Các nhà nghiên cứu Singapore đã tìm ra cách điều khiển cây bắt ruồi Venus thông qua tín hiệu từ điện thoại thông minh. Phát hiện này được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều ứng dụng trong việc dùng cây trồng làm cảm biến môi trường thay cho robot.
Mới đây, Luo Yifei, một nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore (NTU), đã thực hiện một thí nghiệm điều khiển cây bắt ruồi Venus hay còn gọi là cây bẫy kẹp. Cụ thể, bà đã gửi tín hiệu từ một ứng dụng trong điện thoại đến các điện cực nhỏ gắn trên cây khiến bẫy lá của cây lập tức đóng lại như khi bắt con mồi.
Bà Luo cho biết: “Thực vật cũng giống như con người, chúng tạo ra các tín hiệu điện, giống như ECG (điện tâm đồ) từ trái tim của chúng ta” đồng thời tiết lộ bà cùng những đồng nghiệp tại Trường Kỹ thuật và Khoa học Vật liệu của NTU đã phát triển một công nghệ có thể phát hiện những tín hiệu điện này trên bề mặt của cây mà không gây tổn thương tới chúng.
Bắt ruồi Venus là loại thực vật ăn thịt xuất xứ ở các vùng đất ngập nước cận nhiệt đới, con mồi chủ yếu là côn trùng và nhện.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng tách phần bẫy rập của cây bắt ruồi Venus rồi gắn vào một cánh tay robot, theo đó khi có tín hiệu, chiếc ngàm có thể kẹp một vật mỏng và nhẹ như một đoạn dây.
Theo cách này, các nhà khoa học chia sẻ, có thể sử dụng loài cây ăn thịt này như một “robot mềm” để nhặt những đồ vật dễ vỡ, có nguy cơ bị hư hại bởi máy gắp công nghiệp. Đặc biệt, phương pháp này cũng thân thiện hơn với môi trường.
Hơn nữa, quá trình giao tiếp giữa con người và thực vật không phải hoàn toàn một chiều.
Nhóm nghiên cứu của NTU hy vọng sáng kiến này sẽ được sử dụng để phát hiện các tín hiệu từ thực vật về những bất thường hoặc sâu bệnh tiềm ẩn trước khi các triệu chứng xuất hiện gây hại cho cây trồng.
Khi côn trùng hoặc nhện bò vào và chạm phải một sợi lông cảm ứng trên bề mặt bên trong của bẫy, chiếc bẫy sẽ được đóng ngay.
Còn đối với một người đam mê các loài cây ăn thịt như Darren Ng, người sáng lập SG VenusFlytrap, một nhóm bán cây và cung cấp các mẹo chăm sóc cây bắt ruồi Venus, nghiên cứu này rất đáng hoan nghênh.
Ông bày tỏ: “Nếu cây cối có thể nói chuyện lại với chúng ta thì việc trồng chúng sẽ dễ dàng hơn nhiều”.
Ngoài ra, bà Luo tiết lộ nhóm đang nghiên cứu việc sử dụng thực vật làm cảm biến sống để phát hiện các chất gây ô nhiễm môi trường như khí thải, khí độc hay ô nhiễm nước”.
Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh, còn cần một chặng đường dài nữa trước khi công nghệ thực vật này được đưa vào sử dụng cho mục đích thương mại.
Theo Tạp chí SHTT và Sáng tạo – Ngọc Đỗ