Trên thực tế, vùng Đông Nam Bộ hiện nay với hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển và đường thủy nội địa cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải, hạ tầng hàng không cơ bản đáp ứng sau khi đưa vào khai thác sân bay Long Thành, nâng cấp sân bay Côn Đảo, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên hệ thống đường bộ, đường sắt đô thị vẫn là nút thắt cần tháo gỡ của vùng kinh tế phát triển nhất cả nước này.
Vùng Đông Nam bộ bao gồm 7 tỉnh/thành (TPHCM, các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Bình Thuận) với diện tích toàn vùng khoảng 31.373 km2, bằng 9,4% diện tích cả nước. Dân số khoảng 19,06 triệu người, chiếm 19,8% cả nước.
Vị trí địa lý phía Đông tiếp giáp với Biển Đông có thềm lục địa giàu tài nguyên thiên nhiên với đặc điểm địa hình tương đối bằng phẳng, địa chất tốt, khí hậu ôn hòa, có nhiều sông sâu, bồi lấp ít, thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, cảng biển, du lịch và công nghiệp.
Đủ 5 phương thức vận tải
Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ GTVT, Đông Nam Bộ là khu vực hội tụ đủ cả 5 phương thức vận tải: Đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng không, và đường biển.
Về đường bộ, mặc dù mạng đường bộ được phân bố tương đối hợp lý nhưng cơ bản hệ thống trục quốc lộ chính yếu đã quá tải (QL1, QL13, QL51, QL22, QL14), trong khi hệ thống cao tốc là trục xương sống của hệ thống đường bộ đầu tư chậm.
Theo quy hoạch, trong khu vực có 11 tuyến cao tốc với tổng chiều dài 911km; đến năm 2020 đưa vào khai thác khoảng 497km. Nhưng, đến nay, mới đưa vào khai thác 122km và đang đầu tư 278km cao tốc.
Đường thủy nội địa hiện có 4 tuyến hành lang chính đóng vai trò kết nối nội vùng và liên vùng gồm 2 tuyến hành lang kết nối phía Đông và Tây khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (tuyến TPHCM đi Cà Mau, TPHCM – Kiên Lương qua Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên); tuyến hành lang kết nối TPHCM với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương qua sông Đồng Nai và tuyến hành lang kết nối TPHCM với cảng Cái Mép – Thị Vải qua sông Nhà Bè và sông Đồng Tranh.
Hệ thống đường thủy cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải, một số điểm nghẽn đã được tháo gỡ như tĩnh không cầu Bình Lợi trên Sông Sài Gòn, cầu Gềnh trên sông Đồng Nai, kênh Chợ Gạo.
Hệ thống cơ sở hạ tầng cảng biển trong vùng đã được đầu tư phát triển theo quy hoạch với quy mô và trang thiết bị hiện đại, đồng bộ gồm: 1 cảng biển tổng hợp quốc gia cửa ngõ quốc tế loại IA (cảng biển Vũng Tàu); 2 cảng biển loại I (cảng biển TPHCM, cảng biển Đồng Nai); 1 cảng biển loại II (cảng biển Bình Dương), với tổng công suất là 283,3 triệu tấn/năm, thực tế năm 2018 là 242 triệu tấn đạt khoảng 87% công suất.
Ngày 26/10 vừa qua, cảng quốc tế Cái Mép đã đón tàu container Margrethe Maersk là một trong những tàu container lớn nhất thế giới hiện nay, có trọng tải 214.121 DWT, sức chở hơn 18.300 TEU, dài gần 400m. Nếu xếp 18.000 container 20 feet khi tàu chở đầy thành một hàng thì chiều dài lên đến trên 100km
Ngoài ra, hệ thống hạ tầng cảng cạn cũng đã được quy hoạch tại hai khu vực chính là khu vực Đông Bắc TPHCM với 24 cảng cạn và khu vực Tây Nam TPHCM với 5 cảng cạn.
Đường sắt hiện có 1 tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy qua vùng có chiều dài 110km, khổ đường 1.000mm, qua Đông Nam Bộ có 13 ga, trong đó ga Sài Gòn, Sóng Thần, Dĩ An, Biên Hòa, Bình Triệu là các ga lớn.
Về hàng không, hiện có 2 cảng hàng không đang hoạt động, trong đó Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất có vai trò trung tâm của khu vực phía Nam (cả quốc tế và quốc nội) đạt cấp 4E theo tiêu chuẩn ICAO và Cảng hàng không Côn Sơn (Côn Đảo). Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến khởi công hạng mục đầu tiên cuối năm 2020, hoàn thành giai đoạn I dự án vào năm 2025.
Có thể thấy, các quy hoạch về hạ tầng giao thông của vùng Đông Nam Bộ về cơ bản đã phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của vùng, chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải quốc gia với hạt nhân vùng là TPHCM, theo mô hình nan quạt được kết nối với các tỉnh trong khu vực bằng các tuyến quốc lộ với là đường bộ cao tốc và vành đai vùng, đường sắt, đường thủy; giao thông đối ngoại thông qua cảng biển và cảng hàng không.
Điểm nghẽn về hạ tầng
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Đầu tư, trên thực tế, hiện nay chỉ có hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển và đường thủy nội địa cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải của khu vực này; hạ tầng hàng không đáp ứng sau khi đưa vào khai thác sân bay Long Thành và nâng cấp sân bay Côn Đảo, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Còn hệ thống đường bộ, đường sắt đô thị vẫn đang là nút thắt của khu vực.
Các tuyến đường liên vùng, hướng tâm, vành đai, các tuyến nối cảng biển, cảng hàng không và các cửa khẩu quốc tế chưa hoàn chỉnh. Đặc biệt là tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 TPHCM và các tuyến đường bộ cao tốc kết nối tới TPHCM. Mạng đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị chưa phát triển.
Khu vực đã có nhiều cảng cạn nhưng phần lớn là quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, chưa hình thành được các trung tâm logistics, cảng cạn quy mô lớn có vai trò trung chuyển hàng hóa đa phương thức của vùng, đặc biệt là cho các trung tâm sản xuất, tiêu thụ, tiếp nhận hàng hóa lớn như TPHCM, Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, các cảng biển Vũng Tàu, cảng biển THCM.
Các tuyến đường sắt nội đô chậm được đầu tư xây dựng tạo nên sức ép, ùn tắc giao thông đô thị tại TPHCM.
Tình trạng quá tải diễn ra cả trên một số tuyến đường bộ, sân bay, cảng biển và đường thủy nội địa nên chất lượng vận tải và dịch vụ vận tải chưa cao, tính cạnh tranh thấp, chi phí chưa hợp lý, kết nối giữa các phương thức vận tải còn hạn chế, chưa phát huy hiệu quả liên kết vùng; hạ tầng hiện vẫn là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển kinh tế – xã hội trong vùng nếu không sớm được cải thiện.
Đề án kết nối mạng giao thông các tỉnh thuộc các vùng kinh tế trọng điểm
Thực hiện Luật Quy hoạch và triển khai nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ GTVT đang chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ rà soát, đánh giá để xây dựng các Quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực GTVT, lập Đề án kết nối mạng giao thông các tỉnh thuộc các vùng kinh tế trọng điểm, trong đó có Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trên cơ sở đó đề xuất danh mục ưu tiên đầu tư cho kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, chiến lược phát triển cho giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về đường bộ, cần tập trung nguồn lực để đầu tư đường bộ cao tốc thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, các tuyến cao tốc nối TPHCM với các cửa ngõ, các đầu mối giao thông quan trọng và các đường vành đai gồm: Vành đai 3, Vành đai 4 TPHCM; cao tốc TPHCM – Mộc Bài, cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, đầu tư mở rộng tuyến TPHCM – Long Thành – Dầu Giây theo quy hoạch và hoàn thành đầu tư tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Về đường sắt, ưu tiên việc nâng cấp tuyến đường sắt Bắc – Nam và khu đầu mối TPHCM hiện có để nâng cao hiệu quả khai thác đường sắt. Phát triển đường sắt đô thị, đường sắt nội ngoại ô TPHCM; từng bước xây dựng đường sắt kết nối với các cảng biển, khu kinh tế lớn và khu đầu mối TPHCM; nghiên cứu xây dựng đường sắt Dĩ An (TPHCM) – Lộc Ninh (Bình Phước) để kết nối với đường sắt xuyên Á; nghiên cứu phương án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đôi tốc độ cao Bắc – Nam, khổ 1.435 mm, trong đó ưu tiên xây dựng trước đoạn TPHCM – Nha Trang.
Nghiên cứu xây dựng mới tuyến đường sắt khổ 1.435 mm nối TPHCM với thành phố Vũng Tàu và ra cảng Cái Mép – Thị Vải và nối TPHCM với thành phố Cần Thơ, TPHCM đi Tây Ninh, kéo dài đến cửa khẩu Xa Mát.
Cải tạo, nâng cấp và hoàn thành đưa vào cấp kỹ thuật các luồng tuyến vận tải thủy nội địa như các tuyến TPHCM đi Kiên Lương, TPHCM đi Cà Mau, TPHCM đi Bến Kéo, TPHCM đi Bến Súc; nâng cấp, nâng tĩnh không các cầu, nâng cao năng lực luồng vận tải thủy.
Với hệ thống cảng biển, tổ chức khai thác hiệu quả hệ thống cảng biển hiện có, đặc biệt là cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép – Thị Vải, tập trung hình thành và phát triển các cảng cạn, các trung tâm logistics của vùng.
Về hàng không, giai đoạn đến năm 2030, khu vực Đông Nam Bộ có 3 cảng hàng không là Tân Sơn Nhất, Long Thành và Côn Đảo, với tổng công suất là 102 triệu hành khách/năm (trong đó Tân Sơn Nhất là 45-50 triệu, Long Thành là 50 triệu và Côn Đảo là 2 triệu).
Nguồn lực thực hiện các dự án nêu trên, hiện Bộ GTVT đang xây dựng theo hướng huy động đa dạng nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên các nguồn lực để đầu tư các công trình trọng điểm, có vai trò động lực, lan toả, liên kết vùng.
Trong đó, kết hợp hiệu quả nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương, có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
“Bộ GTVT đã trình lên Chính phủ Đề án kết nối mạng giao thông các tỉnh thuộc các vùng kinh tế trọng điểm với tổng mức đầu tư của các dự án ưu tiên của khu vực Đông Nam Bộ vào khoảng 54.000 tỷ đồng.
Do đó, việc cân đối đủ nguồn lực trong bối cảnh hiện nay vẫn đang là một thách thức và có thể nói là trở ngại lớn nhất”, ông Nguyễn Danh Huy cho biết.
Để lắng nghe thêm nhiều ý kiến đóng góp của bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương, các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, các doanh nghiệp cùng hiến kế giúp thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông cho khu vực Đông Nam Bộ, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp cùng Báo Tuổi trẻ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ”, diễn ra tại TP Vũng Tàu vào ngày 22/11. |
Theo Cổng TTĐT Chính phủ – Phan Trang