Sản phẩm thẻ tín dụng hiện nay của ngân hàng vẫn tập trung vào thị hiếu, thói quen, hành vi của nhóm khách hàng cao cấp, chưa khớp với hành vi, tư duy, nhận thức của nhóm khách hàng còn lại.
“Thẻ nội địa ở Việt Nam trong 5 năm vừa qua đã có sự phát triển vượt bậc. Tính đến nay, hơn 100 triệu thẻ nội địa được phát hành, lưu hành và được người dân sử dụng để thanh toán, rút tiền ATM tại hơn 20.000 điểm”.
Đây là con số được ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) cung cấp tại cuộc đối thoại “Phát triển thẻ tín dụng nội địa: Con đường tiếp cận tài chính toàn diện” mới đây.
Theo đó, trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng của số lượng giao dịch chi tiêu qua thẻ đạt 45%, tăng trưởng giá trị giao dịch đạt 40%. Xét về giao dịch trực tuyến, con số này là 87% về số lượng và 107% về giá trị giao dịch.
“Những con số này cho thấy, người dân đã biết sử dụng thẻ nội địa không chỉ để ra ATM rút tiền mà còn dùng để chi tiêu”, ông Nguyễn Đăng Hùng cho biết.
Để phát triển mạnh thẻ tín dụng nội địa, hiện Napas đã hợp tác cùng các tổ chức phát hành thẻ, đặc biệt là ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng để đưa ra sản phẩm thẻ tín dụng nội địa dựa trên nền tảng thẻ chip. Tính đến nay, sau gần 1 năm phát triển, Napas đã ghi nhận 600.000 thẻ được phát hành.
Ông Nguyễn Đăng Hùng đánh giá đây không phải con số lớn, nhưng trong điều kiện Covid-19 và quy trình phát hành thẻ tín dụng nội địa yêu cầu người dân phải trực tiếp đến tổ chức phát hành để đăng ký và nhận thẻ, con số 600.000 ở trên được cho là đáng được ghi nhận.
Ông Hồ Minh Tâm, Tổng giám đốc Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit) nhận định rằng dư địa để phát triển sản phẩm thẻ tín dụng nội địa và chiếm được thị phần là rất lớn.
Theo đó, VietCredit chọn thẻ tín dụng nội địa là sản phẩm chủ lực. Lãnh đạo công ty này cho biết, người tiêu dùng sở hữu thẻ tín dụng tại Việt Nam chỉ chiếm 4% dân số, bao gồm cả thẻ tín dụng quốc tế. Trong khi đó tại Thái Lan, con số này là 10%, tại Malaysia là 21%, Trung Quốc là 21%, Singapore là 49%, Đài Loan là 54% và Nhật Bản là 68%.
Ông Hồ Minh Tâm tiết lộ 3 nguyên nhân khiến thẻ tín dụng ở Việt Nam, đặc biệt là thẻ nội địa vẫn chưa được phổ cập.
Thứ nhất, các sản phẩm thẻ tín dụng quốc tế tại ngân hàng ở Việt Nam đã ra đời hơn 20 năm, bản thân các ngân hàng đã có nhiều kinh nghiệm trong việc phát hành thẻ quốc tế. Tuy nhiên, đại đa số các ngân hàng vẫn tập trung vào phân khúc khách hàng có thu nhập cao ở các khu đô thị lớn.
“Các ngân hàng đang bỏ qua một số lượng khách hàng tiềm năng rất lớn, là những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp”, lãnh đạo VietCredit cho biết.
Thứ hai, các sản phẩm thẻ tín dụng hiện nay của ngân hàng vẫn tập trung vào thị hiếu, thói quen, hành vi của nhóm khách hàng cao cấp, chưa khớp với hành vi, tư duy, nhận thức của nhóm khách hàng còn lại.
“Đâu đó các sản phẩm thẻ của ngân hàng hiện không phải một chiếc áo vừa với nhóm khách hàng có thu nhập trung bình và thấp, vẫn là một chiếc áo quá rộng, quá “luxury” với những khách hàng còn lại”, ông Tâm cho biết.
Thứ ba là mạng lưới các điểm thanh toán. Trước đây, mạng lưới các điểm thanh toán rất hạn chế, tập trung ở khu vực đô thị, khu vực thị xã, các thành phố lớn. Tuy nhiên, việc thương mại điện tử ra đời cách đây 5-6 năm và phát triển nhanh chóng trong thời gian gần đây đã xóa đi điểm yếu mạng lưới thanh toán.
Theo đó, thương mại điện tử giúp người tiêu dùng có thể thực hiện các giao dịch mua hàng hóa mà không cần phụ thuộc vào mạng lưới máy POS, máy quẹt thẻ.
“Sự phát triển vũ bão của thương mại điện tử là một bước ngoặt, tạo nên một nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt chưa từng thấy và chưa nhận diện được”, ông Hồ Minh Tâm cho biết.
Theo vietnamfinance.vn – Hải Đường