Để công cuộc phòng, chống tham nhũng và tiêu cực đi vào thực chất, chuyên gia cho rằng, việc minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ có chức vụ, quyền hạn sẽ là giải pháp tối ưu…
Theo đó, để công cuộc phòng, chống tham nhũng và tiêu cực đi vào thực chất, theo chỉ đạo của Thủ tướng, mới đây Thanh tra Chính phủ đã có văn bản 2220/TTCP-C.IV gửi các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương về định hướng xác minh tài sản, thu nhập năm 2023 của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Minh bạch tài sản quan chức được cho là giải pháp giúp việc kê khai tài sản không trở thành hình thức – Ảnh minh họa: NLĐ.
Cụ thể, Thanh tra Chính phủ đề nghị các cơ quan liên quan ban hành kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập đối với cán bộ có phụ cấp từ 0,9 trở lên (tương đương cấp vụ, cục trưởng, giám đốc sở, ngành) và người giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý chủ chốt trong doanh nghiệp Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ, do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu.
Trọng tâm xác minh tài sản, thu nhập sẽ tập trung vào các cán bộ hoạt động trong các ngành, lĩnh vực nhạy cảm như đầu tư xây dựng, tài chính, ngân hàng; quản lý vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp; quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, y tế, quy hoạch, đấu thầu, đấu giá; mua bán, chuyển nhượng tài sản công; đầu tư công, dịch vụ công; cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước; hoạt động huy động vốn, phát hành trái phiếu; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý các vụ án, vụ việc; cán bộ hoạt động trong lĩnh vực tổ chức, cán bộ.
Bên cạnh định hướng xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn năm 2023, Thanh tra Chính phủ cũng vừa lập tổ công tác để xác minh tài sản, thu nhập của 30 cán bộ quản lý cấp cục, vụ thuộc các bộ, ngành và lãnh đạo các doanh nghiệp Nhà nước.
Theo chuyên gia, minh bạch tài sản, thu nhập của quan chức trước khi bổ nhiệm là điều đương nhiên để tránh rủi ro tha hóa quyền lực – Ảnh minh họa: Internet.
Trước động thái đã nêu, nhiều ý cho rằng, đề xuất của Thanh tra Chính phủ là hoàn toàn phù hợp với diễn biến hiện nay, bởi việc minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ có chức vụ, quyền hạn sẽ là lời giải cho bài toán phòng, chống tham nhũng tiêu cực hiện nay.
Thông tin với báo chí, ông Thang Văn Phúc – nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, minh bạch tài sản, thu nhập của quan chức trước khi bổ nhiệm là điều đương nhiên để tránh rủi ro tha hóa quyền lực.
Việc cán bộ khai đúng hay không đúng giá trị tài sản, thu nhập cần hậu kiểm, các nước họ cũng làm vậy, tương tự như kê khai thuế, hậu kiểm là quan trọng.
Và để khắc phục việc kê khai tài sản, thu nhập hình thức của nhiều quan chức hiện nay, ông Phúc khuyến nghị quy định về kê khai tài sản cần cụ thể hơn.
Đồng thời, cần đặt ra mục tiêu trong năm năm phải kiểm tra, kiểm soát được tài sản, thu nhập của tất cả các cán bộ trong bộ máy quản lý. Cán bộ nào có dấu hiệu không ổn thì xác minh trước, cán bộ bình thường làm sau.
Còn theo ông Nguyễn Quang Đồng – viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và phát triển truyền thông, về mặt công nghệ, xác minh dữ liệu thu nhập, tài sản của quan chức để công khai, minh bạch là không khó.
Theo ông Đồng, việc công khai thu nhập của các quan chức từ cấp giám đốc sở ở địa phương, cấp cục trưởng, vụ trưởng ở các bộ, ngành trung ương là phù hợp.
Vấn đề là không chỉ công bố riêng tài sản của quan chức mà phải công bố thêm tài sản của vợ con, anh em của các quan chức. Đây là yêu cầu bắt buộc nếu thực sự muốn kiểm soát, minh bạch tài sản, thu nhập của quan chức.
Bên cạnh các ý kiến đã nêu, một số chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Nhà nước pháp quyền thì việc kê khai minh bạch tài sản, thu nhập của quan chức càng trở nên cần thiết hơn. Mỗi cán bộ phải bảo đảm minh bạch mọi tài sản, thu nhập trước khi ngồi vào vị trí quản lý.
Ở một diễn biến khác, theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), việc kê khai tài sản, thu nhập mới giải quyết phần ngọn trong chống tham nhũng, tiêu cực. Cần giải quyết cả cái gốc là cải thiện thu nhập của cán bộ để họ yên tâm công tác.
Đồng thời, tạo lập cơ chế tuyển chọn, đánh giá cán bộ tốt; các quy định của pháp luật cần rõ về quyền hạn, trách nhiệm. Tính đến một hệ thống điều tra, xử lý tham nhũng độc lập hơn…
“Cơ quan này ở các nước thường độc lập với hoạt động của chính phủ, điều này sẽ chống được tham nhũng trong chính cơ quan chống tham nhũng. Cơ quan độc lập về chống tham nhũng sẽ thuộc về người có quyền lực cao nhất, đủ uy tín”, Luật sư Nguyễn Tiến Lập chia sẻ.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, nhiều nước đã thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập nhưng để phục vụ nộp thuế, để nhà nước công nhận tài sản là hợp pháp vì mọi tài sản đều có nguồn gốc. Mọi tài sản, nguồn tiền gửi ngân hàng đều phải chứng minh nguồn gốc.
“Trong khi đó, ở ta là kê khai tài sản, thu nhập nội bộ trong hệ thống, phục vụ răn đe, giám sát nội bộ, vì thế không phát huy hiệu quả tối đa. Kê khai tài sản, thu nhập là chưa đủ để kiểm soát quan chức lạm dụng quyền lực để trục lợi”, Luật sư Nguyễn Tiến Lập khẳng định.
Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp – Gia Nguyễn