Thứ Ba, 17/09/2024, 19:17

Thị trường tiền ảo tuần qua: Đồng loạt khởi sắc

Xem thêm

Thị trường tiền ảo đồng loạt khởi sắc trong tuần qua, trong đó Bitcoin vượt mốc 30,000 USD lần đầu tiên kể từ tháng 6/2022.

Tính tới sáng ngày 15/4, giá đồng tiền ảo lớn nhất thế giới đang dao động quanh 30,400 USD, tăng gần 9% so với cuối tuần trước.

Đồng tiền ảo lớn thứ hai, Ethereum tăng 12% lên 2,084 USD. Các đồng tiền khác trong top 10 cũng leo dốc mạnh mẽ trong tuần qua, với Cardano tăng 13%, Solana vọt gần 20%, Dogecoin tăng 6%, còn Polygon tiến 4%.

Nguồn: CoinMarketCap.

Bitcoin tăng hơn 80% so với đầu năm

So với đầu năm, Bitcoin đã tăng hơn 80%. Đà leo dốc của Bitcoin thậm chí còn mạnh hơn cả mức tăng gần 20% của chỉ số Nasdaq 100 – vốn thường dịch chuyển cùng chiều với Bitcoin – và giúp đồng tiền ảo lớn nhất thế giới lấy lại một phần đã mất trong năm 2022. Dù vậy, Bitcoin vẫn còn thấp hơn 50% so với mức đỉnh.

“30,000 USD là mốc rất quan trọng cả về khía cạnh kỹ thuật lẫn cơ bản. Mức kháng cự được hình thành trong 3 tuần liên tiếp và cuối cùng đã bị phá vỡ.

Đây là lần đầu tiên Bitcoin vượt qua mức đó kể từ vụ sụp đổ của Terra/LUNA và Three Arrows Capital. Giá cũng đã phục hồi hoàn toàn từ sự cố Celsius, FTX hay cuộc đàn áp của giới chức Mỹ”, Mati Greenspan, Giám đốc điều hành Quantum Economics, cho biết.

Đà tăng của Bitcoin diễn ra trong bối cảnh ngành tiền ảo vẫn đang đối mặt với sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức trách.

Sàn giao dịch tiền ảo Coinbase cho biết họ nhận được thông báo từ Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC), trong đó nói rõ ý định thực hiện hành động cưỡng chế.

SEC đã kiện ông trùm tiền ảo Justin Sun vì cáo buộc vi phạm quy định chứng khoán. Ở một diễn biến khác, Ủy ban Giao dịch Hợp đồng tương lai Hàng hóa Mỹ (CFTC) đã kiện nhà sáng lập Binance Changpeng Zhao và cả sàn giao dịch Binance vì vi phạm quy định về các sản phẩm phái sinh.

Ngoài ra, đà tăng bứt phá diễn ra sau khi 3 ngân hàng Mỹ sụp đổ. Sự vụ của các ngân hàng Mỹ khơi gợi lại quan điểm cho rằng tiền ảo mang lại sự thay thế hấp dẫn hơn so với tài chính truyền thống.

Lạm phát Mỹ hạ nhiệt

Trong tháng 3/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0.1% so với tháng trước và tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, các chuyên gia kỳ vọng CPI tăng 0.2% so với tháng trước và 5.1% so với cùng kỳ.

Loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 0.4% so với tháng trước và 5.6% so với cùng kỳ, đều khớp với dự báo.

Một thước đo khác về lạm phát cũng hạ nhiệt. Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 3 đã giảm 0.5% so với tháng trước. Loại trừ thực phẩm và năng lượng, chỉ số PPI lõi giảm 0.1% so với tháng trước, trái với kỳ vọng tăng 0.2% từ các chuyên gia kinh tế.

Lạm phát hạ nhiệt cũng củng cố cho niềm tin Fed sẽ sớm kết thúc quá trình nâng lãi suất và chuyển sang nới lỏng chính sách.

“Khi nền kinh tế giảm tốc, CPI sẽ hạ nhiệt thêm và có thể về gần mục tiêu dài hạn 2% của Fed”, Roach cho biết. “Thị trường nhiều khả năng sẽ phản ứng tích cực với báo cáo này và sẽ càng củng cố cho quan điểm Fed sẽ nâng lãi suất lần cuối cùng tại cuộc họp tháng 5”.

Trong năm qua, Fed đã nâng lãi suất thêm 4.75 điểm phần trăm, đây là nhịp độ thắt chặt chính sách nhanh nhất kể từ thập niên 80.

Lúc đầu, các quan chức xem lạm phát tăng là hiện tượng tạm thời và kỳ vọng chúng sẽ giảm khi các yếu tố liên quan tới dịch bệnh biến mất. Tuy nhiên, lạm phát sau đó tăng mạnh và kéo dài, buộc Fed phải gấp rút nâng lãi suất.

Theo vietstock.vn – Vũ Hạo

 

 

Bài viết mới