Thứ Hai, 29/04/2024, 10:50

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ về tài khóa; khẩn trương vận hành sàn giao dịch TPDN trong tháng 7/2023

Xem thêm

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh điều này khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Sơ kết công tác Tài chính – Ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ Tài chính tổ chức ngày 13/7.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị Sơ kết công tác Tài chính – Ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ Tài chính. Ảnh VGP/Quang Thương.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Chủ tịch UBND TP. Hà Nội; các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và sự tham dự của phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí. Tại điểm cầu 62 tỉnh có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan tài chính địa phương.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân

Sau nghi nghe báo cáo và các ý kiến tham luận, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái điểm lại bối cảnh tình hình thế giới, trong nước và cho rằng, trong 6 tháng đầu năm, các bộ ngành trong đó có ngành tài chính đã chủ động, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ Tài chính đã tập trung, chú trọng xây dựng, hoàn thiện thể chế, với khối lượng công việc tương đối lớn. Cụ thể, Bộ đã trình Chính phủ 24 Nghị định (đã ban hành 9 trên tổng số 44 Nghị định của Chính phủ đã ban hành từ đầu năm, chiếm 20,4%); ban hành 39 trên tổng số 168 thông tư của các bộ ban hành từ đầu năm, chiếm 23%.

Dù số lượng văn bản nhiều, áp lực công việc rất lớn, song Bộ Tài chính vẫn đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong lĩnh vực tài chính – ngân sách nhà nước.

Trong đó có nhiều chính sách tác động lớn đến nền kinh tế đã phát huy hiệu quả tích cực (đến thời điểm này đã miễn, giảm, gia hạn trên 70 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí và tiền thuê đất), kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân và kiểm soát lạm phát, như: giảm thuế bảo vệ môi trường các mặt hàng xăng dầu, giảm thuế giá trị gia tăng, giảm tiền thuê đất, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất… góp phần tiết giảm chi phí, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Phó Thủ tướng, mặc dù kinh tế còn khó khăn, phải thực hiện miễn giảm nhiều loại thuế, phí, song Bộ Tài chính cũng đã phấn đấu quyết liệt với nhiều biện pháp nghiệp vụ cụ thể để phấn đấu thu đạt yêu cầu dự toán (6 tháng thu được 54% dự toán, phấn đấu cả năm đạt dự toán); giữ vững cân đối ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, chi ngân sách nhà nước được kiểm soát chặt chẽ, đáp ứng nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện và dự toán được giao của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Khôi phục niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm

Trước bối cảnh thu ngân sách nhà nước khó khăn, giải ngân chậm, yêu cầu phải đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công Bộ Tài chính đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP, trong đó yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương cắt giảm những khoản chi ngân sách trung ương đã được giao trong dự toán đầu năm nhưng đến ngày 30/6/2023 chưa phân bổ.

Bộ cũng đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý các vấn đề phát sinh như bố trí kinh phí mua vaccine chương trình tiêm chủng mở rộng. Tích cực phối hợp và tham gia đôn đốc giải ngân đầu tư công (tỷ lệ giải ngân đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn 43,4% so với cùng kỳ).

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng tiếp tục kiểm soát tốt nợ công, tiếp tục tái cơ cấu theo hướng an toàn, bền vững và tăng cường kỷ cương kỷ luật tài chính.

Tích cực, kịp thời có giải pháp và điều hành giá cả, thị trường phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, kiểm soát lạm phát, ổn định đời sống của người dân.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quản lý nhà nước, khôi phục niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm. Thị trường chứng khoán đã khôi phục tăng trưởng trở lại 6 tháng đầu năm…

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Tài chính tập trung xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề cấp bách; phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu đề ra. Ảnh VGP/Quang Thương.

Kịp thời xử lý hiệu quả những vấn đề cấp bách; phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu đề ra

Theo Phó Thủ tướng, trong các tháng tới dự báo tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là các ảnh hưởng từ môi trường quốc tế, áp lực kiểm soát lạm phát gia tăng, rủi ro về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường,… ảnh hưởng lớn tới việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của cả năm, trong đó có mục tiêu ngành Tài chính.

Để hoàn thành và hoàn thành mức tăng trưởng kinh tế năm 2023 (6,5%), kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, cần sự nỗ lực, phấn đấu rất lớn của các Bộ, ngành và địa phương, trong đó có nỗ lực của ngành Tài chính.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính cần tiếp tục cập nhật phương án, kịch bản điều hành, có bước đi cụ thể trong thời gian còn lại của năm.

Tập trung xử lý hiệu quả những nhiệm vụ cấp bách; dành thêm thời gian tham gia ý kiến góp ý với các chính sách đối với bộ ngành… để tham mưu kịp thời cho Chính phủ xử lý các vấn đề đặt ra.

Các Bộ, ngành và địa phương cũng phải đề cao quyết tâm, cùng góp sức, cùng phối hợp chặt chẽ ngành Tài chính, thực hiện nhất quán phương châm điều hành của Chính phủ, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 đã đề ra.

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp về tài khóa để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Ảnh VGP/Quang Thương.

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài khóa

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thu, chi ngân sách nhà nước; cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Chính phủ.

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài khóa nhưng không ảnh hưởng đến an toàn nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia gắn với sử dụng vốn có hiệu quả.

Sớm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu của OECD; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định giảm 30% tiền thuê đất của năm 2023.

Tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách tài khóa đã ban hành, nhất là chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế;…

Cố gắng thu phải cân đối được chi

Bộ Tài chính cần quyết liệt thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước, kiểm soát chặt chẽ, bội chi theo dự toán Quốc hội quyết định. “Cố gắng thu phải cân đối được chi”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tiếp tục kiểm soát nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép, các nghĩa vụ trả nợ dự phòng của ngân sách nhà nước, nợ chính quyền địa phương, đảm bảo uy tín quốc gia, an ninh tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Thực hiện phát hành trái phiếu Chính phủ phù hợp với tiến độ thu, chi và giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả nhất.

Triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp, giải pháp về quản lý, điều hành giá, bình ổn giá cả, thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu do nhà nước định giá; chú trọng công tác thông tin, truyền thông nhằm đưa thông tin kịp thời, minh bạch, góp phần tạo đồng thuận xã hội đối với công tác điều hành giá, ổn định tâm lý người tiêu dùng.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Khẩn trương vận hành sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 7/2023.

Khẩn trương vận hành sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 7/2023

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương xử lý thực chất, hiệu quả những tồn tại, bất cập của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm và thị trường chứng khoán.

Tiếp tục nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính trong lĩnh vực tài chính công. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí. Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là về quản lý, kiểm tra chuyên ngành để giảm chi phí, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp, đẩy nhanh việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp và người dân.

Khẩn trương vận hành sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 7/2023.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Tài chính cần tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, nhất là trong quản lý hóa đơn điện tử, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ – Trần Mạnh

 

 

 

 

 

Bài viết mới