Tin từ Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), quầy hàng nước mắm Phú Quốc lần đầu tiên có mặt tại Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan 2022 đã ghi nhận nhiều dấu ấn khi chỉ sau 2 ngày tham gia khi toàn bộ sản phẩm nước mắm Khải Nguyên (Phú Quốc) đã được bán hết.
Với cách làm truyền thống và đã được Liên minh châu Âu (EU) bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ năm 2012, nước mắm Phú Quốc được làm duy nhất từ hai nguyên liệu đó là cá cơm và muối. Ảnh minh họa.
Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc cho biết với cách làm truyền thống và đã được Liên minh châu Âu (EU) bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ năm 2012, nước mắm Phú Quốc được sản xuất từ 2 nguyên liệu cá cơm và muối.
Nước mắm Phú Quốc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ năm 2012
Được thiên nhiên ưu đãi, cá cơm tại Phú Quốc có quanh năm và được các nhà thùng khai thác, đánh bắt bằng lưới vây. Cá sau khi được đánh bắt sẽ được ướp muối ngay tại tàu. Muối sử dụng để ướp cá là muối thiên nhiên từ vùng biển Bà Rịa – Vũng Tàu.
Sau khi cá và muối được ướp xong sẽ đưa về thùng ủ chượp từ 12 tháng trở lên sau đó cho ra thành phẩm nước mắm. Nước mắm để trong các thùng ủ chượp có thể bào tồn hàng trăm năm. Trước đây, các thùng ủ chượp nước mắm có sức chứa 3 – 4 tấn cá thì hiện tăng 3 – 4 lần, tức từ 12 – 15 tấn.
Gỗ để làm các thùng ủ chượp được làm từ gỗ bời lời trên đất Phú Quốc cách đây từ vài chục năm. Đến nay, rừng Phú Quốc đã đóng cửa hơn 30 năm, nhưng với các chủ nhà thùng, họ vẫn bảo tồn và giữ gìn nghề truyền thống.
“Với sự đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, nhà xưởng, dây chuyền sản xuất và quy trình chế biến nghiêm ngặt từ khâu đánh bắt, muối cá, ủ chượp cho đến khâu đóng chai đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như chất lượng sản phẩm… đã giúp cho nước mắm truyền thống Phú Quốc nói chung, nước mắm Khải Hoàn nói riêng đi đến thành công và mới đây sản phẩm nước mắm Khải Hoàn là một trong các sản phẩm tiềm năng đạt chuẩn OCOP – mỗi xã một sản phẩm – 5 sao cấp quốc gia.
Đây là điều kiện tiên quyết, để nước mắm Phú Quốc tham gia, đánh giá phân hạng đạt chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia và xuất khẩu sang thị trường quốc tế”, bà Liên chia sẻ.
Được thiên nhiên ưu đãi, cá cơm tại Phú Quốc có quanh năm và được các nhà thùng khai thác, đánh bắt bằng lưới vây. Cá sau khi được đánh bắt sẽ được ướp muối ngay tại tàu. Ảnh minh họa.
Xuất khẩu nước mắm 1 giá đồng nhất
Tại hội thảo kết nối giao thương giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Thái Lan (Business Matching) (B2B) với sự tham dự của 45 doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và 26 đơn vị thu mua hệ thống bán lẻ của Tập đoàn Central Group Thái Lan và các nhà nhập khẩu Thái Lan có sự tham dự của các doanh nghiệp nước mắm Phú Quốc, các nhà mua hàng của Thái Lan rất thích thú và rất ngạc nhiên bởi đến thời điểm này, Việt Nam vẫn giữ được sản phẩm tinh túy, truyền thống.
Tuy nhiên, điều mà các doanh nghiệp nước mắm Phú Quốc đang cân nhắc đó là về giá bán. Ở trong nước, mỗi doanh nghiệp sẽ có mức giá khác nhau, nhưng khi ra nước ngoài, đối với Hội Nước mắm Phú Quốc, các doanh nghiệp cho rằng nên xuất khẩu 1 giá đồng nhất.
Do đó, các doanh nghiệp trong Hội Nước mắm Phú Quốc đang tính toán lại và sẽ phản hồi cho các nhà mua hàng Thái Lan về mức giá.
Theo Cổng TTĐT Chính phủ – Phan Trang