Chủ Nhật, 08/12/2024, 9:40

Đón Tết ấm trên rẻo cao

Xem thêm

Khi những trận mưa xuân hiếm hoi rải trắng khắp trời Tây Bắc cũng là lúc hàng nghìn hộ nghèo ở huyện vùng cao Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) phấn khởi chuẩn bị đón Tết ấm đầu tiên trong căn nhà mới…

Những căn nhà mới giúp thay đổi diện mạo rẻo cao Điện Biên Đông.

Những căn nhà mới giúp thay đổi diện mạo rẻo cao Điện Biên Đông.

Chờ ngày đón Tết ấm đầu tiên…

Những ngày đầu năm mới 2022, chúng tôi tìm về bản Kéo Đứa, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, khi tiến độ làm nhà theo chương trình hỗ trợ của Bộ Công an đang vào giai đoạn “nước rút”. Những “mái ấm” cuối cùng trong tổng số 26 căn nhà ở bản được hỗ trợ dịp này đã thành hình.

Niềm vui thể hiện rõ trên gương mặt rạng rỡ của đồng bào, khi tận mắt ngắm nhìn ngôi nhà khang trang, được xây bằng gạch và xi măng thay thế cho những túp lều tranh “nắng rọi, mưa dột” ngày nào.

Cũng như nhiều hộ dân khác, bà Lò Thị Ngượng đang phấn khởi dọn dẹp và chuyển đồ dùng vào nhà mới. “Mới chỉ hơn 1 tháng trước thôi, gia đình tôi phải sống trong ngôi nhà dột nát, chênh vênh ngay cạnh sườn đồi.

Mỗi năm mưa xuống nền lại sạt một ít. Nhưng vì không có điều kiện nên cứ phải ở tạm như thế. Giờ nhìn căn nhà mới, đúng là có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ có được cơ ngơi này”, bà Ngượng trải lòng.

Nhớ lại thời điểm cách đây hơn 1 tháng, ông Lường Văn Thế, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơ, trải lòng với những chia sẻ đầy trăn trở. Ông Thế tâm sự, Kéo Đứa là 1 trong những địa bàn khó khăn nhất của xã. Bản có 53 hộ thì có tới 41 hộ nghèo, hơn 95% trong số đó là người Xinh Mun.

Trước kia bà con chủ yếu sống trong những căn nhà tạm bằng tre nứa. Do dựng từ lâu nên đa phần dột nát, chắp vá bằng những tấm fibro xi măng, không đủ che mưa, che nắng. Chính quyền địa phương, mặc dù đã nỗ lực tìm nhiều cách để kiên cố hóa nhà ở cho bà con, song với tiềm lực của xã vùng khó cũng chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ.

“Nhờ chương trình hỗ trợ của Bộ Công an, dân nghèo mới có nhà khang trang. Bà con phấn khởi, chúng tôi không chỉ vui lây mà nhẹ gánh đi rất nhiều. Từ nay, họ có thể yên tâm lao động sản xuất để xóa đói giảm nghèo. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và tiến trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương”, ông Thế nói.

Cách Kéo Đứa vài chục cây số, tại bản Na Pục, xã Mường Luân, căn nhà mới hoàn thành cũng là “giấc mơ có thật” của bà mẹ đơn thân Mòng Thị Cương. Vì không có việc làm ổn định, lại một mình nuôi 2 con nhỏ nên ngôi nhà vẫn là khát khao của chị. Suốt 8 năm qua, chị đã “lực bất tòng tâm” khi chứng kiến các con sợ hãi trải qua những trận gió lốc kinh hoàng trong căn nhà siêu vẹo, xuống cấp.

“Ngay từ lúc nghe tin được hỗ trợ làm nhà mới, tôi đã mừng mấy ngày liền không ngủ. Chỉ mơ đến ngày được dẫn các con về ở. Giờ thì đúng là sự thật rồi, không phải mơ nữa. Mấy ngày vừa qua tôi và các con được mọi người hỗ trợ dọn về nhà mới. Năm nay là cái Tết ấm cúng đầu tiên của ba mẹ con tôi, cuộc sống như bước sang trang mới!”, chị Cương xúc động nói.

Không riêng gia đình bà Ngượng, chị Cương, niềm hạnh phúc về Tết ấm đầu tiên trong căn nhà mới đã trở thành hiện thực đối với 1.040 hộ gia đình khác tại huyện vùng cao Điện Biên Đông. Trong đó, 988 gia đình được hỗ trợ xây mới, 52 hộ sửa chữa, kiên cố và vững chắc hơn.

Mới chỉ hơn 1 tháng trước, nhiều gia đình ở bản Kéo Đứa, xã Chiềng Sơ phải sống trong những căn nhà tạm dột nát, chắp vá bằng những tấm fibro xi măng, không đủ che mưa, che nắng.

“Vượt nắng, thắng mưa”, chạy đua với tiến độ

Theo chính quyền huyện Điện Biên Đông, toàn bộ số nhà trên do Bộ Công an hỗ trợ, bằng nguồn huy động xã hội hóa. Để đảm bảo chất lượng, nhà ở được xây dựng theo chương trình phải đảm bảo các tiêu chí, như: Diện tích tối thiểu từ 36m2 đối với nhà làm theo mẫu 36B do Bộ Công an duyệt; nhà phải đủ tiêu chí “3 cứng” (khung cứng, nền cứng, mái cứng).

Đối với những hộ có thêm kinh phí, nguyên vật liệu hoặc tận dụng khai thác hợp pháp tại chỗ có thể áp dụng linh hoạt, xem xét mở rộng diện tích, thay đổi khung nhà hoặc bổ sung một số hạng mục phụ trợ theo khả năng thực tế.

Các hộ do cơ quan, đơn vị giúp đỡ và tự thi công theo mẫu của Bộ Công an duyệt được hỗ trợ tối đa 55 triệu đồng/hộ; hộ tự thi công có sẵn nguyên liệu tối đa 50 triệu đồng/hộ. Mức hỗ trợ sửa chữa, cải tạo một phần không quá 15 triệu đồng/hạng mục/hộ và không quá 2 hạng mục/hộ.

Là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên, Điện Biên Đông hiện còn khoảng 45% hộ nghèo. Đây cũng là địa bàn vùng cao, với đặc thù giao thông cách trở. Bà con đa phần sinh sống rải rác trên các rẻo cao, sườn núi.

Thời điểm triển khai chương trình làm nhà lại đúng vào mùa đông, nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch lớn. Có thời điểm giảm sâu dưới 10 độ C, khiến quá trình thi công thêm bội phần gian khó.

Phòng Cảnh sát Cơ động (Công an tỉnh Điện Biên) được giao nhiệm vụ thi công gần 60 ngôi nhà tại 2 xã Keo Lôm và Noong U. Hơn 1 tháng qua, 30 cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã kiên trì “ba bám, bốn cùng” tại các bản để phối hợp cùng với nhân dân triển khai làm nhà mới.

Thiếu tá Vũ Văn Tuấn, Đại đội trưởng Đại đội 3, tâm sự: “Không chỉ giao thông từ huyện lên xã, xã về bản khó khăn, cách trở, mà ở đây nhà với nhà cũng cách nhau khá xa. Khó khăn nhất là khâu vận chuyển vật liệu. Có khi, chúng tôi phải gùi bộ hoặc chở xe máy quãng đường từ 2 – 3km mới tập kết được vật liệu xây dựng”.

Không những vậy, theo Thiếu tá Tuấn, địa bàn thi công ở vị trí trên cao nên khan hiếm nguồn nước, nhiều bản chưa có điện lưới quốc gia. Vì thế, cán bộ, chiến sĩ đơn vị phải tìm nhiều cách khắc phục mới đảm bảo điện và nước phục vụ thi công.

Còn theo ông Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơ – Lường Văn Thế thì suốt hơn 1 tháng qua, cán bộ địa phương đã “rải” đi khắp địa bàn để phối hợp cùng các lực lượng kiểm tra, triển khai xây dựng nhà cho bà con. Với 233 hộ được thụ hưởng theo chương trình, lại nằm rải rác nên riêng việc di chuyển, tập kết nguyên vật liệu đã mất khá nhiều thời gian.

“Khối lượng nhà phải xây dựng nhiều, nên áp lực về thời gian tương đối lớn. Song với quyết tâm không để bà con nào trong số này không được đón Tết trong nhà mới, xã đã phân địa bàn cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo.

Những thành viên này thường xuyên có mặt, túc trực tại các khu vực xây dựng nhà cho bà con, vừa để giám sát quá trình thi công, đảm bảo về chất lượng, vừa nhắc nhở, thúc đẩy các tổ, nhóm thợ đẩy nhanh tiến độ”, ông Thế cho hay.

Theo ông Bùi Ngọc La, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông, địa phương cũng đã xác định rất rõ khó khăn, thách thức về khối lượng công việc, thời gian và cả ảnh hưởng của dịch bệnh để tính toán, đưa ra hướng triển khai phù hợp với tình hình thực tế.

“Ngay khi nhận sự hỗ trợ chỉ vài ngày, chúng tôi đã bắt tay vào triển khai. Chỉ sau hơn 1 tháng thì đã hoàn thành được hơn 80% khối lượng. Phải nói rằng cường độ rất cao mới đạt được tiến độ này. Đây là kết quả sự nỗ lực đồng bộ của các lực lượng từ tỉnh đến cơ sở. Đảm bảo đến ngày 15/1 cơ bản hoàn thành kế hoạch đặt ra”, ông La cho biết thêm.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Cơ động (Công an tỉnh Điện Biên) hỗ trợ bà con huyện Điện Biên Đông làm nhà.

Bà con nhân dân huyện Điện Biên Đông cùng góp sức dựng nhà cho hộ nghèo địa phương từ nguồn vốn hỗ trợ của Bộ Công an.

Dồn “tổng lực” cho “đại dự án”

Xác định đây là “đại dự án”, mang lại “diện mạo mới” cho nhiều địa bàn vùng cao trong huyện Điện Biên Đông, từ chủ trương của Bộ Công an, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành các kế hoạch, quyết định về việc triển khai và phân công nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị phụ trách hỗ trợ làm nhà cho bà con.

Trong đó, Công an tỉnh, Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Tây Bắc (Bộ Công an), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên có nhiệm vụ hỗ trợ làm nhà ở cho gần 400 hộ. Chính quyền huyện tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hỗ trợ hơn 600 hộ tự thi công.

Theo ông Mùa A Vảng, Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông thì cả hệ thống chính trị địa phương đã nhanh chóng vào cuộc. Các ban chỉ đạo được thành lập, xây dựng phương án triển khai. Tại nhiều địa phương, chính quyền xã cũng chủ động nhận nhiệm vụ, hợp đồng với đơn vị thi công “bắt tay” ngay vào triển khai.

“Bám sát phương châm “Nhà nước hỗ trợ – nhân dân làm nhà” và nguyên tắc “Cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình làm nhà”, cán bộ các phòng, ban của huyện luôn bám sát địa bàn cơ sở để kiểm tra, đôn đốc công việc. Ngoài ra, huyện cũng huy động và nhận được sự ủng hộ tối đa về sức dân để cùng tham gia”, ông Vảng chia sẻ.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Điện Biên Đông là đơn vị được phân công giúp đỡ 4 bản của xã Chiềng Sơ, với 41 ngôi nhà mới. Ông Vũ Thế Hiệp, Giám đốc trung tâm, cho biết, sau khi nhận nhiệm vụ, đơn vị đã chủ động phân công cán bộ giúp đỡ, theo dõi, giám sát thi công.

“Chúng tôi bố trí 2 cán bộ trực tiếp túc trực thường xuyên tại xã. Lãnh đạo trung tâm hàng tuần vào kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Đảm bảo đến ngày 10/1 các nhà cơ bản hoàn tất để các gia đình sẵn sàng dọn về ở”, ông Hiệp nói.

Mặc dù, nhiệm vụ chuyên môn cuối năm bận rộn, song Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng được giao làm gần 90 ngôi nhà tại xã Luân Giói. Theo lãnh đạo đơn vị, rút kinh nghiệm từ việc hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo của 2 huyện Mường Nhé và Nậm Pồ trước đây, trung tâm đã hướng dẫn thay đổi một số hạng mục thi công để phù hợp với tình hình thực tế.

“Đơn vị đã không sử dụng hoàn toàn bằng tôn, mà xây tường gạch, mái lợp tôn chống nóng, nền cứng. Tuy nhiên, nhà vẫn đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 36m2 theo quy định.

Đây là thay đổi dựa trên nhu cầu sử dụng thực tế, truyền thống văn hóa của bà con, giá vật liệu hiện tại và sự đồng thuận chủ trương từ các cấp”, ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện nói.

Với nỗ lực của chính quyền, sự chung tay hỗ trợ của lực lượng chức năng và người dân địa phương, những ngày này khắp các bản làng vùng cao của huyện Điện Biên Đông, hàng trăm bà con nghèo đang háo hức dọn đồ chuyển về nhà mới.

Trong niềm hân hoan Tết Nguyên đán cận kề, món quà đầy ý nghĩa không chỉ  mang lại những cái “Tết ấm”, mà còn giúp bà con nghèo nơi rẻo cao có thể “an cư, lạc nghiệp”.

Một căn nhà mới của hộ nghèo Điện Biên Đông được xây dựng từ sự hỗ trợ của Bộ Công an.

Người dân huyện Điện Biên Đông hân hoan dọn đồ về căn nhà mới khang trang.

Theo Báo Giáo dục & Thời đại – Hà Linh

Link gốc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết mới