Thứ Bảy, 20/04/2024, 11:37

Đón 5 triệu lượt khách quốc tế: Nhiệm vụ bất khả thi

Xem thêm

Việt Nam đã mở cửa đón khách du lịch quốc tế nhưng số lượng khách vào Việt Nam còn ít, chưa được như kỳ vọng. Mục tiêu hoàn thành đón 5 triệu lượt khách trong năm 2022 xem ra là nhiệm vụ bất khả thi.

Đón 5 triệu lượt khách quốc tế: Nhiệm vụ bất khả thi

Mục tiêu đón 5 triệu lượt khách trong năm 2022 là nhiệm vụ bất khả thi.

Nhiều rào cản

Năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu đón và phục vụ 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 400.000 tỷ đồng.

Ngay từ thời điểm mở cửa du lịch (15/3), Việt Nam đã mở cửa đón khách quốc tế nhưng số lượng khách quốc tế vào Việt Nam chưa được như kỳ vọng. Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 7 tháng năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 954.600 lượt, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn giảm 90,3% so với cùng kỳ 2019 (năm chưa xảy ra dịch Covid-19). Trong khi đó, tính đến tháng 7/2022, thị trường nội địa đã đón 71,8 triệu lượt khách, vượt chỉ tiêu đề ra cho cả năm. Vì vậy, trong 5 tháng còn lại của năm 2022, Việt Nam cần phải đón hơn 4 triệu lượt khách quốc tế (trung bình mỗi tháng gần 810.000 lượt) mới đạt mục tiêu đã đề ra.

Nói về nguyên nhân khiến lượng khách quốc tế dè dặt tới Việt Nam, Bộ trưởng Văn hóa – Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Văn Hùng, cho biết hầu hết các thị trường khu vực Đông Bắc Á (chiếm gần 70% khách quốc tế đến Việt Nam) hiện vẫn đang xiết chặt phòng, chống dịch như Trung Quốc hiện theo đuổi chính sách “không Covid” và đến nay vẫn chưa mở cửa du lịch quốc tế; xung đột quân sự Nga – Ukraine đã tác động đến việc nối lại đường bay Việt Nam – Nga, ảnh hưởng đến thị trường nguồn khách Nga đến Việt Nam; chính sách phòng, chống dịch, mở cửa của các nước khác nhau,..

Đó là chưa kể tình trạng đứt gãy nguồn nhân lực du lịch sau 2 năm đóng băng do dịch bệnh; việc gián đoạn, đứt gãy liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam và các doanh nghiệp lữ hành đối tác ở nước ngoài, đặc biệt do tác động của đại dịch, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã phá sản hoặc giải thể. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành, vận tải, lưu trú cũng còn nhiều bất cập, xuất hiện tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh ngày càng lớn của các quốc gia trong khu vực cũng ảnh hưởng lớn đến lượng khách quốc tế tới Việt Nam.

Mới đây, trong văn bản gửi Thủ tưởng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) nhìn nhận mục tiêu đón trên 5 triệu lượt khách quốc tế tới Việt Nam trong năm 2022 còn rất nhiều thách thức.

Theo Ban IV, thời điểm mở cửa (15/3/2022) rơi vào cuối mùa cao điểm du lịch inbound (thường từ tháng 10 đến hết tháng 3 hàng năm) đồng thời có sự biến động rất lớn ở một số thị trường khách truyền thống và mục tiêu (do cuộc chiến Nga – Ukraine, do lạm phát ở cả Mỹ và nhiều nước châu Âu, hoặc do chính sách thắt chặt với dịch Covid-19 từ Trung Quốc, Nhật Bản,…) nên hiệu ứng thu hút khách quốc tế còn hạn chế. Bên cạnh đó, khâu truyền thông, xúc tiến, quảng bá chính sách mở cửa du lịch tới các thị trường khách mục tiêu còn hạn chế, chủ yếu là do các doanh nghiệp tư nhân thực hiện một cách riêng lẻ, phụ thuộc vào năng lực và mối liên hệ của từng doanh nghiệp, chưa hội tụ được đồng thời nguồn lực và nỗ lực công – tư cho các thị trường khách mục tiêu.

Chưa kể, chính sách thị thực nói chung dù đã được tuyên bố cởi mở trước dịch Covid-19, tuy nhiên những ưu đãi về miễn thị thực chưa đáp ứng được các xu hướng du lịch sau dịch (ví dụ: khách quốc tế ít đi lại di chuyển, có xu hướng ở dài ngày tại một quốc gia trong khi thời gian miễn thị thực của Việt Nam chỉ có tối đa là 15 ngày), chưa thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực.

Ngoài ra, cũng theo Ban IV, các vấn đề như thị thực nhận tại cửa khẩu vẫn phải cần giấy “chấp thuận visa”, cần nhiều loại giấy tờ thủ tục phức tạp hơn so với trước Covid-19; hay thị thực hiện tử (e-visa) cũng chưa có cơ chế xác nhận ngày trả lời kết quả tự động trên trang web và chưa giải thích lý do vì sao hồ sơ bị từ chối, khiến du khách nhập cảnh vào Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn không đáng có.

Mục tiêu khó hoàn thành

Hiện nay lượng khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam còn rất thấp, trong khi đây là một chỉ số rất quan trọng để đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 10/8, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần có thời gian để kết nối với khách hàng truyền thống, cũng cần phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách tham quan, bảo đảm hơn về chất lượng dịch vụ du lịch, chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh lữ hành.

“Do chính sách phòng, chống dịch bệnh ở các quốc gia khác nhau nên việc đón khách nước ngoài còn gặp một số vướng mắc. Việt Nam về cơ bản đã sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế, tuy nhiên vẫn cần khắc phục một số khó khăn mang tính tình thế”, Bộ trưởng Hùng nói.

Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Nguyễn Sơn Thuỷ, Giám đốc Công ty du lịch Duy Nhất Đông Dương, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Nam, cho rằng lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn còn dè dặt bắt nguồn từ việc nhiều quốc gia vẫn còn hạn chế đi du lịch; các chính sách của các nước chưa đồng nhất; hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh tại các thị trường bên ngoài hầu như không có; đặc biệt là đường hàng không vẫn chưa thể phục hồi lại hoàn toàn. “Hiện tại du lịch hàng không trong nước chỉ mới phục hồi đạt khoảng 70% – 80%, trong khi đó du lịch hàng không quốc tế phục hồi rất chậm”, ông Thuỷ nói.

Cũng theo ông Thuỷ, hiện nay chỉ có một thị trường khách quốc tế có thể thích ứng được với các điều kiện, chính sách của Việt Nam đó là khu vực Đông Nam Á (nguồn khách tiềm năng nhất hiện nay là Thái Lan, tiếp đến là Malaysia, Philippines). Ngoài ra, thị trường du lịch Ấn Độ cũng là “miếng bánh” hấp dẫn để khai thác.

“Với dân số thuộc tốp đầu thế giới, quốc gia đông dân thứ 2 thế giới này thường có xu hướng đi cả nhóm bạn bè hoặc gia đình. Họ có tầng lớp trung lưu sẵn sàng chi mạnh tay cho các nhu cầu mua sắm, vui chơi, ăn uống, tiệc tùng. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường ‘khó chiều’ khi họ khá chú trọng đến vấn đề văn hóa, tôn giáo. Vì vậy, để đón nguồn khách này, chúng ta cần chuẩn bị đội ngũ nhân lực phù hợp, am hiểu văn hóa, con người để có hướng khai thác hiệu quả”, ông Nguyễn Sơn Thuỷ cho hay.

Ông Nguyễn Văn Đại, đại diện truyền thông của Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam, cho biết trung bình hằng năm lượng khách quốc tế từ Nga đóng góp cho du lịch Việt Nam vào khoảng 700.000 người. Tuy nhiên cuộc chiến Nga – Ukraine căng thẳng trong thời gian qua đã khiến lượng khách này trong năm 2022 chỉ được khoảng dưới 100.000 người.

“Thị trường khách du lịch từ Nga năm nay sẽ không đóng góp được nhiều cho Việt Nam. Bởi do khủng hoảng Nga-Ukraine, để đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, các hãng hàng không phải bay vòng khiến thời gian bay và giá vé tăng cao, đây cũng là trở ngại và ảnh hưởng không nhỏ tới du lịch Việt Nam”, ông Đại nói.

Trong khi đó, ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Lux Group, thẳng thắn cho rằng: “Quan niệm con số đón được bao nhiêu khách quốc tế trong năm nay hay mục tiêu đón khách năm sau phải cao hơn năm trước không có ý nghĩa gì cả. Cái cốt lõi của chúng ta hiện nay đó là tư duy lại để làm sao nâng cao được năng lực đáp ứng của Việt Nam, khách quốc tế đến có vui, du khách đến thì họ chi tiêu bao nhiêu tiền cho kinh tế ở địa phương. Đây mới là vấn đề trọng tâm cần phải thực hiện ngay thay vì những con số mục tiêu”.

“Nút thắt hiện nay của du lịch Việt Nam cần phải cởi trói ngay đó là: thể chế chính sách, chất lượng nguồn nhân lực, sản phẩm và các hoạt động xúc tiến du lịch. Cùng với đó, việc số hoá cho doanh nghiệp, cho ngành du lịch hiện nay đã thực hiện đến đâu. Khi mở được các nút thắt này, chúng ta mới có thể đón được những nguồn khách có chất lượng, họ ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn và quay trở lại nhiều lần hơn”, ông Phạm Hà nói.

Đánh giá về tiềm năng nguồn khách từ thị trường Ấn Độ, CEO Lux Group Phạm Hà cho biết đây là một đất nước có dân số đông thứ 2 thế giới, nhu cầu đi du lịch rất lớn. Ngoài ra, Việt Nam có khí hậu ấm, nhiều bãi biển đẹp và phù hợp cho các nhóm nhỏ, gia đình đi ngắn ngày. Trước đây do đường bay chưa thuận tiện khiến thị trường tiềm năng bị lãng quên, tuy nhiên việc các hãng hàng không trong nước như Vietnam Airline, Vietjet mở đường bay thẳng tới Ấn Độ trong thời gian vừa qua cho thấy họ rất chú trọng vào thị trường tiềm năng này.

Theo vietnamfinance.vn – Lê Ngà

 

 

Bài viết mới