Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ 3 đột phá chiến lược, trong đó hàng đầu là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công – tư.
Vấn đề phát triển kinh tế tư nhân luôn được Đảng ta quan tâm trong thời gian qua. GS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội đã trao đổi với Trang tin Điện tử Đảng bộ TPHCM về vấn đề này.
GS Võ Đại Lược.
* Phóng viên: Một trong những điều GS tâm huyết nhất trong thời gian qua là phát triển kinh tế tư nhân?
– GS Võ Đại Lược: Đất nước của chúng ta đang phát triển trong bối cảnh quốc tế cũng như trong nước có rất nhiều thay đổi. Chúng ta cũng đã đổi mới được 35 năm, thế giới hiện nay đối diện với rất nhiều diễn biến mới và phức tạp, như xung đột Mỹ – Trung, đại dịch Covid-19, sự biến đổi khí hậu toàn cầu…
Với những tình hình mới như vậy, đòi hỏi phải đưa ra được những ý tưởng mới, những quan điểm phát triển mới, những giải pháp mới để ứng phó với tình hình mới xuất hiện.
Chúng ta vẫn giữ kinh tế Nhà nước, vẫn rất coi trọng kinh tế quốc doanh, vẫn xem kinh tế tư nhân là động lực quan trọng… Chúng ta đã có Nghị quyết, đồng chí Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần khẳng định xem trọng kinh tế tư nhân.
Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân chiếm đến trên 40% GDP, nhưng doanh nghiệp (DN) tư nhân là quan trọng nhất chỉ chiếm có dưới 10% GDP. Trong nền kinh tế thị trường, DN tư nhân mới là quan trọng, thậm chí phải là quan trọng nhất.
Muốn phát triển kinh tế thị trường, cạnh tranh được quốc tế, cần phải xem trọng DN tư nhân. Bởi vì kinh tế gia đình, cá thể chỉ có một phần rất quan trọng là giải quyết việc làm, ổn định đời sống, còn nền kinh tế muốn phát triển bứt phá vươn lên thì phải dựa vào DN tư nhân, nhưng hiện đấy lại là khu vực yếu nhất. Cần khẳng định Đảng, Nhà nước coi trọng và khuyến khích mạnh mẽ khu vực DN tư nhân Việt Nam phát triển và bứt phá.
* Vậy theo GS, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước cần phải thay đổi như thế nào để cho kinh tế tư nhân phát triển?
– Hiện nếu tính cho biết tỷ trọng GDP của đất nước thì khu vực DN Nhà nước (DNNN) chiếm đến 28% GDP, nhưng nếu kể cả các ngân hàng nhà nước thì phải chiếm đến 34%; DN nước ngoài khoảng 18% GDP; DN tư nhân chỉ chiếm dưới 10% GDP thôi. Chúng ta đang ưu đãi hàng đầu là DNNN, tiếp đến là DN đầu tư nước ngoài, còn DN trong nước chưa được ưu đãi nhiều. Tôi cho rằng chúng ta phải điều chỉnh chính sách. Nghị quyết của Đảng đã khẳng định không phân biệt đối xử, nhưng thực tiễn vẫn còn sự phân biệt đối xử rất rõ ràng, các rào cản đối với DN tư nhân là rất lớn. Đó là một vấn đề mà chúng ta phải tháo gỡ.
Khu vực DNNN phải cổ phần hóa, nhưng không phải cổ phần hóa theo kiểu bán cho các nhà đầu tư nước ngoài, mà phải cổ phần hóa theo kiểu liên doanh với các DN tư nhân trong nước của Việt Nam, và dần dần chuyển cổ phần cho DN tư nhân, chuyển phải đến mức mà DN tư nhân họ có quyền quản trị DN đó.
Hiện nay, chúng ta cổ phần hóa chỉ có 15%-20%, nghĩa là chúng ta lại thu hút vốn của tư nhân vào để DNNN quản trị và quản lý, như vậy thà không cổ phần hóa. Nếu chúng ta cổ phần hóa theo hướng bán cho nhà đầu tư nước ngoài thì còn tệ hơn. Điều đó chỉ khiến nền kinh tế ngày càng suy yếu. Nên phải thay đổi chính sách, hiện nay các chính sách của chúng ta chưa đạt được, và vấn đề lớn nhất là về quản trị của DNNN, phải đổi mới.
Tôi cho rằng, DNNN cần tồn tại, nước nào cũng có cả, nhưng vấn đề là phạm vi của họ đến đâu, ở những lĩnh vực nào. Hiện nay thì DNNN của chúng ta làm đến cả trồng cao su, cả bách hóa tổng hợp Hà Nội vẫn tồn tại.
Rất nhiều lĩnh vực mà Nhà nước hoàn toàn không cần nắm nhưng vẫn nắm, còn có cả khách sạn của Nhà nước. Nghị quyết đã có rồi, Nhà nước không nên giữ những lĩnh vực không cần giữ, nhưng trên thực tế thì chính quyền các cấp vẫn duy trì những lĩnh vực mà DNNN không cần giữ.
* Xin GS cho biết cần phải có sự đổi mới về thể chế như thế nào để kinh tế thực sự phát triển?
– Công cuộc đổi mới kinh tế của chúng ta đến nay là 35 năm. Chúng ta đã đổi mới rất mạnh mẽ, đã chuyển sang kinh tế thị trường, đã mở cửa hội nhập quốc tế và những thành tựu mang lại là hết sức to lớn. Tuy nhiên, khi đổi mới kinh tế đến mức độ nào đó thì đòi hỏi chính trị phải đổi mới phù hợp.
Đời sống diễn ra hàng ngày, nên nếu chúng ta dừng lại thì sẽ lạc hậu, thoái hóa. Ví dụ đổi mới kinh tế thị trường, trước đây kinh tế Nhà nước chủ đạo, quốc doanh rất quan trọng, giữ tỷ trọng chi phối một số ngành, lĩnh vực là phù hợp, nhưng đến nay cạnh tranh quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã ký 12 hiệp định thương mại tự do (FTA), mà DN tư nhân có 10% GDP thì làm sao mà đua tranh được với thế giới.
Cho nên, DNNN phải thu hẹp lại, tất cả những lĩnh vực gì Nhà nước không cần nắm thì phải nhường cho tư nhân. Nhà nước phải nắm lĩnh vực trồng cao su làm gì; bách hóa Hà Nội giờ chỉ cho thuê cửa hàng thì tại sao Nhà nước vẫn nắm? Như vậy, về mặt kinh tế cũng phải tiếp tục đổi mới, định hướng của chúng ta là hiện đại hóa nền kinh tế.
Có một vấn đề rất lớn hiện nay là quyền lực chưa được kiểm soát, xin-cho vẫn là một cơ chế rất phổ biến. Chỉ 2 điểm đó thôi đã dẫn đến tham nhũng, lãng phí, nhiều cán bộ bị tha hóa. Bây giờ phải làm sao để có thể kiểm soát được quyền lực, làm sao giảm bớt cơ chế xin-cho. Nếu chúng ta làm được việc đó thì sẽ tác động rất tốt đến kinh tế. Bây giờ cứ cho đấu thầu công khai, không ai phải xin xỏ ai, phải áp dụng cơ chế thị trường.
* Xin cảm ơn GS!