Chủ Nhật, 08/12/2024, 0:51

Nhạc sĩ Phong Nhã: Đời tôi sóng nhạc bay lên

Xem thêm

Nhắc tới nhạc sĩ Phong Nhã là nhớ ngay tới những giai điệu như “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, “Nhanh bước nhanh nhi đồng”, “Kim Đồng”…

Nhạc sĩ Phong Nhã và các em thiếu nhi.

Nhạc sĩ Phong Nhã và các em thiếu nhi.

Sinh thời, ông được ví là “vua ca khúc thiếu nhi”, “người viết biên niên sử Đội TNTP Hồ Chí Minh bằng âm nhạc”. Mới đây, lần đầu tiên những trang hồi ký của ông được công bố.

Đứa con của quê hương Hà Nam

Nhạc sĩ Phong Nhã tên thật là Nguyễn Văn Tường, sinh ngày 4/4/1924, lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở Ngọc Động, Duy Tiên, Hà Nam. Ông hoạt động âm nhạc quần chúng trong phong trào Hướng đạo sinh đầu những năm 40 của thế kỉ 20. Sau đó, Phong Nhã liên tục hoạt động âm nhạc thiếu nhi.

Sáng tác đầu tay của ông là ca khúc “Nhanh bước nhanh nhi đồng”. Đến nay, gia tài âm nhạc của ông có khoảng 200 bài hát chủ yếu dành cho thiếu nhi. Ông cũng chính là người sáng lập và là Tổng Biên tập đầu tiên của tờ báo Thiếu niên Tiền phong.

Ở mảng ca khúc viết cho thiếu nhi, nhạc sĩ Phong Nhã đã thành công rất sớm khi mới bước vào độ tuổi 20 và trở thành một trong những nhạc sĩ đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Trong cuốn “Nhạc sĩ Việt Nam hiện đại” có nêu nhận xét, nhạc sĩ Phong Nhã là một trong những người đóng góp đầu tiên có giá trị cho nhạc thiếu nhi từ những ngày đầu cách mạng…

Bây giờ, lật mở cuốn hồi ký “Đời tôi sóng nhạc bay lên” NXB Kim Đồng vừa ấn hành, ta lại gặp lại những tâm sự chân thành của nhạc sĩ Phong Nhã. Ông viết: “Quê tôi, một vùng chiêm chũng… Những mùa nước tháng Bảy, tháng Tám âm lịch ngày xưa, cả cánh đồng chiêm thẳng cánh cò bay xung quanh làng tôi đều mênh mông nước lụt…”. Và: “Dù đi đâu, tôi cũng nhớ về mái đình quê hương…”.

Nhưng tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Văn Tường lại không phẳng lặng. Mẹ mất sớm để lại hai con thơ dại… Bố hai lần lấy vợ. Người chị bị bán thân bất toại… Tuy vậy, từ rất sớm, cậu bé Tường đã được làm quen với âm nhạc: “Bài học vỡ lòng về ca hát dân ca của bà cố tôi là bài học nghe, thưởng thức, thực hành hát luôn lúc chưa biết nhạc.

Còn bài học của bố tôi là bài học về ký âm pháp dân tộc đầu tiên: Hò, xừ, xang, xê, cống, liu… Cụ dạy tôi tới các nốt đó trên một cây đàn nguyệt”, nhạc sĩ kể trong hồi ký.

Nhưng điều ấy, cũng khá tương đồng với những câu chuyến ông kể với chúng tôi lúc sinh thời. Ông tâm sự rằng, ông đến với âm nhạc thông qua con đường tự học chứ không được theo học một lớp đào tạo chính quy, bài bản nào.

Tuy nhiên, ngay từ nhỏ, ông đã được tiếp xúc với âm nhạc và làm quen với đàn tranh, cây sáo, cây nhị và sử dụng thành thạo loại nhạc cụ này. Về sau, khi đã “thành danh”, Phong Nhã được những người bạn như nhạc sĩ Văn Ký, nhạc sĩ Vũ Tự Lân… truyền giảng cho những kiến thức họ được học được.

Thuở thiếu thời, Nguyễn Văn Tường thích đi xem “cải lương hí viện” của cụ Nguyễn Đình Nghị và tham gia rất tích cực trong phong trào “Hướng đạo sinh”, được bầu làm quản ca trong đội nhạc của trường. Ông còn tự tay làm được nhiều cây sáo để dạy cho các em lớp dưới.

Đến năm 1944, Phong Nhã đã về quê cha ở xã Hoàng Đông (Duy Tiên, Hà Nam) tham gia xây dựng phong trào thiếu nhi và gia nhập Việt Minh ở đây. Ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Phong Nhã đã ra đời ở đây trong nỗi băn khoăn của “anh phụ trách” là làm sao phải có một bài hát với khí thế tươi vui, giục giã thế hệ măng non tiến bước.

Những trang hồi ký dung dị, chân thành

Nhạc sĩ Phong Nhã.

Gặp nhạc sĩ Phong Nhã trong những năm tháng cuối đời, tôi vẫn không quên ngôi nhà trong ngõ Thanh Nhàn, nhỏ và tối. Khi đó, vợ ông mới mất ít lâu. Gặp gỡ và trò chuyện với ông, có cảm giác ông không phải là người cẩn thận trong việc gìn giữ tư liệu, tài liệu cá nhân. Vì thế tôi thật sự bất ngờ khi gần đây, NXB Kim Đồng ấn hành cuốn di cảo, hồi ký “Đời tôi sóng nhạc bay lên” của nhạc sĩ Phong Nhã.

Không quá dày dặn nhưng cuốn sách đủ để cho người đọc hình dung lại cuộc đời Phong Nhã, từ thuở thiếu niên cho đến lúc ông trở thành nhạc sĩ của thiếu nhi. Cuốn sách có lẽ cũng vừa vặn với tính cách muốn lui, muốn ẩn của ông.

Nhà văn Nguyễn Thúy Loan – người biên tập cuốn sách này ở NXB Kim Đồng cho biết: Chính nhạc sĩ Phong Nhã là người gửi bản thảo cuốn sách này tới nhà xuất bản. Đó là vào thời điểm “những ngày chiều muộn” của cuộc đời nhạc sĩ. Khi ấy ông tập hợp những bản đánh máy, viết tay, cả những tài liệu photo cùng nhiều tư liệu gia đình khác để gửi tới nhà xuất bản, đặng mong có một cuốn sách  cuối đời.

Nhưng khi việc xử lý bản thảo đang tiến hành, thì nhạc sĩ Phong Nhã đã ra đi. Hơn một năm sau ngày nhạc sĩ nằm xuống, cuốn sách mới được xuất bản, đúng dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh.

“Không chỉ là hồi ký với ăm ắp kỷ niệm ân tình, bằng lời kể giản dị, “Đời tôi sóng nhạc bay lên” còn là những trang nhật ký chân thật có thể bổ sung cho cuốn biên niên sử của Đội TNTP, của một người viết sử Đội bằng những khúc ca yêu quê hương và lớn lên cùng đất nước”, đại diện NXB Kim Đồng chia sẻ.

Qua những trang viết của nhạc sĩ Phong Nhã, ta như thấy ông vẫn ở đâu đây, rất gần. Lời kể giản dị, chân thành và ấm áp. Nó như con người ông lúc trò chuyện với bạn bè hay đứng trước các cháu thiếu nhi.

Cho dù ông viết về quê mẹ, quê cha, về những đau đớn âm thầm, hay sau này là ghi lại những chặng đường sáng tác âm nhạc, những câu chuyện của ông với những người đã gặp thì người đọc vẫn nhận ra sự hồn hậu trong trái tim ông.

Ông kể về lần gặp gỡ với nhà văn Nam Cao vào năm 1950 tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, khi đó đóng ở vùng Bắc Cạn. Được Nam Cao khích lệ, Phong Nhã viết truyện về gương anh hùng Dương Văn Nội. Nhạc sĩ Phong Nhã không ngờ, đó là lần cuối cùng ông được gặp nhà văn của những tác phẩm văn học nổi tiếng, bởi chỉ hơn một năm sau, Nam Cao đã hi sinh…

Rạng sáng ngày 28/3/2020, nhạc sĩ Phong Nhã đã trút hơi thở cuối cùng. Nhưng giờ đọc cuốn “Đời tôi sóng nhạc bay lên”, tôi có cảm giác như ông vẫn còn đây, với những lời tâm sự thật khẽ: “Năm đầu Cách mạng tháng Tám, không phải chỉ riêng tôi làm bài hát cho thiếu nhi mà các tác giả tôi vừa kể như Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Đỗ Nhuận rồi Lưu Bách Thụ… cũng có bài cho thiếu nhi. Còn về phần tôi, lúc đầu tôi vào làm công tác thiếu nhi là chính, lại do có một bài hát thiếu nhi đầu tay nên cũng bắt đầu bước vào con đường sáng tác âm nhạc.

Làm công tác thiếu nhi buổi ban đầu chưa có phương tiện giáo dục gì, tôi đã sáng tác bài hát làm phương tiện tập hợp và giáo dục các em thế mà may mắn lại đạt kết quả; cho đến lúc việc viết nhạc cũng trở thành một công tác chính, một mục đích chính của mình đi song song với công tác thiếu nhi. Đó là điều bất ngờ không tính trước được lúc vào đời”.

Nhạc sĩ của tuổi thơ

Cuốn hồi ký “Đời tôi sóng nhạc bay lên” của nhạc sĩ Phong Nhã mới được ra mắt bạn đọc.

Vậy là suốt cả một đời sáng tác, chỉ với cây sáo trúc và đàn măng-đô-lin giản dị, cùng với nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhạc sĩ Phong Nhã đã trở thành “vua ca khúc thiếu nhi” với khoảng 200 ca khúc.

Điều thú vị là trong số đó có nhiều hành khúc vui tươi, rộn rã, thúc giục. Trong số đó, 4 ca khúc của ông đã được bình chọn vào danh sách “50 ca khúc thiếu nhi hay thế kỷ 20”: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, “Hành khúc Đội”, “Kim Đồng” và “Đội ta lớn lên cùng đất nước”.

Bây giờ nghe lại những ca khúc ấy gợi cho ta một quãng thời gian thơ ấu, vai mang khăn quàng đỏ, chân tung tăng cất bước đến trường, với biết bao những “lớp măng non đầy sức sống” cất vang trời những bài ca mà các em yêu thích. Phải nói rằng, âm nhạc của Phong Nhã có một sức hấp dẫn lạ kỳ. Các bài hát của nhạc sĩ sáng tác đều được các em yêu thích.

Ca khúc “Kim Đồng” ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt khác. Trong hồi ký của mình, ông kể: “Chính các em Nhi đồng cứu quốc đội Kim Đồng ở Ấu Trĩ Viên (nay là Cung Thiếu nhi Hà Nội – N.V) đã đề nghị tôi sáng tác cho đội các em về anh Kim Đồng mà đội có vinh dự mang tên. Tôi chỉ được xem một bài báo của nhà văn Tô Hoài trên báo Cứu Quốc, kể chuyện sơ bộ về Kim Đồng, chưa biết quê quán anh ở nơi đâu, chỉ biết là trên chiến khu Việt Bắc”.

Đây là bài hát thứ hai của Phong Nhã. “Đã có “Nhanh bước nhanh nhi đồng” mở đầu, nay lại có thêm “Kim Đồng”, thế là công việc làm âm nhạc của tôi có đà đi tới. Hai tác phẩm đó gắn bó với nhau” – nhạc sĩ viết, và thừa nhận: “Nhanh bước nhanh nhi đồng” còn hô hào kêu gọi chung chung như một bài chính luận. Đến bài “Kim Đồng” thì đã cụ thể hóa với người thật việc thật, anh Kim Đồng, người đội viên đầu tiên của Đội Nhi đồng cứu quốc”.

Và phải đến bài hát thứ ba, bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” thì Phong Nhã đã tạo được bước ngoặt cho mình. Ngày 2/9/1945, nhạc sĩ Phong Nhã còn là một anh phụ trách Đội, được vinh dự cùng các em xếp hàng trông lên lễ đài khi Bác Hồ thân yêu đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Đây cũng chính là lần đầu tiên trong cuộc đời chàng trai 22 tuổi Phong Nhã được tận mắt nhìn thấy Bác Hồ.

Người nhạc sĩ trẻ đã xúc động vô cùng khi thấy hình ảnh Bác nhoài người ra vẫy các cháu thiếu niên một cách nhiệt thành. Nỗi xúc động ấy được ghi lại thành một điệp khúc 4 lần trong bài hát như một sự khẳng định tình yêu của các cháu đối với Bác: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”…

Hình ảnh Bác hiện ra trong bài hát vừa gần gũi vừa lung linh: “Bác chúng em dáng cao cao, người thanh thanh/ Bác chúng em mắt như sao râu hơi dài…”. Ông viết trong hồi ký: “Bài hát viết về lãnh tụ phải đắn đo, kỹ càng lắm…”.

Điểm nổi bật trong ca khúc thiếu nhi của nhạc sĩ Phong Nhã là luôn gắn liền với sự kiện phong trào thiếu nhi. Qua những ca khúc của ông, chúng ta thấy lịch sử Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh vang lên với những âm thanh thiết tha, trong sáng và hào hùng của lớp tuổi thơ nước Việt trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Có thể nói Phong Nhã là một trong số rất ít các nhạc sĩ đã dành trọn đời mình cho những sáng tác dành cho các em. Suốt đời mình, ông luôn tâm niệm: “Cái cần tìm ra là cái hồn của bài hát, thấm nhuần tâm lý của trẻ.

Gọi được cái “hồn” của ca khúc, tức là tác giả đã hiểu sâu sắc thế giới của trẻ, mọi điều mong ước của trẻ, thứ mà trẻ muốn bầu bạn sẻ chia trong cuộc sống”. Vậy nên, thời gian đi qua, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, thiếu nhi Việt Nam vẫn và sẽ còn cất cao lời hát những bài ca đi cùng năm tháng ấy của người nhạc sĩ yêu thiếu nhi này.

Với những đóng góp của mình, nhạc sĩ Phong Nhã được trao nhiều giải thưởng cao quý, như: Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2001), Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, cùng nhiều huy chương, huy hiệu và giải thưởng khác…

Theo Báo Giáo dục & Thời đại – Quỳnh Chi

Link gốc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết mới