Thứ Năm, 02/05/2024, 18:13

EuroCham kỳ vọng tín hiệu tích cực khi Việt Nam mở cửa trở lại

Xem thêm

Lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) lạc quan hơn về môi trường kinh doanh của Việt Nam sau khi giãn cách xã hội kết thúc, bắt đầu giai đoạn “bình thường mới” của thương mại và đầu tư. Dấu hiệu tích cực và tâm lý lạc quan đã được thể hiện trong Chỉ số Môi trường kinh doanh EuroCham quý III (Business Climate Index – BCI).

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với đại diện EuroCham trong một hội nghị đối thoại.

Theo EuroCham, kết quả BCI mới nhất chứng kiến mức tăng nhẹ nhưng đáng khích lệ, với 18,3 điểm phần trăm, tăng 3 điểm từ mức điểm thấp kỷ lục là 15 điểm phần trăm được ghi nhận trong thời kỳ khó khăn nhất của đợt dịch lần thứ tư hồi tháng 9.
Mặc dù vẫn ở mức thấp, nhưng BCI đã ghi nhận những cải thiện về triển vọng kinh tế của Việt Nam. Hiện có gần một nửa số lãnh đạo các doanh nghiệp và nhà đầu tư (49%) dự đoán triển vọng kinh tế sẽ ổn định và cải thiện trong quý tới, so với chưa đầy 1/5 (19%) được ghi nhận trong quý II.

Tuy nhiên, lãnh đạo các doanh nghiệp vẫn thận trọng về việc tuyển dụng nhân sự, đầu tư và dự báo lợi nhuận của doanh nghiệp. Các công ty đang áp dụng cách tiếp cận “chờ đợi và xem xét” để bố trí nhân sự, với khoảng 1/5 số người tham gia khảo sát cho biết họ có dự định tuyển dụng thêm nhân công trong vòng 4 tháng tới. Tương tự, tỉ lệ các doanh nghiệp có kế hoạch duy trì hoặc tăng vốn đầu tư trong quý IV (69%) chỉ cao hơn 2 điểm so với quý trước, với dự báo doanh thu cũng tăng.

Khoảng một nửa số công ty tham gia khảo sát vẫn đang hoạt động ở tần suất thấp so với thời điểm trước đại dịch, trong khi việc hạn chế đi lại kéo dài và tình trạng thiếu nhân sự tiếp tục ảnh hưởng đến 2/3 số công ty. Điều này cho thấy, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết nếu Việt Nam muốn phát huy hết tiềm năng của mình trong thương mại và đầu tư sau đại dịch.

Về kết quả khảo sát, ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham cho biết, mặc dù BCI vẫn ở mức thấp, nhưng điều quan trọng nhất là chỉ số này hiện đang có xu hướng dịch chuyển theo hướng tích cực. Với việc đại dịch hiện đã được kiểm soát ở Việt Nam, sự lạc quan của lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu sẽ tiếp tục tăng khi các công ty trở lại hoạt động bình thường và niềm tin của người tiêu dùng tăng lên.

“Tuy nhiên, lãnh đạo các doanh nghiệp vẫn đang gặp phải những thách thức trong hoạt động thương mại của mình. Với 2/3 số công ty đang chịu tác động của việc hạn chế di chuyển và tình trạng thiếu người lao động, cho thấy nhu cầu cấp thiết phải tăng tốc việc cho phép các chuyên gia nước ngoài đã tiêm chủng đầy đủ được bắt đầu công việc sớm và đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng cho người lao động trong nước”, ông Alain Cany lưu ý.

Bình luận về kết quả BCI, ông Thue Quist Thomasen, Giám đốc Điều hành YouGov Việt Nam cho biết thêm: Đằng sau kết quả BCI là một xu hướng mới đầy thú vị. Trong khi niềm tin vào triển vọng đối với môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có một sự gia tăng nhỏ nhưng đáng khích lệ, các công ty lại lưỡng lự hơn một chút khi nói đến hoạt động của công ty mình.

“Điều này cho thấy rằng các lãnh đạo doanh nghiệp đang chờ xem các điều kiện và quy định trong điều kiện ‘bình thường mới’ diễn ra như thế nào trước khi đưa ra các cam kết quan trọng về các dự án đầu tư hoặc kế hoạch tuyển dụng. Dữ liệu mới nhất sẽ cung cấp cho chúng tôi cơ sở để lạc quan nhưng cũng thận trọng trong những tháng tới “, ông Thue Quist Thomasen nói.

Theo các chuyên gia và đại diện các hiệp hội DN nước ngoài, Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ đã trở thành giải pháp cứu cánh cho bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động tại Việt Nam, là bước đầu tiên quan trọng để Việt Nam trở về trạng thái bình thường mới. Nghị quyết được đưa ra nhằm loại bỏ sự lây lan của virus, nhưng vẫn cho phép doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong thời kỳ bình thường mới.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt cho các doanh nghiệp là tìm ra sự cân bằng giữa việc phục hồi và xây dựng lại hoạt động, trong khi vẫn giữ an toàn cho nhân viên. Các bên liên quan phải được thông báo đầy đủ và kịp thời để có sự chuẩn bị phù hợp, chuyển đổi cách thức sản xuất trong ngắn hạn để thích ứng nhanh, hiệu quả với tình hình mới, như hạn chế di chuyển và giãn cách xã hội.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ – Anh Minh

Link gốc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết mới