Hơn chục triệu tài liệu mật bị rò rỉ đã tiết lộ các vụ giao dịch ở nước ngoài và tài sản của hơn 100 tỷ phú, 35 nhà lãnh đạo thế giới và hơn 300 quan chức, tướng lĩnh quân đội ở hơn 90 nước, báo Anh đăng bài điều tra ngày 3/10.
Nhà đất, đồ cổ, tranh quý, du thuyền như thế này là những tài sản thường được nhiều chính khách, doanh nhân sở hữu bí mật. Ảnh: Charter World.
Vụ rò rỉ dữ liệu ngoại biên lớn nhất trong lịch sử thế giới liên quan 11,9 triệu file tài liệu của các công ty được các khách hàng giàu thuê để tạo ra các pháp nhân và quỹ tín thác ở các thiên đường thuế như Panama, Dubai, Monaco, Thụy Sĩ, quần đảo Cayman…
Các tài liệu này (được gọi là tài liệu Pandora) chứa đựng các vụ giao dịch bí mật của 35 nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm đương kim và cựu tổng thống, thủ tướng. Tài liệu Pandora cũng tiết lộ tài chính bí mật của hơn 300 quan chức, bao gồm bộ trưởng, thẩm phán, thị trưởng, tướng lĩnh quân đội… Các file bị rò rỉ cũng tiết lộ về các nhà tài trợ chính cho đảng Bảo thủ (Anh).
Giao dịch của hơn 100 tỷ phú và nhiều người nổi tiếng như ngôi sao nhạc rock cũng được thể hiện trong tài liệu Pandora. Nhiều người sử dụng các công ty bình phong để giấu các tài sản giá trị lớn như nhà đất, du thuyền… Họ cũng dùng các tài khoản ngân hàng ẩn danh.
Tài liệu Pandora cũng cho thấy, trong số tài sản cất giấu có cả cổ vật trộm cướp ở Campuchia, tranh của danh họa Picasso, tranh tường của nghệ sĩ ẩn danh Banksy…
Thế giới tài chính ngầm
Tài liệu Pandora tiết lộ bên trong thế giới tài chính ngầm, hoạt động bí mật của một nền kinh tế toàn cầu ở nước ngoài cho phép một số người giàu nhất thế giới cất giấu tài sản của họ và trong một số trường hợp, họ chỉ phải trả rất ít tiền thuế, thậm chí không phải đóng thuế.
Những công ty và cá nhân giàu có khác cất giấu tài sản ở nước ngoài để tránh phải đóng thuế ở nơi khác. Đây là một hoạt động hợp pháp, nhưng khiến ngân sách nhà nước thất thu hàng tỷ đô la.
Sau hơn 18 tháng phân tích tài liệu Pandora, Guardian và các cơ quan báo chí khác sẽ công bố kết quả nghiên cứu trong những ngày tới, bắt đầu bằng việc tiết lộ các hoạt động tài chính ở nước ngoài của một số chính khách hùng mạnh nhất thế giới.
Trong số chính khách có tên trong tài liệu Pandora có quốc vương Jordan Abdullah II và theo dữ liệu bị rò rỉ, ông có một loạt bất động sản trị giá 100 triệu USD ở Malibu, Washington và London.
Nhà vua từ chối trả lời các câu hỏi cụ thể nhưng nói rằng, không có gì là không đúng khi ông sở hữu bất động sản thông qua các công ty ở nước ngoài. Dường như Jordan đã khóa website của Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) hôm 3/10, chỉ vài giờ sau khi tài liệu Pandora được tung lên.
Tài liệu Pandora cũng tiết lộ các giao dịch, số tài sản bí mật của lãnh đạo Azerbaijan, CH Séc, Cyprus, Ukraine, Kenya… Tổng thống Nga Vladimir Putin không có tên trong tài liệu, nhưng một số người gần gũi ông, bao gồm bạn thân thời thơ ấu Petr Kolbin (đã qua đời) và một phụ nữ, được đề cập.
Không phải ai có tên trong tài liệu Pandora cũng bị buộc tội có hành vi sai trái. Ví dụ, tài liệu tiết lộ rằng vợ chồng cựu Thủ tướng Anh tiết kiệm được 312.000 bảng Anh tiền thuế bất động sản khi họ mua nhà ở London thuộc sở hữu của gia đình một bộ trưởng Bahrain.
Hồ sơ Panama (11,5 triệu tài liệu mật được tạo ra bởi nhà cung cấp dịch vụ của công ty luật Panama Mossack Fonseca) đã được khoảng 400 nhà báo tại hơn 80 quốc gia phân tích và công bố năm 2016. Tài liệu tiết lộ tài chính bí mật của nhiều chính khách, doanh nhân khắp thế giới.