Tuỳ theo số tiền bị chiếm giữ trái phép, người sử dụng tiền do người khác chuyển nhầm có thể bị xử phạt hành chính 3-5 triệu đồng, truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ 2 năm, phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm…
Ảnh minh hoạ.
Thanh toán không dùng tiền mặt lên ngôi trong đó chuyển khoản qua ngân hàng là một trong những giao dịch không tiền mặt phổ biến nhất.
Tuy nhiên, đi cùng với sự thuận tiện thì cũng có nhiều rắc rối xảy ra xung quanh hình thức thanh toán này, một trong số đó là việc chuyển khoản nhầm đối tượng.
Khả năng lấy lại tiền khi chuyển khoản qua ngân hàng nhầm đối tượng là vấn đề được nhiều người tiêu dùng quan tâm. Theo phản ánh, nhiều người đã tìm đến ngân hàng để giải quyết sự việc sau khi thực hiện chuyển khoản nhầm đối tượng nhưng hầu hết đều không thể lấy lại khoản tiền đó.
Công an quận Bình Tân (TP. HCM) trong năm vừa qua đã tiếp nhận đơn và điều tra vụ việc của anh Lê Như Luận tố cáo một cá nhân về hành vi “chiếm giữ tài sản trái phép” khi được chuyển nhầm tiền qua tài khoản ngân hàng.
Theo đơn tố cáo, anh Lê Như Luận cho biết đã chuyển khoản nhầm số tài khoản 3,5 tỷ đồng vào tháng 3/2020. Sau khi phát hiện ra sự việc nhầm lẫn, anh Luận đã liên hệ với ngân hàng và liên hệ với người được chuyển khoản số tiền trên để đề nghị trả lại, tuy nhiên không có kết quả.
Cũng trong năm vừa qua, Công an quận 7 (TP. HCM) đã quyết định khởi tố vụ vụ án hình sự “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo tin tố giác tội phạm của chị Phan Thị Quế Hương (phường 1, quận 8, TP. HCM).
Theo đó, chị Hương cho biết đã chuyển số tiền gần 17 triệu đồng nhầm qua ngân hàng của một người tên T. Dù đã liên hệ và xin được nhận lại số tiền chuyển nhầm nhưng người tên T không trả.
Sau khi các vụ việc trên được phản ánh trên báo giới cũng như mạng xã hội, nhiều người đã chia sẻ câu chuyện tương tự khi chuyển khoản nhầm và không thể lấy lại tiền.
Trước tình trạng này, Bộ Công an cho biết khi một người nhận được tiền do người khác chuyển nhầm vào tài khoản của mình (được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật, làm cho người khác bị thiệt hại) thì người đó phải có nghĩa vụ hoàn trả lại toàn bộ số tiền đó theo quy định tại Điều 579, 580 Bộ luật Dân sự 2015.
Trường hợp không biết thông tin người chuyển nhầm tiền thì phải giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Việc không trả lại số tiền chuyển nhầm, rút tiền để sử dụng bị coi là chiếm giữ tài sản của người khác và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, theo điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội: Nếu có hành vi sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác sẽ bị xử phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng.
Điểm b khoản 4 Điều này cũng quy định người chiếm giữ buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi này.
Theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 về Tội chiếm giữ trái phép tài sản nếu số tiền bị chiếm giữ trái phép từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu chiếm giữ tài sản từ 200 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Như vậy, nếu người nào sử dụng số tiền do người khác chuyển nhầm dưới 10 triệu đồng thì có thể bị xử phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng; nếu sử dụng số tiền từ 10-200 triệu đồng do người khác chuyển nhầm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; nếu sử dụng số tiền từ 200 triệu đồng trở lên thì có thể bị phạt tù từ 1-5 năm.
Theo vietnamfinance.vn – Hải Đường