Thứ Ba, 15/10/2024, 23:06

Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): Cân nhắc tiêu chí để xác định chữ ký điện tử

Xem thêm

Góp ý Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi – phiên bản 10/4/2023), VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc về các tiêu chí để xác định chữ ký điện tử được coi là bảo đảm an toàn…

Theo đó, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản trả lời Công văn số 1404/UBKHCNMT15 ngày 14/4/2023 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi – phiên bản 10/4/2023) (Dự thảo).

VCCI vừa có văn bản góp ý Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi – phiên bản 10/4/2023) – Ảnh minh họa: ITN.

Cụ thể, theo VCCI, Điều 25.1 Dự thảo quy định chữ ký điện tử đủ điều kiện bảo đảm an toàn được có thể thay cho chữ ký của cá nhân. Tuy nhiên, Dự thảo không có quy định nào về các tiêu chí để xác định chữ ký điện tử được coi là bảo đảm an toàn.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về nội dung này, có thể cân nhắc lại quy định tại Điều 22 Luật Giao dịch điện tử 2005.

Bên cạnh đó, góp ý quy định về các điều kiện để việc chuyển đổi giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu có giá trị pháp lý tại Điều 14 Dự thảo. VCCI cho rằng, việc đưa ra các tiêu chuẩn cho việc chuyển đổi giữa hai hình thức “giấy” và “điện tử” có ý nghĩa như căn cứ để các bên xem xét, tin tưởng giá trị của hình thức chuyển đổi.

Tuy vậy, cần lưu ý rằng việc lựa chọn công nghệ và cách thức thực hiện nên cố gắng thiết kế theo hướng mở nhất.

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc về các tiêu chí để xác định chữ ký điện tử được coi là bảo đảm an toàn – Ảnh minh họa: ITN.

Theo VCCI, một mặt, Dự thảo vẫn nên quy định một số phương thức “chuẩn”, có tính an toàn cao và sẽ có giá trị pháp lý mà không cần xem xét lại.

Đây được coi là các điều kiện chuẩn mà các bên có thể lựa chọn tuân thủ để hạn chế các rủi ro pháp lý có thể xảy ra, đặc biệt trong trường hợp các bên chưa có sự tin tưởng lẫn nhau, chẳng hạn trong lần đầu giao dịch. Đương nhiên, các bên sẽ phải chấp nhận chi trả thêm chi phí cho giao dịch này.

Mặt khác, Dự thảo nên cho phép các bên lựa chọn các công nghệ khác, hoặc hình thức khác trong giao dịch điện tử. Các lựa chọn này có thể không an toàn như phương thức “chuẩn”, nhưng có chi phí giao dịch thấp, dễ dàng áp dụng với người dân.

Các bên trong giao dịch, nếu đã có sự tin tưởng nhau, có thể lựa chọn hình thức này để giảm chi phí, thời gian khi thực hiện các giao dịch tiếp theo.

Hoặc các dịch vụ cung cấp đến người dân cũng có thể cân nhắc sử dụng hình thức này do khối lượng giao dịch rất lớn và không phải người sử dụng dịch vụ nào cũng có nhu cầu, điều kiện sử dụng công nghệ theo phương thức chuẩn.

Thứ nhất, Điều 14.1 quy định về chuyển đổi thông điệp dữ liệu từ văn bản giấy. Tuy nhiên, theo VCCI, quy định này chưa bao quát hết các trường hợp phổ biến trong thực tế.

Hiện nay, khi thực hiện thủ tục hành chính, người dân có thể nộp cho cơ quan nhà nước bản scan (qua hệ thống điện tử) và kèm bản chính để đối chiếu sau đó.

Thực tế, đối với văn bản giấy, pháp luật đã cho phép các bên được sử dụng nhiều phương thức khác nhau để đảm bảo bản sao giống bản gốc.

Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định bản sao có giá trị pháp lý khi bản sao được cấp từ sổ gốc; hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính. Điều này có nghĩa là các bản sao được tạo ra theo cách thức này được mặc định có giá trị pháp lý (mà không cần kiểm tra lại).

Tuy vậy, Điều 6 Nghị định 23/2015/NĐ-CP cũng quy định linh hoạt về việc tiếp nhận bản sao của cơ quan Nhà nước, cụ thể có thể nộp bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực (và không cần nộp kèm bản chính); hoặc nộp bản sao kèm bản chính để đối chiếu.

“Quy định này sẽ tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính, vì không nhất thiết cần phải làm các thủ tục chứng thực gây tốn thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính”, VCCI góp ý.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định, có thể vào Điều 14 hoặc vào chương V, quy định về việc tiếp nhận thông điệp dữ liệu chuyển đổi từ văn bản giấy của cơ quan Nhà nước theo hướng chấp nhận thông điệp dữ liệu đáp ứng yêu cầu tại Điều 14.1 Dự thảo; hoặc thông điệp dữ liệu chuyển đổi từ văn bản giấy (chẳng hạn, bản scan, bản chụp), và nộp kèm bản chính để đối chiếu.

Thứ hai, Điều 14.2.d Dự thảo quy định một trong bốn điều kiện để văn bản giấy được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu có giá trị pháp lý là phải có chữ ký, con dấu (nếu có) của tổ chức, cá nhân thực hiện việc chuyển đổi (nếu thông điệp dữ liệu có chữ ký điện tử).

VCCI cho rằng, quy định này chưa thực sự phù hợp, bởi một số trường hợp, các bên sử dụng công nghệ và hệ thống lưu trữ điện tử để xác nhận giá trị của văn bằng, chứng chỉ.

Chẳng hạn, một bằng đại học được cấp dưới dạng thông điệp dữ liệu. Văn bản giấy được in từ thông điệp dữ liệu này sẽ bao gồm một đường link cung cấp thông tin xác thực từ phía nhà trường (hoặc một đơn vị khác mà nhà trường ký hợp đồng cung cấp dịch vụ).

Việc này cho phép người được cấp bằng có thể cung cấp văn bằng, chứng chỉ cho các bên liên quan mà không cần nhờ đến tổ chức cấp bằng (mà có thể ở nước ngoài).

“Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung vào Điều 14.2.d Dự thảo theo hướng các bên có thể sử dụng chữ ký, con dấu của tổ chức thực hiện việc chuyển đổi hoặc phương pháp xác thực thông tin khác”, VCCI đề nghị.

Ngoài những nội dung đã nêu, tại văn bản góp ý, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc một số quy định liên quan đến nội dung: Chữ ký điện tử nước ngoài; Điều kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy; Dữ liệu mở; Nền tảng số; Nền tảng số trung gian; Trách nhiệm của bên xử lý dữ liệu.

Theo diendandoanhnghiep.vn – Anh Khôi

 

 

Bài viết mới