Thứ Ba, 15/10/2024, 23:26

Đón đầu kỷ nguyên Gen Z, kỷ nguyên mới của mua sắm online

Xem thêm

Thương mại điện tử đang bùng nổ ở Việt Nam với nhiều ứng dụng công nghệ hữu ích. Giờ đây, nhiều doanh nghiệp đang đầu tư công nghệ, nhân lực để bắt đầu kỷ nguyên mới của mua sắm online: Kỷ nguyên của Gen Z. Đồng thời cũng phải tập trung lo vấn đề bảo mật cho khách hàng.

Đón đầu kỷ nguyên Gen Z, kỷ nguyên mới của mua sắm online

Xu hướng tất yếu

Cứ cuối tuần, chị Mai Thị Thư (Thanh Trì, Hà Nội) lại mở sổ ghi chép những thứ cần mua cho tuần mới, từ rau, thịt, cá, cho đến các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày.

Sau khi đã lên danh sách và định ngày mua đầy đủ, chị bắt đầu mở ứng dụng mua sắm online và bắt đầu cho vào giỏ hàng và hẹn ngày giao.

Cứ thế, chị Thư yên tâm làm việc và chờ đến ngày giờ người giao hàng gọi điện xuống nhận những giỏ hàng đã đặt. “Rất tiện lợi và tiết kiệm thời gian.

Giờ đây tôi có thể mua mọi thứ trên các ứng dụng bán hàng online”, chị nói và thừa nhận rằng, giờ đây mua sắm online đã “ngấm vào máu” thay cho việc phải dậy sớm để đi chợ hay tất bật mua đồ ăn mỗi chiều về.

Hiện nay, hàng triệu người dân Việt Nam đang thay đổi hành vi như chị Thư. Là công ty thương mại điện tử tiên phong ở Việt Nam vào năm 2012, ông Đặng Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc Lazada Việt Nam, chia sẻ: “Quy mô thương mại điện tử của Việt Nam khi đó còn rất bé. Giờ đây, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam là 40-45 tỷ USD và còn phát triển vượt bậc trong tương lai”.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, Việt Nam là một trong những đất nước có thương mại điện tử phát triển nhanh nhất với tốc độ tăng trung bình 20%.

Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu đóng góp của nền kinh tế số vào toàn bộ nền kinh tế là 20%, so với con số 5% hiện nay.

Sau dịch Covid-19, mua sắm trên mạng trở thành hoạt động thường nhật của người dân. 60% dân số Việt Nam mua sắm online trong năm 2022, có nghĩa cứ 10 người Việt Nam thì có 6 người mua sắm trực tuyến.

Đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, có tới 96% người dùng thành thị mua sắm trên thương mại điện tử.

Nghiên cứu của Lazada cho thấy chiều sâu của hoạt động mua sắm trực tuyến ở Việt Nam trước và sau đại dịch. Cụ thể, trước đại dịch, mỗi người dân mua 5 ngành hàng nhưng sau đại dịch, số lượng ngành hàng trung bình mỗi người mua sắm trên Lazada tăng lên 7 ngành hàng.

“Mọi người mua thịt cá, rau, thời trang, làm đẹp… trên sàn thương mại điện tử. Điều đó cho thấy hành vi tiêu dùng trực tuyến trở thành thói quen ăn sâu vào cách mua sắm của người Việt Nam.

Những người thế hệ của tôi cách đây 15-20 năm đã thấy người dân vào siêu thị mua sắm thay vì chợ truyền thống thì nay chứng kiến một làn sóng mới: Mua sắm online”, ông Đặng Anh Dũng chia sẻ.

Ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cho rằng: Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang có xu hướng dịch chuyển sang giao dịch thương mại điện tử, không chỉ về sản lượng, doanh số mà cả ngành hàng.

“Có những ngành hàng chúng tôi nghĩ rất khó giao dịch, rất khó đẩy lên thương mại điện tử thì nay càng ngày càng phổ biến trên các sàn thương mại điện tử.

Thậm chí, những sản phẩm dịch vụ tưởng là vô hình, các sản phẩm thuộc nhóm tài chính trước đây phải giao dịch trực tiếp thì nay cũng chuyển sang giao dịch online. Tôi nghĩ đó là một xu hướng tất yếu cho tương lai”, ông Bùi Trung Kiên nói.

Đón chờ kỷ nguyên Gen Z

Ông Bùi Trung Kiên cho biết xuất phát từ nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp thương mại điện tử đang ngày càng ứng dụng nhiều công nghệ vào hoạt động.

Theo đại diện VECOM, bản thân các doanh nghiệp cung cấp nền tảng phục vụ cho thương mại điện tử cũng có bước cải tiến rất lớn. Họ không chỉ cung cấp nền tảng để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể sử dụng những dịch vụ, mà nhiều doanh nghiệp đã cung cấp các bộ công cụ quản trị, công cụ quản lý bán hàng chuyên sâu.

Nhiều công ty, sàn giao dịch điện tử đã đầu tư rất lớn để xây dựng các kho hàng, trong đó ứng dụng nhiều công cụ tiên tiến hiện nay như theo dõi đơn hàng, nâng cao năng suất, xử lý tới hàng trăm nghìn đơn hàng/ngày. Đó là minh chứng ứng dụng chuyển đổi số trong logistics.

Sau 11 năm ở Việt Nam, “ông lớn” thương mại điện tử Lazada cũng đang phải trả lời nhiều câu hỏi cho chặng đường tới. 10 năm qua, sự phát triển thương mại điện tử đã xây dựng được nền móng cơ bản. Vậy 10 năm tiếp theo của thương mại điện tử là gì? Làm thế nào để thương mại điện tử phát triển theo chiều sâu?

Theo ông Đặng Anh Dũng, thương mại điện tử thời gian tới không chỉ mang lại công việc, thu nhập mà còn thêm hàng triệu cảm xúc thú vị vào cuộc sống của người dùng.

Giờ đây, nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử đang hướng đến sự quan tâm vào thệ hệ tiêu dùng mới: Thế hệ Z (Gen Z). Đây là thế hệ am hiểu kỹ thuật số, sẵn sàng chi trả cao, thành phần quan trọng nhất của nền kinh tế kỹ thuật số. Thế hệ này quan tâm đến giá trị bền vững trong hành vi mua sắm của mình.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra, 65% Gen Z có xu hướng tìm kiếm giá trị khi đưa ra quyết định mua hàng và hơn 50% sẽ thay đổi thương hiệu nếu thiếu chất lượng.

Ngoài ra, 40% Gen Z luôn sẵn lòng cho các trải nghiệm thú vị mặc dù họ có thương hiệu quen thuộc thường hay sử dụng. “Họ luôn luôn khám phát, tìm hiểu cái mới”, ông Dũng nói.

Vì thế, điều đầu tiên các doanh nghiệp thương mại điện tử cần làm là phải phát triển kinh doanh bền vững, cả về tăng trưởng lẫn lợi nhuận.

Thứ hai, phải quan tâm cơ sở hạ tầng tiên tiến gồm hệ thống logistics và đào tạo nhân lực cho hạ tầng này. Bên cạnh đó, cần phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao vì đào tạo nhiều nhưng nhân sự chất lượng cao vẫn hiếm.

Cuối cùng, các doanh nghiệp cần phải phát triển và ứng dụng công nghệ nâng cao trải nghiệm người dùng. Một app thương mại điện tử hấp dẫn và thu hút, tiện lợi, thanh toán dễ dàng sẽ kích thích hành vi mua sắm của khách hàng hơn là một app rối rắm và không tiện lợi.

Nỗi lo bảo mật

Thương mại điện tử gắn liền với các hoạt động thanh toán online. Nhiều sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp bán hàng đang ngày càng quan tâm đến việc đa dạng hóa hình thức thanh toán cho khách hàng.

Người mua có thể thanh toán tiền trực tiếp cho nhân viên giao hàng khi nhận hàng, chuyển khoản ngân hàng, dùng cổng thanh toán trực tuyến, ví điện tử…

Trong đó, các hình thức chuyển khoản thông qua ngân hàng hay ví điện tử, cổng thanh toán trực tuyến đã xuất hiện những rủi ro khách hàng bị lộ thông tin tài khoản, dẫn đến bị mất tiền.

Thực tế, việc khách hàng chưa ý thức đúng mức, đơn vị cung cấp dịch vụ thương mại điện tử chưa đầu tư đúng mức… đã khiến cho giao dịch thương mại điện tử có nhiều lỗ hổng bảo mật và rất nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra.

Ông Bùi Trung Kiên cho rằng: Cần phải nhìn vấn đề rủi ro bảo mật các hoạt động thanh toán mua sắm online từ hai phía, rủi ro từ phía nhà cung cấp và từ phía người sử dụng.

Các nhà cung cấp dịch vụ, các tổ chức tài chính ngân hàng, ví điện tử, trung gian thanh toán đã xây dựng các lớp bảo mật đạt chuẩn quốc tế và thường xuyên được nâng cấp, rủi ro. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rủi ro xuất hiện trong quá trình thanh toán của người sử dụng.

“Một ngôi nhà có nhiều lớp khóa điện tử, nhưng bản thân chúng ta lại làm mất mã, mất chìa thì có nguy cơ người khác vào đột nhập lấy trộm tài sản của chúng ta”, ông Kiên ví von.

Vì vậy, hiện nay các tổ chức trung gian thanh toán đều cung cấp lớp bảo mật rất tốt. Nhưng cũng cần hướng dẫn, truyền thông cho người dùng các kỹ năng phòng tránh rủi ro khi thanh toán mua sắm online.

Ngoài ra, đại diện VECOM cho biết hiện nay trên thị trường có một lớp bảo mật nữa được cung cấp cho người sử dụng, đó là các công ty bảo hiểm đang có sản phẩm bảo hiểm bảo vệ những giao dịch trực tuyến cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Theo vietnamfinance.vn – Hải Nam

 

 

 

Bài viết mới