Thứ Năm, 10/10/2024, 9:03

Những điểm mới trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững

Xem thêm

Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã hiện thực hóa định hướng Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững gắn với những cơ hội về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thị trường.

Mục tiêu chung của Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là Chiến lược) là hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế – xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.

Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn, đảm bảo cơ hội phát triển công bằng giữa các vùng, miền; phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị.

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được đảm bảo; phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

chien luoc nn

Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược đồng thời làm rõ thêm các khái niệm, thuật ngữ, nội hàm mới về phát triển nông nghiệp, nông thôn, những quan điểm, định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ đề ra tại Chiến lược; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xây dựng và ban hành Bộ tài liệu về Chiến lược.

Trong Bộ tài liệu này đã chỉ ra những điểm mới mang tính đột phá của Chiến lược.

Cụ thể, đây là Chiến lược đầu tiên về nông nghiệp nông thôn mà Thủ tướng phê duyệt. Chiến lược thể hiện rõ đổi mới về tư duy, định hướng phát triển cho các ngành, các lĩnh vực trong nông nghiệp nông thôn thay vì đưa ra những con số hay mục tiêu quá cụ thể.

Chiến lược thể hiện rõ tính toàn diện, bao trùm, liên ngành trong định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp và nông thôn để xây dựng nền nông nghiệp bền vững theo hướng sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân tri thức, văn minh. Chiến lược lần này tập trung nhiều vào phát triển nông dân, nông thôn bên cạnh phát triển nông nghiệp.

Chiến lược định hướng thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp, cần phải chuyển đổi hướng tới nền nông nghiệp chất lượng, hiệu quả, nền nông nghiệp trách nhiệm, nền nông nghiệp xanh, giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh việc chuyển từ sản xuất cái chúng ta có sang tư duy sản xuất theo nhu cầu thị trường; chuyển từ việc bằng mọi cách phải tăng sản lượng sang làm sao tăng hiệu quả, giá trị trên một đơn vị diện tích.

Để làm được điều đó, người nông dân hay nông nghiệp nên suy nghĩ và tìm hiểu làm sao giảm chi phí đầu vào, lựa chọn sản xuất cây con theo những yêu cầu thị trường cần, đa dạng hóa sản phẩm, tạo giá trị cao hơn cho sản phẩm mình sản xuất ra.

Không những thế, người sản xuất kinh doanh còn phải biết tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội, môi trường vào sản phẩm của mình khi bán ra thị trường theo hướng tích hợp đa giá trị sản phẩm.

Tư duy kinh tế nông nghiệp còn thể hiện chiến lược thông qua việc định hướng phát huy tối đa lợi thế địa phương, vùng miền để phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

Bên cạnh đó, chiến lược cũng đưa ra tư duy mới trong định hướng liên kết giữa các ngành để xây dựng hệ thống gắn kết khu vực sản xuất với chế biến, gắn kết khu vực nông nghiệp với các ngành, lĩnh vực khác như công nghiệp, thương mại, logistics, xây dựng một hệ sinh thái dựa trên nền tảng nông nghiệp.

Chiến lược nhấn mạnh đổi mới tổ chức sản xuất, trong đó lấy kinh tế hợp tác làm động lực để phát triển kinh tế hộ, gắn kết với doanh nghiệp xây dựng các chuỗi giá trị, hạn chế rơi vào bẫy nông nghiệp “gia công”.

Cùng với đó, chiến lược cũng đưa ra định hướng phải xây dựng các vùng chuyên canh được đầu tư bài bản, sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững. Tập trung phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp cả đầu vào và chế biến đầu ra.

Ngoài ra, Chiến lược nhấn mạnh và nâng cao vai trò, vị trí chủ thể của người nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn trong tương lai; khẳng định việc trao quyền phân cấp cho người dân.

Xây dựng nông thôn mới tiếp tục coi là nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược, tuy nhiên giai đoạn tới sẽ xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu hơn, tập trung cấp thôn bản, ưu tiên phát triển sinh kế cho người dân, lấy phát triển cộng đồng là nền tảng cho phát triển nông thôn.

Chiến lược cũng đề cao vai trò của phát triển kinh tế nông thôn, nhất là phát triển công nghiệp và kinh tế phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn để thực hiện “ly nông bất ly hương”, xây dựng nền “kinh tế dịch vụ” ở nông thôn, tạo việc làm cho lao động rút ra khỏi nông nghiệp thúc đẩy quá trình tích tụ tập trung ruộng đất đồng thời giảm tải cho các thành phố lớn.

Chiến lược cũng đưa ra 3 định hướng phát triển nông thôn mới ở các vùng theo ba loại mô hình (vùng ven đô, vùng chuyên canh, vùng nông thôn truyền thống).

Không chỉ vậy, có nhiều giải pháp đột phá đổi mới chính sách được nêu ra trong chiến lược như việc chính thức hóa lao động phi chính thức, tạo điều kiện phát triển thị trường lao động công bằng; đổi mới tổ chức nông dân và nghiệp đoàn lao động; phát triển thị trường đất đai như thị trường quyền tài sản, mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp; tạo điều kiện để các hợp tác xã và tổ chức của nông dân tham gia cung cấp các dịch vụ công cho thành viên, trong đó có dịch vụ tín dụng nông thôn.

Theo Tạp chí SHTT & Sáng tạo – Hương Mi

 

 

Bài viết mới