Thứ Năm, 18/04/2024, 19:49

Những hạt ‘sạn’ trong sách tiếng Việt lớp 1: Thiếu tính giáo dục, phương ngữ suồng sã?

Xem thêm

Một loạt hạt “sạn” ở SGK tiếng Việt lớp 1 năm nay được chỉ ra, gây xôn xao diễn đàn mạng xã hội. Một số bài đọc không thể hiện rõ tính giáo dục, nhiều từ không phù hợp với trẻ nhỏ.

Theo phản ánh của một số chuyên gia và độc giả, một vài cuốn sách giáo khoa (SGK) tiếng Việt lớp 1 năm nay có nhiều “sạn” khó chấp nhận.

Học sinh lớp 1 đã nói tiếng Việt rành rẽ; các em sẽ nói “Con bê kêu be be” chứ không bao giờ nói theo kiểu ngọng nghịu “Bê be be” – bắt các em học như thế là coi thường các em. Đó là chưa kể sách tiếng Việt bắt buộc dùng từ chính xác; nói “Dê la cà” là không ổn, không đúng nghĩa từ “la cà”.

Đây chỉ là một ví dụ được chọn ngẫu nhiên; phần đầu các cuốn sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 theo chương trình mới đều tràn ngập một loại tiếng Việt ngây ngô, lủng củng, lúng ta lúng túng như gà mắc tóc.

sach lop 1

Mới đây, một bạn đọc có con học lớp 1 đã chụp hình sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 (bộ sách Cánh diều) bài 63 – Ôn tập với phần Tập đọc là truyện dân gian Việt Nam có tên Cua, cò và đàn cá với nội dung như sau:

“Cò kiếm ăn ở ven hồ. Gặp cá rô, nó ra vẻ thật thà: Dăm hôm nữa, hồ bị tát cạn, cá tôm sẽ bị bắt hết. Đàn cá nhờ cò giúp. Cò hứa đưa đàn cá đến xóm bên. Lũ cá nghe cò. Thế là cò dần dần chén hết đàn cá”.

Từ nội dung câu chuyện trên, bạn đọc hoang mang: “Nếu để ôn tập, rèn kỹ năng đọc, vốn từ thì kho tàng truyện dân gian có hàng ngàn câu chuyện có ý nghĩa giáo dục. Cớ sao các nhà biên soạn sách lại lấy một câu chuyện có tính chất lừa lọc, mưu mẹo, gian xảo để cho học trò đọc và học. Tên câu chuyện là Cua, cò và đàn cá nhưng không thấy xuất hiện “nhân vật cua”, con tôi thắc mắc hỏi “cua đâu bố?”, tôi thật sự không biết giải thích với con thể nào?

Và đã đành hẹn để đọc lại rồi giải đáp chứ không dám trả lời theo logic câu chuyện là bởi vì cò trước khi lừa cá thì đã lừa và “chén” cua rồi”.

Một phụ huynh khác cũng chỉ ra hàng loạt những bài tập đọc được cho là khó đọc đối với học sinh lớp 1 (bộ sách Cánh diều) như: 

– Bài “Bể cá” (trang 31): “Ba Hà để bể cá ở hè. Bể có cá, có cò, le le. Cò ở bể cá là cò đá. Le le là le le gỗ”.

– Bài “Bé kể” (trang 35): “Bà bế bé Lê. Bé bi bô: “Dì… giò…”. Đó là bé kể: Dì Kế giã giò. Cỗ có giò, có gà, có cả giá đỗ”.

– Bài “Nhà cô Nhã” (trang 39): “Nhà cô Nhã ở bờ hồ. Hồ nhỏ, nhà nho nhỏ. Hồ có cá mè, ba ba. Nhà có na, nho, khế”.

– Bài “Bi nghỉ hè” (trang 43): “Nghỉ hè, Bi ở nhà bà. Nhà bà có gà, có nghé. Ổ gà be bé. Gà có ngô. Nhà nghé nho nhỏ. Nghé có cỏ, có mía”.

Bài “Nhà dì” (trang 45): “Nhà dì Nga có pi a nô. Cả nhà Bi đi phố, ghé nhà dì, nghe pi a nô. Dì Nga pha cà phê. Bố mẹ có cà phê. Bi có phở. Bé Li có na”.

Bài “Đi nhà trẻ” (trang 55): “Chị Trà cho bé Chi đi nhà trẻ. Qua chợ, chị chỉ cho bé cá trê, cá mè… Ở nhà trẻ, Chi nhớ mẹ. Chị Trà dỗ: “Bé nhè thì cô chê đó”. Bé nghe chị”.

Bài “Bé Lê” (trang 73): “Bé Lê mê ti vi. Ti vi có sâm cầm. Bé chỉ: “Cò… cò…”. Ti vi có cá mập. Bé la: “Sợ!”. Má bế bé, vỗ về: “Cá mập ở ti vi mà”. Má ấm quá, bé chả sợ nữa”.

sach lop 1 1

Những hạt “sạn” trong sách tiếng Việt lớp 1: Thiếu tính giáo dục, phương ngữ suồng sã?

Ngoài việc sử dụng từ ngữ suồng sã, nhiều người phản ánh SGK tiếng Việt 1 năm nay, nhiều bài đọc sử dụng truyện ngụ ngôn, rất ít thơ, tục ngữ, ca dao, đồng dao Việt Nam.

Với tâm hồn non nớt của các bé lớp 1, nếu không vừa đọc, vừa giải thích và đúc rút, chỉ ra cho các bé thì không phải tất cả các bé đều có thể hiểu được các câu chuyện ngụ ngôn.

Trong khi nhiều phụ huynh kêu ca với chương trình lớp 1 mới thì không ít người đã chia sẻ hình ảnh về sách tiếng Việt đã dùng cách đây 20 năm.

Thời đó công nghệ in ấn chưa phát triển, màu và hình ảnh tranh vẽ cũng đơn sơ, nhưng tất cả đã trở thành một phần ký ức và hoài niệm của những người đã từng học lớp 1.

Theo Tạp chí SHTT và Sáng tạo – Minh Hà

Link gốc

 

 

 

Bài viết mới