ thể về chương trình tiêm vắc xin cho đối tượng là công nhân, người lao động; tạo điều kiện và hướng dẫn cho DN có đủ điều kiện được tiếp cận và mua vắc xin cho người lao động tại DN.

Theo Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, vắc xin là một trong những chìa khóa của sự phục hồi.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM ghi nhận các ý kiến, đề xuất, hiến kế của DN và nhìn nhận đó là cơ sở để TP hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư, cùng DN thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”.

Trên tinh thần đoàn kết, hỗ trợ cùng vượt qua khó khăn, Lãnh đạo TP HCM cảm ơn sự ủng hộ của cộng đồng DN, nhà hảo tâm, tổ chức và cá nhân trên địa bàn vào Quỹ vắc xin của TP. Hiện nay, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP đang triển khai kế hoạch mua vắc xin cho TP theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Mục tiêu là tiêm vắc xin cho toàn bộ người dân TP HCM. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung vắc xin khan hiếm nên việc tiêm vắc xin phải có lộ trình, ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và các nhóm nguy cơ cao. Trước mắt, đề nghị các DN tiếp tục nghiêm túc thực hiện yêu cầu 5K và Bộ tiêu chí an toàn trong SXKD đã được TP HCM ban hành.

Vương Thị Hường 

(Nguồn ảnh: Trung tâm Báo chí TP HCM)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

* Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media.

Bài viết mới