Thứ Bảy, 07/12/2024, 22:39

Đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững đem lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp

Xem thêm

Đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững là hai yếu tố quan trọng đem lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN) về lâu dài, đồng thời giúp DN tạo ra giá trị cho nhà đầu tư và cộng đồng. Đổi mới sáng tạo còn hỗ trợ DN thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững (VCSF) 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) tổ chức ngày 23/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh phát triển bền vững phải gắn với phát triển bao trùm trên cả 3 trụ cột: Phát triển bền vững kinh tế, Phát triển bền vững xã hội, văn hoá và con người và Phát triển bền vững môi trường.

Tất cả DN, dù ở quy mô nào, trong lĩnh vực nào cũng đều có cơ hội, vị thế, tiềm năng và hứa hẹn có nhiều đóng góp trong Cuộc đua xanh toàn cầu phát triển bền vững hiện nay.

Cũng tại Diễn đàn, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam, đồng chủ tịch VCBSD, đã chia sẻ về việc thúc đẩy “chuyển đổi kép” trong DN. Theo đó, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững cần song hành để đạt được các mục tiêu kinh doanh đồng thời giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường.

Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam, đồng chủ tịch VBCSD chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững (VCSF) 2023.

Trong nhiều thập kỷ qua, các DN chú trọng vào tổng lợi nhuận cổ đông (Total Shareholder Return – TSR). Tuy nhiên, theo ông Binu Jacob, để phát triển bền vững và lâu dài, doanh nghiệp không chỉ tạo ra giá trị cho cổ đông mà còn cần tạo ra tác động cho xã hội (Total Societal Impact – TSI).

Hiện nay, các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và có tác động tích cực đến môi trường, xã hội và quản trị, cũng như góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, hay biến đổi khí hậu.

Là một trong những DN đi đầu về phát triển bền vững, đối với Nestlé, việc tạo giá trị cho xã hội chính là động lực của tập đoàn hàng đầu về thực phẩm này. Tại Việt Nam, Nestlé đang thực hiện nhiều sáng kiến bền vững nhằm tạo tác động tích cực đến môi trường và xã hội, với các ưu tiên gồm: Phát triển thể chất và dinh dưỡng cho trẻ em, thu mua có trách nhiệm, hành động chống biến đổi khí hậu và quản lý nguồn nước, nâng cao quyền năng phụ nữ, phát triển bao bì bền vững.

Nhằm góp phần thúc đẩy phong trào phát triển thể chất, khuyến khích lối sống khỏe mạnh, năng động trong cộng đồng, đặc biệt là trẻ em trong độ tuổi 6 – 17 nói riêng, Nestlé Việt Nam, nhãn hàng Nestlé MILO, đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Cục Thể dục Thể thao triển khai chương trình “Năng động Việt Nam”.

Mục tiêu của sáng kiến này là hỗ trợ các địa phương trong hoạt động thể chất và dinh dưỡng, cung cấp trang thiết bị thể thao trong trường học, khuyến khích phụ huynh tạo điều kiện để trẻ em năng vận động.

Sáng kiến bao gồm chuỗi các hoạt động thể thao như Giải Bóng đá hội khỏe Phù Đổng, Giải Bóng rổ học sinh TP.HCM, Giải Vovinam, Giải Bơi lội học sinh toàn thành, Trại hè năng lượng, Ngày hội Đi bộ vì thế hệ Việt Nam năng động…

Trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, Nestlé đã phối hợp với đối tác xây dựng nền tảng số để trẻ em vẫn có thể tham gia các hoạt động rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe tại nhà. Đến nay, chương trình đã được triển khai đến gần 8.500 trường học tại 36 tỉnh thành, với 5 triệu trẻ em tham gia.

Để thực hiện cam kết về thu mua bền vững, Nestlé Việt Nam đã triển khai Chương trình canh tác cà phê bền vững Nescafé Plan tại các tỉnh Tây Nguyên từ năm 2011. Cho đến nay, chương trình đã hỗ trợ hơn 22.000 hộ nông dân tiếp cận và thực hành sản xuất cà phê theo bộ tiêu chí 4C, triển khai tập huấn cho hơn 330.000 lượt nông dân, phân phối 63,5 triệu cây giống kháng bệnh và cho năng suất cao giúp tái canh diện tích cây cà phê già cỗi.

Chương trình đã góp phần giảm 20% lượng phân bón, tiết kiệm 40% lượng nước tưới trong canh tác cây cà phê, giúp người nông dân tăng từ 30-100% thu nhập nhờ áp dụng cá mô hình xen canh hợp lý. Chương trình cũng áp dụng công nghệ số hóa vào việc hỗ trợ phát triển và xây dựng công cụ nhật ký nông hộ, giúp người nông dân quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả thông qua ứng dụng phần mềm, thay thế việc quản lý bằng giấy tờ.

Đối với các vấn đề xã hội, nâng cao quyền năng kinh tế và vị thế người phụ nữ là một phần quan trọng trong cách tiếp cận của Nestlé. Từ năm 2017, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Nestlé Việt Nam đã hợp tác triển khai chương trình “Nestlé đồng hành cùng phụ nữ” tại 20 tỉnh thành trên toàn quốc thu hút 4.600 hội viên phụ nữ tham gia.

Chương trình nhằm trang bị và tăng cường kiến thức dinh dưỡng đến hơn 1 triệu hộ dân trên cả nước, tập huấn phát triển kỹ năng kinh doanh, kiến thức chuyển đổi số, và áp dụng công nghệ số đến 100% hội viên, và giúp khởi tạo 3.000 quầy hàng để nâng cao thu nhập cho nữ giới.

Tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD Nguyễn Quang Vinh cho biết, thành công của DN giờ đây còn bao gồm khả năng thích ứng, chống chịu và phục hồi trước những thách thức chưa từng có trong tiền lệ, hay DN cần gắn kết thành công, tăng trưởng dài hạn của mình với lợi ích bền vững của cộng đồng, xã hội và môi trường.

Khi đã chuyển đổi về tư duy, DN cần tập trung cho một số ưu tiên hành động, đó là: chuyển đổi chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của DN theo hướng bền vững hơn; thúc đẩy trách nhiệm giải trình trong DN và thúc đẩy chuyển đổi kép (chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (phải, ngoài cùng) trao tặng hoa cho Chủ tịch VBCSD Nguyễn Quang Vinh (thứ 2, từ phải sang) và đồng Chủ tịch VBCSD Binu Jacob (thứ 3, từ phải sang) ghi nhận chặng đường 10 năm tổ chức thành công VCSF.

Được tổ chức thường niên từ năm 2014, VCSF là sự kiện thúc đẩy đối thoại về phát triển bền vững DN giữa cộng đồng DN và Chính phủ Việt Nam quan trọng nhất trong năm của VCCI nói chung và VBCSD nói riêng.

Jennifer Tran

Bài viết mới