Thứ Năm, 28/03/2024, 16:54

Gói 120 nghìn tỷ làm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân triển khai như thế nào?

Xem thêm

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, có 4 ngân hàng đã đồng ý thống nhất gói tín dụng quy mô 120 nghìn tỷ đồng, mỗi ngân hàng sẽ dành khoảng 30 nghìn tỷ đồng cho 2 đối tượng là nhà ở xã hội và nhà ở công nhân.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vào chiều 3/3/2023, thông tin về việc triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng dành cho thị trường bất động sản, tập trung vào việc xây nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, Phó Thống đốc NHNN – ông Phạm Thanh Hà nhận định: 

“Khó khăn của thị trường bất động sản có nhiều nguyên nhân, có thể đến từ khía cạnh pháp lý, có thể từ khía cạnh thị trường như mất cân đối cung cầu thị trường các loại bất động sản khác nhau cũng như liên quan đến vấn đề về vốn. Đối với thị trường bất động sản có nhiều nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn từ ngân hàng”.

Phó Thống đốc cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao cho NHNN ưu tiên nguồn vốn cho nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, Bộ Xây dựng đề xuất NHNN bố trí gói tín dụng ưu đãi liên quan 2 phân khúc nhà ở này.

Sau khi phân tích với điều kiện hiện nay và cân nhắc với tình hình thực tế, NHNN đã bàn với 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước là Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank và 4 ngân hàng đã đồng ý thống nhất gói tín dụng quy mô 120 nghìn tỷ đồng với nội dung mỗi ngân hàng sẽ dành khoảng 30 nghìn tỷ đồng cho 2 đối tượng là nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân.

Trường hợp có thêm các ngân hàng thương mại đủ điều kiện tham gia thì quy mô gói này có thể tăng lên.

Liên quan tới lãi suất, xuất phát từ việc muốn giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản nên các ngân hàng đã dự kiến mức lãi suất cho vay gói này sẽ thấp hơn  từ 1,5-2% so với tất cả mức cho vay thông thường của các ngân hàng.

Sau cuộc họp của Chính phủ về giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.

Trên cơ sở nội dung của Nghị quyết được ban hành, NHNN sẽ triển khai theo đúng chỉ đạo của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Cụ thể là gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng với 4 ngân hàng thương mại vốn Nhà nước cùng với lãi suất thấp 1,5-2% so với mức cho vay thông thường.

Phó Thống đốc NHNN – ông Phạm Thanh Hà. Ảnh: chinhphu.vn.

Về nội dung này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ – ông Trần Văn Sơn cho biết, gói 120 nghìn tỷ này chủ yếu tập trung cho nhà ở xã hội và nhà ở công nhân ở các khu công nghiệp và khu kinh tế.

Nhà ở xã hội có một số chính sách ưu đãi, theo NHNN là lãi suất giảm so với lãi suất cho vay khoảng từ 1,5-2%, chưa  tính đến là khi triển khai, tiền sử dụng đất cũng được Nhà nước miễn hay một số chính sách khác nữa với mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Việc này Chính phủ đã bàn nhiều và sẽ ban hành Nghị quyết liên quan đến việc tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh trong thời gian tới.

Thông tin về nội dung họp thường kỳ của Chính phủ, ông Trần Văn Sơn cho biết tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 0,45% so với tháng 1 và tăng 0,97% so với tháng 12/2022.

Thu NSNN tháng 2 đạt 124,6 nghìn tỷ đồng, lũy kế 2 tháng đạt 362,3 nghìn tỷ đồng, tăng trên 10,6% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tháng 2 là 25,9 tỷ USD, lũy kế 2 tháng đạt 49,4 tỷ USD, nhập khẩu 46,2 tỷ USD, xuất siêu 2,82 tỷ USD… nhiều lĩnh vực phát triển ổn định, đạt được kết quả tốt.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn cho rằng, nước ta còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý, trong đó đáng chú ý là:

Ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, sức ép về lạm phát còn cao; Tăng trưởng tín dụng thấp, rủi ro nợ xấu gia tăng; Lạm phát, cạnh tranh chiến lược, tăng giá dầu, giá khí, an ninh lương thực, an ninh thông tin tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực;

Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm, nhất là ngành chế biến, chế tạo; Thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp; Việc triển khai một số chính sách của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm;

Số vốn FDI thực hiện giảm; Thị trường vốn, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa được khắc phục triệt để ở một số bệnh viện; Tình hình an ninh trật tự, nhất là tội phạm về ma túy vẫn diễn biến phức tạp, nhất là các địa bàn ở vùng Tây Bắc.

Sau khi phân tích tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, đặc biệt là khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn so với cơ hội, thuận lợi, tạo ra áp lực rất lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ cần nhất quán, kiên trì, kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Các bộ ngành, địa phương cần chủ động phân tích, đánh giá tình hình, có các giải pháp điều hành cân bằng, hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng, giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.

Các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chủ động triển khai các công việc trên cơ sở bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, nhất là Nghị quyết 01 của Chính phủ và Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phân công, phân cấp rõ ràng đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, năng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc.

Chủ động giải quyết các khó khăn của người dân, doanh nghiệp, các vướng mắc về pháp lý với tinh thần: đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể; chủ động, kịp thời ứng phó, xử lý hiệu quả những vấn đề phát sinh, những vấn đề mới.

Thực hiện chính sách tiền tệ, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, tăng trưởng tín dụng hướng vào các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư. 

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ:

Trước hết là tập trung cho công tác quy hoạch, bảo đảm chất lượng, hiệu quả theo phương châm quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, đi trước một bước và mở ra cơ hội, không gian phát triển mới.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ hoạch vốn ngân sách năm 2023, quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm, nhất là các dự án giao thông, làm tổ công tác chuẩn bị đầu tư, tăng cường hoạt động của 6 tổ công tác, giải quyết các khó khăn, vướng mắc ở cơ sở.

Tập trung rà soát, thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 CTMTQG, bảo đảm đúng quy định nhưng không ách tắc.

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển SXKD, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, nhất là rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật; trước các vướng mắc thực tiễn, các vấn đề mà cuộc sống đặt ra thì phải ưu tiên giải quyết ngay. Rà soát, có giải pháp phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các loại thị trường, nhất là thị trường bất động sản.

Thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, chăm lo đời sống nhân dân theo tinh thần không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, nâng cao đời sống cả vật chất và tinh thần để người dân ngày càng ấm no và hạnh phúc.

Theo dõi sát, kịp thời có giải pháp đảm bảo kết nối cung cầu lao động, phát triển thị trường lao động an toàn, lành mạnh, hiệu quả hội nhập.

Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường kỷ luật kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định chính trị, đẩy mạnh hội nhập và đối ngoại. 

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, chú ý đấu tranh quyết liệt, phản bác thông bác thông tin xấu độc, thông tin giả, chống phá Đảng, Nhà nước, đi ngược lại lợi ích của nhân dân.

Bên cạnh giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, cơ quan, Thủ tướng cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, thực hiện quyết liệt hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là chăm lo đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo, các chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế.

Tập trung thực hiện tốt 5 công tác: Quy hoạch; giải quyết khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; giải phóng mặt bằng cho các dự án lớn; triển khai các chương trình mục tiêu; xúc tiến đầu tư, thương mại, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng.

Theo reatimes.vn – Ngọc Quang

 

 

Bài viết mới