Thứ Sáu, 11/10/2024, 22:45

Ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi kinh doanh thực phẩm ‘bẩn’

Xem thêm

Nhiều vụ kinh doanh thực phẩm “bẩn” đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, không ít đối tượng vẫn bất chấp. Để quản lý tốt hơn vấn đề an toàn thực phẩm, Hà Nội tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi kinh doanh thực phẩm “bẩn”.

Lượng thực phẩm “bẩn” bị lực lượng chức năng thu giữ. Ảnh: QLTT.

Liên tiếp bắt giữ vi phạm về thực phẩm ‘bẩn’

Theo lực lượng chức năng Hà Nội, tình trạng tuồn thực phẩm “bẩn” ra thị trường ngày càng gia tăng bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, gây bức xúc dư luận. Thời gian qua, nhiều vụ kinh doanh thực phẩm “bẩn” đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.

Cụ thể, vào ngày 26/4, các trinh sát của Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP. Hà Nội phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ gần 1 tấn trứng non và nầm động vật đông lạnh đã bốc mùi hôi thối tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện Phúc Thọ. Chủ cơ sở không xuất trình được bất kỳ giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc số trứng non và nầm động vật hôi thối này.

Trước đó, ngày 25/4, cơ quan chức năng huyện Thanh Trì cũng phát hiện lô hàng kem sữa đặc có đường có trọng lượng khoảng 10 tấn do nước ngoài sản xuất quá hạn sử dụng ghi trên vỏ hộp cùng 30.000 que kem thành phẩm được làm từ lô kem sữa hết hạn kể trên đang chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ.

Mới đây nhất, ngày 10/5, Đội 4 – Phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố Hà Nội) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 22, Cục Quản lý thị trường Hà Nội và Công an quận Bắc Từ Liêm kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm Đông lạnh, địa chỉ tại số 564 Bờ Tây sông Nhuệ, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm.

Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện, tạm giữ tại địa điểm kinh doanh trên tổng số 533kg thực phẩm đông lạnh gồm: Đùi gà, gà ủ muối, mỡ lợn.

Thời điểm kiểm tra, đại diện cơ sở được ủy quyền là Nguyễn Thị Hường (sinh năm 1985; trú tại phường Cổ Nhuế 2) không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ…

Trước đó, lực lượng chức năng thành phố Hà Nội trong quá trình làm nhiệm vụ, phát hiện bên trong xe tải biển kiểm soát 24H-018.78 có chứa 20 thùng carton, bên ngoài in chữ Trung Quốc, xác định là thực phẩm ăn liền. Lái xe không xuất trình được các giấy tờ có liên quan đến lô hàng.

Quá trình điều tra, lực lượng liên ngành xác định, toàn bộ số hàng trên là của Bàn Văn Dương (sinh năm 2000; trú tại xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) thu mua trôi nổi trên thị trường, sau đó, thuê xe tải, vận chuyển từ Lào Cai về Hà Nội để bán lẻ cho các cửa hàng tạp hóa, ki ốt bán đồ ăn vặt tại các khu vực trường học, có đông học sinh, sinh viên.

Kết quả kiểm đếm cho thấy, bên trong 20 thùng các tông trên là 900 gói xúc xích và 5.400 gói cánh gà ăn liền. Tổng giá trị số hàng khoảng 40 triệu đồng…

Xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật

Thực tế cho thấy, an toàn thực phẩm là nỗi lo thường xuyên của người tiêu dùng. Thực phẩm “bẩn” không những ảnh hưởng đến sức khỏe và còn là tác nhân dẫn đến suy giảm sức lao động. Tuy nhiên, vì lợi nhuận trước mắt, các đối tượng vẫn tìm mọi cách tuồn thực phẩm “bẩn” ra thị trường với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Để thị trường thực phẩm được an toàn, đồng thời để hưởng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023,  UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1983/QĐ-UBND về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm.

Trong đó tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt chú trọng nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, thực phẩm, nông sản.

Đồng thời, xử lý, kiến nghị xử lý hoặc chuyển xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, lực lượng Quản lý thị trường vẫn liên tiếp kiểm tra, tạm giữ hàng hóa là các lô hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà yêu cầu các sở, ban, ngành, ban chỉ đạo an toàn thực phẩm quận, huyện, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, kinh doanh đến tiêu dùng.

Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra theo kế hoạch cũng như đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các bếp ăn tập thể, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm… cương quyết xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thời gian qua, “cuộc chiến” với thực phẩm “bẩn” chưa bao giờ hết “nóng”. Thực tế cho thấy, để nâng cao hiệu quả của công tác này, ngoài nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm…

Không chỉ cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người dân cũng phải kiên quyết nói không với thực phẩm “bẩn”, đồng thời nâng cao ý thức đấu tranh, tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm để kịp thời xử lý…

Theo Cổng TTĐT Chính phủ – Diệu Anh

 

 

Bài viết mới