Hiện tượng người vay cố tình không trả nợ, thậm chí còn đe dọa ngược chủ nợ khi bị nhắc nhở thanh toán khoản vay, đang là chủ đề nóng và cũng là bài toán khó giải của các công ty tài chính.
Gần đây lực lượng công an đã phát hiện, khởi tố hàng loạt công ty có tổ chức hoạt động đòi nợ bằng các thủ đoạn cực đoan, hoặc đòi nợ thuê núp bóng các công ty luật. Hình thức đòi nợ này gây bức xúc trong dư luận, có những hệ lụy nghiêm trọng về trật tự an toàn xã hội.
Các đợt kiểm tra hoạt động thu hồi nợ bất chính gần đây là yếu tố tích cực, góp phần đảm bảo an ninh trật tự. Tuy nhiên, hoạt động xử lý tín dụng của các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cũng vô tình bị ảnh hưởng tiêu cực khi nhiều khách hàng cố tình vin vào những tin tức này để tẩy chay, cho rằng hoạt động thu hồi nợ của đơn vị là phạm pháp.
Khách vay thách thức đơn vị cho vay
Phân khúc khách hàng của công ty tài chính chủ yếu đến từ nhóm lao động thu nhập trung bình – thấp, vốn nhạy cảm với các tác động từ xã hội và biến động kinh tế.
Đây cũng là phân khúc chính bị ảnh hưởng thu nhập và khả năng trả nợ trước những khó khăn kinh tế, họ dễ dàng bị kích động, cổ xúy cho hành vi quỵt nợ, dẫn đến sự suy giảm ý thức và trách nhiệm trả nợ của bộ phận lớn khách hàng công ty tài chính.
Điển hình, trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt các hội nhóm được lập ra với mục đích cùng nhau tìm cách “bùng” nợ, học hỏi cách đối phó khi công ty tài chính gọi điện thu hồi nợ.
Những hội nhóm này có số lượng thành viên lên đến hàng chục ngàn người như: hội bùng app vay tiền online và chia sẻ cách đối phó hơn 50.000 thành viên, 10 bài viết/ngày; nhóm chuyên tư vấn bùng nợ – xóa nợ xấu 126.000 thành viên; hội bùng app vay tiền và chia sẻ cách đối phó 21.000 thành viên với hơn 10 bài viết/ngày; hội bùng app vay tiền – chia sẻ kinh nghiệm thoát app hơn 14.000 thành viên và 10 bài viết/ngày…
Một thành viên L.T. – thành viên hội bùng app vay tiền online và chia sẻ cách đối phó khoe cách bùng nợ vay qua ATM Online 4,5 triệu đồng. Tài khoản này còn động viên mọi người trong nhóm nếu vay chưa thành công thì đừng nản, tiếp tục “cày” thêm.
Chia sẻ của một cá nhân lôi kéo người vay vào hội nhóm bùng nợ.
Từ đây, nhiều bình luận kích động, cổ xúy cho hành động quỵt nợ công ty tài chính như một thành tích đáng tự hào, tạo nên luồng suy nghĩ sai lệch rằng người đi vay có quyền không trả nợ còn đi đòi nợ là bất hợp pháp.
Những điều này ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính tiêu dùng, khiến các công ty tài chính buộc phải siết lại cho vay nhằm hạn chế rủi ro phát sinh. Khi đó, người lao động có nhu cầu vay thực sự cũng gặp khó khăn, khiến họ có nguy cơ tìm đến tín dụng đen.
Tại cuộc họp mới đây của Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng trực thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đại diện các công ty tài chính đồng loạt lên tiếng trước thực trạng người đi vay bùng nợ bất chấp như hiện nay.
Bà Hồ Thị Như Hà, Phó tổng giám đốc FE CREDIT cho biết tình hình hoạt động xử lý tín dụng của công ty đang phải chịu rất nhiều áp lực từ việc thiếu hụt nhân sự cho đến việc khách hàng trốn tránh trách nhiệm trả nợ bằng nhiều hình thức, thậm chí ngang nhiên thách thức, đe dọa nhân viên thu hồi nợ.
Đại diện một công ty tài chính khác cũng cho biết, trong 2 tháng vừa qua, khách hàng từ chối cuộc gọi trả nợ tăng lên rất nhiều, buộc công ty phải tập trung vào nhóm khách hàng tốt, những nhóm khách hàng dưới chuẩn hầu như không thu hồi được.
Công ty chấp nhận cho vay với lãi suất thấp nhưng khả năng trả được nợ cao, với tình hình này thì người lao động cũng sẽ chịu thiệt.
Lãnh đạo công ty tài chính Shinhan Finance cũng chia sẻ: “Nhiều khách hàng chủ đích đi vay để bùng nợ, nhiều hội nhóm chia sẻ cách bùng nợ ngân hàng và công ty tài chính.
Nhân viên thu hồi nợ của chúng tôi gọi điện thu hồi thì lập tức khách hàng hỏi “Có muốn lên báo không”, gây hoang mang, tâm lý chán nản cho nhân viên thu hồi nợ.”
Truyền thông sâu rộng, nâng cao nhận thức
Trước những khó khăn đang phải đối mặt, các công ty tài chính tiêu dùng đều mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, quy định rõ về trách nhiệm của người đi vay.
Đồng thời, cần đẩy mạnh truyền thông về ý thức trả nợ của khách hàng, nhấn mạnh giá trị của việc hoàn thành tốt nghĩa vụ trả nợ của bên đi vay.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp chia sẻ kinh nghiệm của Câu lạc bộ các công ty tài chính mới đây, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ chia sẻ với những khó khăn các công ty tài chính tiêu dùng đang phải đối mặt.
Để nâng cao chất lượng hoạt động, ông Nguyễn Quốc Hùng đề nghị các công ty tài chính tiêu dùng tuân thủ các quy định pháp luật, cần minh bạch các quy định cho vay, quy trình thu hồi nợ, tiến tới cho vay có chọn lọc.
Với vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên, tổng thư ký cho biết, hiệp hội nắm bắt các vướng mắc, khó khăn để có những kiến nghị phù hợp với các cơ quan quản lý.
Hiệp Hội sẽ tổ chức các hội thảo, toạ đàm nhằm làm rõ hoạt động, vai trò của công ty tài chính tiêu dùng, phân biệt với “tín dụng đen”; giải thích rõ nghĩa vụ trả nợ của người đi vay để xã hội, người dân hiểu đúng và yên tâm sử dụng dịch vụ, vay vốn của công ty tài chính tiêu dùng, qua đó góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen.
Theo HY/vietnamfinance.vn/PLO