Thứ Ba, 15/10/2024, 22:11

ECB sẽ ra quyết định về đồng euro kỹ thuật số vào tháng 10/2023

Xem thêm

ECB đang nghiên cứu xem có nên phát hành đồng euro kỹ thuật số hay không, giới hạn 3.000 euro đang được cân nhắc như một giải pháp thay thế tiền mặt, nhưng không phải là nơi để giữ tài sản lưu động.

Ảnh minh họa. (Nguồn: ledgerinsights.com).

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết đồng tiền kỹ thuật số của họ sẽ không phải một kho lưu trữ giá trị, trái ngược với các đối tác toàn cầu.

Khi đồng euro kỹ thuật số tiến gần hơn để trở thành một thực tế, châu Âu cần đưa ra quyết định quan trọng nhằm xác định vai trò của đồng tiền này trong nền kinh tế: số lượng euro kỹ thuật số mà một người dân có thể nắm giữ cùng một lúc.

ECB vẫn đang nghiên cứu xem có nên phát hành đồng euro kỹ thuật số hay không. Giới hạn 3.000 euro đang được cân nhắc.

Mức này sẽ giúp đồng euro kỹ thuật số đóng vai trò như một giải pháp thay thế tiền mặt, nhưng không phải là nơi để giữ tài sản lưu động đáng kể.

Dự kiến, Ngân hàng trung ương này sẽ ra quyết định về các bước tiếp theo liên quan đến đồng euro kỹ thuật số vào tháng 10/2023.

Để so sánh, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cho biết họ có thể cho phép người dân nắm giữ từ 10.000-20.000 bảng Anh (khoảng 12.480-24.960 USD), đủ để xử lý hầu hết các giao dịch hàng ngày nếu đồng bảng kỹ thuật số xuất hiện.

Về phần mình, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI, ngân hàng trung ương) nhấn mạnh đến tiềm năng chuyển tiền xuyên biên giới của một đồng tiền kỹ thuật số. Trên thế giới, hiện có hơn 100 ngân hàng trung ương đang xem xét các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) và một số ít – bao gồm Trung Quốc – đã đưa loại tiền này vào sử dụng.

Tầm nhìn cho đồng euro kỹ thuật số

Cho dù Liên minh châu Âu (EU) có thực sự cần một đồng euro kỹ thuật số hay không, nhiều nhà hoạch định chính sách dường như đã quyết định rằng họ muốn có loại tiền tệ này.

Cuộc tranh luận sẽ nổ ra vào tháng Sáu tới, khi Ủy ban châu Âu công bố đề xuất lập pháp về các nguyên tắc cho đồng euro kỹ thuật số và trước quyết định của ECB về việc có nên chuyển sang giai đoạn thử nghiệm hay không.

Các quan chức cho rằng quy trình giám sát dân chủ đối với đồng euro kỹ thuật số nên tập trung vào quyền riêng tư, bảo vệ người tiêu dùng và tài chính toàn diện, thay vì các ràng buộc kỹ thuật hoặc yêu cầu quốc tế. ECB nên đưa ra những quyết định về cơ chế, bao gồm cả việc trả lãi hay không và trả lãi như thế nào.

Cho đến nay, ECB đã khẳng định chắc chắn rằng CBDC của họ không nhằm mục đích lưu trữ giá trị. Mục tiêu của đồng euro kỹ thuật số là giúp tăng khả năng tiếp cận các khoản thanh toán an toàn, bảo mật và chi phí thấp cho người dân châu Âu mà không gây bất ổn cho ngân hàng hoặc mở rộng sang dịch vụ tiêu dùng trực tiếp.

Sau khi loại bỏ dần tờ 500 euro để tránh tình trạng rửa tiền hay lưu trữ tiền ngoài hệ thống ngân hàng, châu Âu không nên tạo ra cách thức mới để cho phép người dùng lẩn tránh hệ thống tài chính. Ngoài ra, đồng euro kỹ thuật số cũng không nên được coi như công cụ quản lý khủng hoảng tiềm năng.

Các giới hạn thận trọng đối với việc nắm giữ và sử dụng đồng tiền này dường như là cách tốt nhất để đảm bảo dự án trong phạm vi kiểm soát. ECB đang giới hạn mỗi tháng chỉ cho phép thực hiện 1.000 giao dịch, với giá trị tối đa tiềm năng là 50 euro trong mỗi giao dịch.

Điều này nhằm mục đích bổ sung dòng tiền mặt chứ không thay thế tài khoản ngân hàng, đồng thời giúp huy động thêm nhiều thành phần phi truyền thống tham gia vào nền kinh tế.

Công cụ đối phó khủng hoảng ngân hàng?

Những bất ổn gần đây trong lĩnh vực tài chính, kết hợp với việc Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) thiếu chính sách bảo hiểm tiền gửi chung có thể gây áp lực buộc ECB cân nhắc về việc nâng các khoản trợ cấp dự phòng.

Hiện tại, những người như ông Michiel Hoogeveen, Phó Chủ tịch Ủy ban các vấn đề kinh tế và tiền tệ của Nghị viện châu Âu, đã đặt câu hỏi liệu CBDC có thể nhanh chóng làm suy yếu hệ thống ngân hàng nếu khách hàng ngay lập tức muốn hưởng toàn bộ các khoản trợ cấp của họ.

ECB cần trao đổi rõ ràng với những người nhận định rằng đồng euro kỹ thuật số có thể đóng vai trò là “chốt chặn” cho các khoản tiền gửi thông qua việc tăng các giới hạn tài chính trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Ngân hàng trung ương cần làm rõ rằng đó không phải là mục tiêu của dự án.

Ông Ignazio Angeloni, cựu thành viên Ban giám sát ngân hàng của ECB, nhận thấy dựa theo các giới hạn được đề xuất hiện tại, khoảng 1.000 tỷ euro (1.087 tỷ USD) có thể chảy khỏi các tài khoản tiền gửi ngân hàng để chuyển sang đồng euro kỹ thuật số.

Kịch bản này khó có thể xảy ra, vì những xu hướng dịch chuyển lớn như vậy thường diễn ra từ từ. Xét về tổng thể, con số trên chỉ chiếm khoảng 10% tổng số tiền gửi ngân hàng qua đêm tại châu Âu. Tuy nhiên, nếu thực sự xảy ra, những biến động như vậy có thể gây bất ổn cho những ngân hàng vốn đã yếu kém từ trước.

Xây dựng thiết kế mang tính chiến lược

Chiến lược đồng euro kỹ thuật số của ECB sẽ được xây dựng xung quanh ba đòn bẩy chính: các tính năng để giảm thiểu sử dụng đòn bẩy quá mức, một mô hình phân phối khuyến khích trung gian tài chính, cùng khả năng điều chỉnh các điều kiện thanh khoản khi cần.

Đồng euro. Ảnh: AFP/TTXVN.

Người tiêu dùng sẽ truy cập đồng euro kỹ thuật số thông qua các ngân hàng và nhà cung cấp được cấp phép mà không bị tính phí sử dụng cơ bản. Thay vào đó, chi phí sẽ do người bán và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán chịu, giống như các khoản phí trao đổi được quy định khác.

Gần đây nhất, thành viên Hội đồng quản trị ECB Fabio Panetta cho biết giai đoạn thử nghiệm tiếp theo của đồng euro kỹ thuật số sẽ bao gồm các thị trấn nhỏ để có thể tiếp cận nhiều người hơn, chứ không chỉ giới hạn các bên hoạt động trong lĩnh vực tài chính.

Trong khi ECB đang xem xét liệu có nên điều chỉnh nền tảng thanh toán quy mô lớn hiện tại của mình với các tiêu chuẩn CBDC mới hay không, những thiết kế mang tính thử nghiệm hơn vẫn chưa được thảo luận.

Ví dụ, ông Panetta cho biết đồng euro kỹ thuật số sẽ không bao giờ là “đồng tiền có thể lập trình được” – chỉ cách mà các công nghệ tài chính phi tập trung do tư nhân quản lý có thể sử dụng những đồng tiền như vậy để thiết lập các hợp đồng thông minh. Hiện tại, hoạt động thanh toán của người tiêu dùng đang là trọng tâm chú ý của ECB.

ECB nên coi các cơ hội công nghệ tài chính là mục tiêu hỗ trợ chứ không phải là động lực chính. Một số ngân hàng trung ương đã nhấn mạnh đổi mới là động lực để phát triển đồng CBDC của họ.

Tuy nhiên, các nhà phát triển tư nhân chắc chắn sẽ tính phí cao hơn cho những dịch vụ phức tạp hơn, nhất là khi họ chỉ phục vụ một phần nhỏ trong số những người dùng CBDC tương lai.

Mục tiêu chính của ECB vẫn nên là đưa thanh toán điện tử dễ tiếp cận hơn đối với tất cả người dân Eurozone, bất kể họ sống, làm việc hay du lịch ở quốc gia nào. Bằng cách giải quyết nhu cầu của người dân thay vì tìm cách bịt mọi lỗ hổng trong cơ sở hạ tầng tài chính bằng công cụ mới này, ECB có thể tạo ra một loại tiền kỹ thuật số thực sự hữu ích.

Theo vietstock.vn – Duy Tùng

 

 

Bài viết mới