Chủ Nhật, 28/04/2024, 6:32

Nghệ sĩ cần làm gì để đảm bảo cuộc sống và giữ gìn danh dự?

Xem thêm

Một câu nói thật hay gần đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đời người quan trọng nhất là mạng sống và danh dự”. Mạng sống là cái vật chất, danh dự là cái tinh thần, rõ ràng không có gì quan trọng hơn hai thứ đó trong cuộc đời con người và câu nói này đúng trong mọi hoàn cảnh, trong mọi ngành nghề, mỗi giới, kể cả giới nghệ sĩ.

Chúng ta đang sống trong thế kỷ của công nghệ số, của sự biến đổi không ngừng về phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế xã hội, biến đổi khí hậu và cả biến đổi thế giới khi mà một dịch bệnh đi qua có thể làm cả thế giới chao đảo và thay đổi không ai lường trước được thì cuộc sống của con người cũng vậy ngày càng mong manh, khó đoán biết trước được tương lai, nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta có thể đánh đổi tất cả kể cả danh dự để sống.

Nghệ sĩ có thêm “nghề tay trái, nghề tay phải”

Ai cũng phải sống, phải ăn, nghệ sĩ cũng vậy, hoạt động nghệ thuật cũng là một ngành nghề nhưng là một nghề đặt biệt vì họ phải hóa thân thành nhiều nhân vật hoặc nghề của họ là nuôi dưỡng cảm xúc và khơi gợi tính chân thiện mỹ của công chúng.

Đó là một nghề lao động không phải dễ, họ không những phải học mà còn phải đúc kết, chiêm nghiệm cuộc sống và đặc biệt phải là người có tài năng thiên bẩm thì mới trở thành một nghệ sĩ thực thụ.

Giá trị người nghệ sĩ mang lại là giá trị tinh thần, không thể nhìn thấy, cầm, nắm hay sờ lấy được, nó cùng với những thiết chế khác tạo nên một sản phẩm đó là văn hóa. Văn hóa tạo ra hệ thống các giá trị làm chuẩn mực cho con người vươn tới, từ đó hình thành các phẩm chất của con người, mà con người chính là chủ thể của mọi sự phát triển.

Việc người dân bỏ tiền ra để mua lấy những giá trị tinh thần không thể đong đo bằng vật chất, bằng bao nhiêu tiền mà bằng cái mình nhận về được cho tâm hồn là gì. Nghệ sĩ sống từ những đồng tiền lao động đó cũng là điều xứng đáng với những gì họ đầu tư, sáng tạo và phục vụ khán giả.

Nhưng đó là với những nghệ sĩ chân chính, những người đem nghệ thuật của mình để mang đến những giá trị nhân văn cho cộng đồng, xã hội. “Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy” (T.Sêkhốp), chứ không phải người đem bán cái nhìn, cái xem, cái cười một cách đơn thuần.

Trong cơn đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi không ít cuộc sống của nhiều nghệ sĩ. Không như trước đây người nghệ sĩ chỉ chuyên tâm làm nhiệm vụ của mình là hoạt động nghệ thuật, thu nhập của họ cũng phần lớn nhờ hoạt động nghệ thuật. Khi thời đại công nghệ số, hệ thống truyền thông, internet, trang mạng xã hội phát triển mạnh mẽ nghệ sĩ còn tham gia nhiều hoạt động như gameshow, quảng cáo thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, mở trung tâm đào tạo nghệ thuật, công ty sự kiện, kinh doanh bất động sản, bán hàng online, xây dựng trang Youtube, Tiktok…

Những việc làm trên cũng là lẽ thường tình khi nghệ sĩ phải thích nghi với điều kiện công nghệ số và những khó khăn khi sân khấu, môi trường hoạt động nghệ thuật không còn dễ dàng như xưa.

Tuy nhiên cũng chính những hoạt động này đã làm cho hình ảnh một số nghệ sĩ xấu đi khi họ xem hoạt động nghệ thuật của mình là giải trí đơn thuần, đánh đổi danh dự, danh tiếng để có tiền một cách bất chấp, hoặc chỉ mượn cái danh nghệ sĩ để dễ dàng hoạt động giao dịch trong một số hoạt động kinh doanh khác.

Một số còn có suy nghĩ “cày bừa” một thời gian khi còn nổi tiếng, khi tuổi còn trẻ để kiếm một mớ kha khá rồi giải nghệ hoặc chuyển hướng khi không còn có thể sống bằng nghề gắn với cái danh nghệ sĩ. 

Không thể phủ nhận việc ngày nay nghệ sĩ phải có “nghề tay trái, nghề tay phải” mới đảm bảo cuộc sống và điều đó hoàn toàn có thể được thông cảm, thậm chí là điều hãnh diện, tự hào nếu cả hai lĩnh vực người nghệ sĩ đều là những người lao động, kinh doanh chân chính.

Trước tình hình thực tế khó khăn hiện nay, nghệ sĩ không thể ngồi một chổ chờ đồng lương cơ bản, đó là với nghệ sĩ có trong biên chế của các Nhà hát công lập, còn một bộ phận nghệ sĩ tự do thì sao, tất cả họ phải lao vào những ngành nghề khác nhau để lao động, kiếm thu nhập để đảm bảo cuộc sống và còn lo cho gia đình. 

Nghệ sĩ với tinh thần tình nguyện đến với những mảnh đời bất hạnh.

Nghệ sĩ với tinh thần tình nguyện đến với những mảnh đời bất hạnh.

Nghệ sĩ làm gì để giữ danh dự?

Khi các ngành nghề bị điêu đứng vì dịch Covid-19 thì không chỉ riêng giới nghệ sĩ, công chúng cũng nên cảm thông cho nghệ sĩ khi phải kinh doanh hoặc “làm nghề tay trái” bởi “có thực mới vực được đạo”.

Nhưng người nghệ sĩ cần tỉnh táo, sáng suốt khi tham gia các hoạt động khác để tránh ảnh hưởng danh tiếng, điều đầu tiên là phải hiểu biết pháp luật để khi tham gia giới thiệu sản phẩm hay kinh doanh phải đảm bảo tuân thủ pháp luật và các quy định quản lý của nhà nước; không lôi kéo người hâm mộ, đồng nghiệp và người thân quen tham gia các hoạt động kinh doanh đa cấp hay các hoạt động tài chính không rõ ràng, minh bạch.

Việc giữ gìn hình ảnh, không quá đời thường đến mức tầm thường của nghệ sĩ là cần thiết, bởi nghệ sĩ luôn được công chúng yêu mến qua nhân vật và khi đời tư không dính vào những scandal.

Nghệ sĩ ngày nay thích livestream chia sẻ với khán giả, có người thường không tiết chế được cái tôi, cá tính riêng hoặc sự lố quá đà trong cách ăn mặc, lời nói, cách sống… làm cho khán giả ngán ngẫm và không còn tin vào những gì tốt đẹp nghệ sĩ mang đến trong các nhân vật hay tác phẩm nữa.

Về lâu dài, nghệ sĩ cần trang bị cho mình kiến thức nhiều hơn nữa, không ngừng học tập và trau dồi đạo đức, nghề nghiệp chuyên môn, luôn có sản phẩm nghệ thuật mang giá trị nghệ thuật tư tưởng cao, đó là vấn đề then chốt để giúp nghệ sĩ giữ gìn hình ảnh của mình trước công chúng và hơn hết là ý thức tự trọng của mỗi người về vị trí, vai trò của mình là người của công chúng phải chuẩn mực trong nhiều mặt và hết lòng vì sự nghiệp nghệ thuật. 

Bên cạnh đó, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu có tầm nhìn xa hơn cho hoạt động văn học, nghệ thuật và hoạt động nghề nghiệp của nghệ sĩ. Văn học, nghệ thuật phải góp phần hình thành các phẩm chất tốt đẹp của con người, định hướng những giá trị đạo đức đúng đắn, tốt đẹp trong xã hội, muốn như vậy phải có tác phẩm hay, mang hơi thở cuộc sống và giá trị nhân sinh.

Cần xác định ranh giới đâu là nghệ sĩ, đâu là người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật để những hoạt động của một số cá nhân không làm ảnh hưởng đến giới văn nghệ sĩ nói chung. Xem xét đề xuất các giải pháp hỗ trợ đảm bảo đời sống cơ bản cho nghệ sĩ tại các đơn vị nghệ thuật công lập.

Một trong những suất diễn hiếm hoi của Nhà hát Trần Hữu Trang trong mùa dịch.

Một trong những suất diễn hiếm hoi của Nhà hát Trần Hữu Trang trong mùa dịch.

Một vấn đề gần đây cũng cũng làm cho một vài nghệ sĩ bị ít nhiều ảnh hưởng uy tín và danh dự đó là việc làm từ thiện. Không phủ nhận việc dùng uy tín cá nhân để huy động làm từ thiện của nghệ sĩ thời gian qua đã giúp đỡ được một bộ phận bà con khó khăn tạm thời qua cơ hoạn nạn, điều đó rất đáng quý và trân trọng.

Tuy nhiên, gần đây cho thấy những việc làm đó có nhiều bất cập khi sự minh bạch không được đem lên hàng đầu mà chủ yếu bằng lòng tin và những việc chưa rõ ràng làm cho cả người đứng ra kêu gọi và người đóng góp đều giảm lòng tin lẫn nhau.

Đã có nhiều nghệ sĩ có uy tín, gạo cội trong nghề có kinh nghiệm trong việc làm việc thiện chưa bao giờ mang tai tiếng đó là vì họ biết dựa vào chính quyền, tổ chức xã hội, nơi có các tổ chức giám sát lẫn nhau trong thực hiện trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân và dẫu nếu có sai phạm cũng có cơ quan nhà nước xử lý và buộc phải bồi thường.

Vì vậy, cách tốt nhất khi nghệ sĩ làm từ thiện có thể dùng uy tín cá nhân của mình để quyên góp theo quy định pháp luật nhưng cũng cần phối hợp với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, để nguồn quỹ được giám sát và sử dụng một cách minh bạch, rõ ràng, đúng người, đúng đối tượng. Đó cũng là một cách thể hiện trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ với xã hội, với đất nước.

Theo thanhuytphcm.vn – Mai Anh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết mới