Thứ Ba, 15/10/2024, 23:13

Tài chính tuần qua: Việt Phương muốn ‘buông’ Vinapharm, MWG bán 20% cổ phần Bách hóa Xanh

Xem thêm

Tập đoàn Đầu tư Việt Phương muốn thoái toàn bộ vốn tại Vinapharm; MWG chuẩn bị bán 20% cổ phần Bách Hóa Xanh; Hóa chất Đức Giang chốt phương án cổ tức ‘khủng’ 127%… là các thông tin tài chính đáng chú ý tuần qua.

Tài chính tuần qua: Việt Phương muốn 'buông' Vinapharm, MWG bán 20% cổ phần Bách hóa Xanh

Tài chính tuần qua: Việt Phương muốn ‘buông’ Vinapharm, MWG bán 20% cổ phần Bách hóa Xanh.

Tập đoàn Đầu tư Việt Phương muốn thoái toàn bộ vốn tại Vinapharm, dự thu 979 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương vừa đăng ký bán ra toàn bộ hơn 40,29 triệu cổ phiếu DVN của Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm, UPCoM: DVN).

Giao dịch dự kiến được thực hiện trong thời gian từ ngày 1/4 đến ngày 29/4, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Mục đích của giao dịch là để tái cấu trúc danh mục đầu tư.

Số lượng cổ phiếu mà Việt Phương đăng ký bán ra chiếm 17% tổng số cổ phiếu lưu hành của Vinapharm. Tạm tính theo thị giá của DVN trên thị trường, Việt Phương có thể thu về 979 tỷ đồng nếu bán hết số cổ phiếu này.

Được biết, bà Hàn Thị Khánh Vinh, Phó tổng giám đốc kiêm Ủy viên HĐQT của Vinapharm hiện đồng thời là Phó tổng giám đốc của Việt Phương.

Ngoài Việt Phương, cổ đông lớn khác của Vinapharm là Bộ Y tế, với số lượng cổ phiếu DVN là hơn 154 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu 65%.

MWG muốn bán 20% cổ phần Bách hóa Xanh, lấy tiền mở rộng chuỗi siêu thị ra toàn quốc

Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG) vừa công bố tài liệu liên quan đến ĐHCĐ 2022.

MWG cho biết sẽ trình đại hội việc chào bán vốn cổ phần riêng lẻ của Công ty Cổ phần thương mại Bách Hóa Xanh (BHX). Theo đó, đối tượng phát hành sẽ là những đối tác, nhà đầu tư trong khu vực hoặc trên thế giới (ngoại trừ các đối thủ cạnh tranh trực tiếp tại Việt Nam) chào mua cổ phần của BHX với định giá cao nhất.

Theo MWG, mục đích sử dụng vốn là đầu tư cho trung tâm phân phối, tài sản cố định, công nghệ, đầu tư phát triển mạnh mẽ kênh bán hàng online và mở rộng chuỗi Bách Hóa Xanh ra toàn quốc.

Tỷ lệ chào bán tối đa là 20% vốn cổ phần của BHX. Thời gian hoàn tất giao dịch dự kiến trong giai đoạn 2022-2023.

Hóa chất Đức Giang chốt phương án chia cổ tức 127%, chuẩn bị tăng vốn lên 3.800 tỷ

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) vừa tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022 vào ngày 29/3. Theo đó, đại hội đã thông qua phương án chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ lên đến 127%, bao gồm 10% bằng tiền và 117% bằng cổ phiếu, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận thêm 100.000 đồng và 117 cổ phiếu mới.

Hồi cuối năm ngoái, doanh nghiệp đã tạm ứng cổ tức 10% bằng tiền, do đó phần cổ tức tỷ lệ 117% bằng cổ phiếu còn lại sẽ được chi trả nốt trong năm nay, sau khi được cơ quan có thầm quyền chấp thuận. Với hơn 171 triệu cổ phiếu đang lưu hành, DGC dự kiến phát hành thêm hơn 200 triệu cổ phiếu, tổng giá trị theo mệnh giá hơn 2.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đại hội cũng thông qua kế hoạch phát hành 8,55 triệu cổ phiếu ESOP dành cho người lao động, giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ phát hành 5%, dự kiến thực hiện trong năm 2022. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.

Như vậy, sau khi hoàn tất các đợt phát hành này, vốn điều lệ của DGC sẽ tăng từ 1.710 tỷ đồng lên gần 3.800 tỷ đồng.

Nhận thế chấp hàng trăm triệu cổ phần Bamboo Airways, Sacombank bị cuốn vào ‘cơn xả lũ’ FLC

Điểm lại diễn biến phiên giao dịch 28/3, thị trường đã gặp áp lực bán ngay từ sáng sau khi xuất hiện các tin đồn xung quanh Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, tâm điểm là loạt cổ phiếu thuộc hệ sinh thái FLC đua nhau “ngả sàn” với tình trạng trắng bên mua, khối lượng dư bán sàn và dư bán chồng chất, trong khi thanh khoản lại rất nhỏ giọt.

Sang đến phiên chiều, áp lực bán lớn hơn khi xuất hiện thông tin ông Trịnh Văn Quyết bị tạm hoãn xuất cảnh, chủ yếu từ các nhóm ngành chủ lực, tiêu biểu là bất động sản và ngân hàng. Trên thị trường chung, VN-Index kết phiên giảm hơn 15 điểm, tức 1,02% xuống 1.483,18 điểm, thanh khoản đạt gần 33.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với các phiên trước. Sàn Hà Nội cũng không khá khẩm hơn, HNX-Index mất gần 1,5% còn UPCoM-Index giảm gần 1%.

Bên cạnh tình trạng bán tháo ồ ạt tại nhóm cổ phiếu họ FLC, một cổ phiếu nhà băng được cho là có liên quan “mật thiết” tới tập đoàn này, đó là STB của Sacombank cũng chứng kiến đà giảm sâu khi mất 3,5% ngay ở phiên sáng, chốt phiên giảm đến 5,3% và trở thành mã giảm mạnh nhất dòng ngân hàng, bỏ xa mức giảm chung của ngành. Mặt khác, lực bán của STB còn rất mạnh khiến thanh khoản tăng cao đột biến với hơn 36,7 triệu đơn vị khớp lệnh, cao gấp đôi so với mức bình quân 10 phiên gần nhất.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Sacombank là đơn vị cấp tín dụng bậc nhất dành cho hệ sinh thái FLC và cả ông Trịnh Văn Quyết.

Theo dữ liệu của VietnamFinance, chỉ riêng bản thân tỷ phú quê Vĩnh Phúc này đã thực hiện không ít các hợp đồng tín dụng với Sacombank, dựa trên các tài sản thế chấp chủ yếu là cổ phần của Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt – Bamboo Airways (BAV).

Theo vietnamfinance.vn – Tân Mai

Link gốc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết mới